Thứ ba, 23/04/2024 22:25 (GMT+7)
Thứ sáu, 22/07/2022 14:54 (GMT+7)

Bình Thuận nói gì về đề xuất làm dự án 2,5 tỷ USD của Vietracimex?

Theo dõi KTMT trên

Vietracimex (WTO) - một doanh nghiệp khá kín tiếng trong lĩnh vực BOT, bất động sản, năng lượng vừa đề xuất đầu tư tổ hợp dự án quy mô hơn 897 ha, tổng vốn đầu tư gần 2,5 tỷ USD tại Bình Thuận.

Đề xuất dự án tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng tỷ đô

Theo thông tin trước đó cho biết, dự thảo quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được tổ chức công khai để lấy ý người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Theo đó, có hàng loạt dự án quy mô lớn đã được xác định thuộc danh mục ưu tiên đầu tư tại Bình Thuận trong thời gian tới.

Tỉnh Bình Thuận đang xem xét đề xuất dự án tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng trị có quy mô 897,4 ha, giá hơn 57.638,3 tỷ đồng (gần 2,5 tỷ USD) của Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng Vietracimex.

Theo đó, Vietracimex đề nghị thực hiện tổ hợp du lịch – dịch vụ và nghỉ dưỡng Sunrise VNT Mũi Yến (tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình). Bao gồm các sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng, biệt thự du lịch (tỷ trọng đất du lịch chiếm hơn 31%).

Bình Thuận nói gì về đề xuất làm dự án 2,5 tỷ USD của Vietracimex? - Ảnh 1
Ranh giới dự án do WTO đề xuất đầu tư như sau: Phía Đông giáp cồn cát biển Đông; phía Tây giáp khu dân cư ven Bàu Trắng, đường tỉnh lộ 716B và nhà máy điện gió Thuận Nhiên Phong; phía Nam giáp biển Đông, một phần phía Nam của dự án nằm tại mũi Yến; phía Bắc giáp Đồi Cát Trắng và các dự án trồng rừng của địa phương. (Ảnh: vietnammoi)

Về cơ cấu nguồn vốn dự án gồm: Khoảng 8.740 tỷ đồng là vốn tự có, khoảng 10.480 tỷ đồng là vốn vay và khoảng 38.000 tỷ đồng từ nguồn huy động khách hàng (chiếm 67% tổng mức đầu tư). Dự kiến tiến độ dự án thực hiện trọng 7 năm kể từ khi có quyết định chủ trương đầu tư, theo nhà đầu tư chia sẻ.

Theo Nghị quyết về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Bình Thuận xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội. Ngành du lịch xác định mục tiêu đến năm 2025 đón 8,9 triệu lượt khách (khách quốc tế từ 10-12%), doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 23.300 tỷ đồng. Đến năm 2030, đón 16 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 63.000 tỷ đồng.

Từ đây, Bình Thuận tập trung quy hoạch, định hình lại không gian phát triển du lịch ở một số khu vực ven biển và các khu vực tiềm năng để kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp. Tỉnh định hướng thu hút đầu tư và phát triển đa dạng, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch dựa trên các loại hình: du lịch biển, thể thao, giải trí; du lịch văn hóa; du lịch điều dưỡng; du lịch nông nghiệp, sinh thái rừng – biển…

Một trong những chi tiết đáng chú ý của dự án, là quỹ đất và cơ cấu sử dụng đất.

Khu đất (gần 900 ha) nằm giáp cồn cát biển Đông, khu dân cư ven Bàu Trắng và nhà máy điện gió Thuận Nhiên Phong (về phía Tây), giáp biển Đông (về phía Nam). Trong dự án, có khoảng 109 ha đất rừng, nằm trong tổng diện tích khoảng 2.500 ha đất rừng đặc hữu ven biển thuộc khu Lê Hồng Phong.

Được biết, khu đất đề xuất thực hiện dự án có phần chồng lấn với ranh giới quy hoạch khoáng sản Titan (theo Quyết định 1546 năm 2013 của Thủ tướng). Vietracimex cho rằng, những năm qua việc khai thác titan thực tế không đem lại hiệu quả như mong đợi và tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị Thủ tướng về điều chỉnh quy hoạch khoáng sản Titan.

Tháng 4/2021, Nghị định 51 (về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia) được ký ban hành, sẽ cho phép Bình Thuận thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội trên các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, đồng thời cho phép điều chỉnh diện tích, đưa ra ngoài diện tích vùng dự trữ khoáng sản quốc gia đã được phê duyệt.

Dự án được ví như một thiên đường xanh giữa sa mạc cát

Vận dụng các nội dung trong Nghị định 51, Vietracimex tính toán dự án vẫn có thể được chấp thuận đầu tư trong vòng 50 năm. Dự án dự kiến đóng góp ngân sách tỉnh mỗi năm khoảng 1.600 tỷ đồng. Dự án sẽ hình thành một tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng phát triển bền vững được ví như một thiên đường xanh giữa sa mạc cát.

Như TheLEADER đã thông tin, Bình Thuận mới đây ghi nhận các ý kiến không thống nhất về quy hoạch phát triển điện gió và du lịch.

Việc này khởi phát từ kiến nghị của Công ty CP Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova gửi tỉnh Bình Thuận về xem xét tháo gỡ chồng lấn quy hoạch điện gió với quy hoạch phát triển du lịch (tại khu vực xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình).

Cho biết đã đầu tư hàng tỷ USD vào nhiều dự án bất động sản du lịch tại Bình Thuận, doanh nghiệp nhận thấy tại khu vực xã Hòa Thắng (huyện Bắc Bình) rất tiềm năng để phát triển du lịch bền vững. Tuy nhiên, vị trí này sẽ tập trung rất nhiều dự án điện gió, các dự án này đều nằm sát gần biển, là khu vực đã được Chính phủ quy hoạch vào khu du lịch quốc gia Mũi Né.

Có dự án chỉ cách biển chừng 3 km, thậm chí các dự án điện gió chỉ cách đường ĐT.716B vài trăm mét, xung quanh là các khu dân cư, khu du lịch Bàu Trắng và một số dự án du lịch nghỉ dưỡng đã, đang và sắp triển khai...

Tuabin gió của các dự án này thường đặt ở nơi có không gian rộng rãi, thoáng đãng và có độ cao có thể trên 100 m, vì vậy khi được lắp đặt sẽ phá vỡ cảnh quan tự nhiên gây tiếng rít, sóng điện từ.

Doanh nghiệp này cho biết đang gặp khó khăn và có nguy cơ dự án sẽ không triển khai được do quy hoạch cũ không còn phù hợp, do chồng lấn giữa các quy hoạch ngành, trong đó có quy hoạch năng lượng điện gió sẽ phá vỡ môi trường du lịch…

Tuy nhiên, đáp lại mối lo đó, Sở Công Thương Bình Thuận khẳng định: Các dự án điện gió tại khu vực Hòa Thắng – Hòa Phú không chồng lấn các dự án du lịch tại khu du lịch quốc gia Mũi Né. Đồng thời, theo sở này, ý kiến cho rằng việc khai thác các dự án điện gió có khả năng phá vỡ cảnh quan, môi trường du lịch tại khu du lịch quốc gia Mũi Né là ý kiến chủ quan, thiếu cơ sở pháp lý, khoa học.

Hiện nay, tại khu vực Hòa Thắng – Hòa Phú lân cận với khu du lịch quốc gia Mũi Né đã có 2 dự án điện gió hoàn thành là Thiện Nghiệp (40 MW - Công ty CP Đầu tư phát triển Đại Phong), Hồng Phong 1 (40 MW - Công ty CP Điện gió Hồng Phong 1).

Với siêu dự án tổ hợp dịch vụ - du lịch nghỉ dưỡng (quy mô gần 900 ha) đang được Vietracimex lên khuôn và chờ thẩm duyệt, Bình Thuận một lần nữa tiếp tục phải cân nhắc để đưa ra quyết định nhằm hài hòa phát triển giữa du lịch, năng lượng và công nghiệp khoáng sản (3 chân kiềng phát triển chủ lực của địa phương thời gian này).

Với tuổi đời 50 năm, Vietracimex đang trở thành doanh nghiệp kinh doanh đa ngành (chủ chốt là năng lượng, công nghiệp và bất động sản), với vốn điều lệ 8.510 tỷ đồng.

Ở mảng năng lượng, Vietracimex sở hữu loạt dự án: thủy điện Tà Tháng (60 MW tại Lào Cai), thủy điện Bắc Mê (45 MW, Hà Giang), thủy điện Mỹ Lý (180 MW) và Nậm Mô 1 (90 MW) tại Nghệ An.

Về năng lượng tái tạo, doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án điện mặt trời 250 MW (Hồng Phòng 1A và 1B), điện gió Hòa Thắng 100 MW tại Bình Thuận (riêng dự án này cũng gặp vấn đề chồng lấn diện tích khá lớn với dự án titan Hồng Thắng 2 tại huyện Bắc Bình), 2 dự án điện gió 400 MW tại Cà Mau và Sóc Trăng. Ở mảng công nghiệp, Vietracimex đang sở hữu nhà máy Bột – giấy công suất 350.000 tấn/năm tại khu kinh tế Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi).

Ở mảng bất động sản, Vietracimex gắn liền thương hiệu với khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch (tại Hà Nội), Hinode city (201 Minh Khai), Sunrise VNT Resort – Phú Quốc (khoảng 45 ha, dự kiến thực hiện từ 2018 đến hết 2020), các dự án tổ hợp văn phòng, chung cư cao cấp, biệt thự sân golf tại Hà Nội và TP.HCM trị giá hàng nghìn tỷ đồng…

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Bình Thuận nói gì về đề xuất làm dự án 2,5 tỷ USD của Vietracimex?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.