Bình Dương: Hàng ngàn nhà xưởng trong khu dân cư sẽ được di dời vào các khu, cụm công nghiệp
Ngành chức năng tỉnh Bình Dương cho biết sẽ tiến hành di dời gần 3.000 nhà máy, xưởng sản xuất nằm xen kẽ trong khu dân cư sẽ được di dời vào các khu, cụm công nghiệp để tránh ô nhiễm.
Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Thanh Toàn – Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Dương cho biết, trong thời gian tới địa phương sẽ tiến hành di dời các nhà máy, doanh nghiệp hoạt động sản xuất công nghiệp nằm trong các khu dân cư đến các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Việc di dời dời các nhà máy, xưởng sản xuất này nhằm tránh gây ô nhiễm và tạo cảnh quan đô thị. Đồng thời, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, số doanh nghiệp phải di dời vào các khu, cụm công nghiệp chiếm 71% tổng số các cơ sở sản xuất công nghiệp tại địa phương.
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương có gần 3.000 nhà máy, xưởng sản xuất nằm xem kẽ trong các khu dân cư và thuộc diện phải di dời. Sau khi các cơ sở này được dời đi thì có khoảng 1.800 ha đất đang được sử dụng này sẽ được chuyển đổi công năng thành nhà ở xã hội, kinh doanh, dịch vụ để phục vụ đời sống của người dân.
Về chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp cần di dời, Bình Dương dự kiến hỗ trợ tập trung vào 2 nhóm đối tượng. Nhóm thứ nhất, hỗ trợ một lần đối với nhóm cơ sở tự chấm dứt hoạt động sản xuất hoặc chuyển đổi ngành nghề hoạt động tại địa điểm cũ, với mức chi 500.000 đồng/m2 nhà xưởng xây dựng hợp pháp (không quá 1 tỷ đồng cho 1 cơ sở).
Nhóm thứ hai, hỗ trợ đối với cơ sở di dời vào trong khu, cụm công nghiệp bằng tiền thuê đất, nhà xưởng tại địa điểm mới, chi phí tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt nhà xưởng, thiết bị và lãi vay đầu tư xây dựng cơ sở mới.
Cùng với đó, người lao động trong các doanh nghiệp thuộc diện di dời ở cả hai nhóm này sẽ được hỗ trợ bằng 3 tháng tiền lương cơ bản nếu đã làm việc từ đủ 12 tháng trở lên.
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Toàn cho biết, đề án di dời các doanh nghiệp trong khu dân cư là một chủ trương lớn của tỉnh; kế hoạch di dời được thông báo trước để các nghiệp có thời gian chuẩn bị.
Cụ thể, TP.Thuận An sẽ di dời từ tháng 1/2024, hoàn thành vào tháng 12/2028; TP.Dĩ An di dời từ tháng 1/2024 đến tháng 6/2030; TP.Thủ Dầu Một di dời từ tháng 1/2024 đến tháng 6/2030; TP.Tân Uyên di dời từ tháng 1/2024 đến 12/2029 và thị xã Bến Cát di dời từ tháng 1/2024 đến 12/2030.
Theo tìm hiểu, từ năm 2010, Bình Dương đã có chủ trương di dời các nhà xưởng, công ty nằm trong khu dân cư gây ra tình trạng ô nhiễm không khí, nguồn nước, tiếng ồn, cháy nổ.... Và chủ trương của UBND tỉnh Bình Dương đã nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Vào tháng 7/2019 UBND tỉnh Bình Dương trình HĐND tỉnh thông qua kế hoạch hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi đô thị với mức chi lên đến gần 300 tỷ đồng. Sau khi các doanh nghiệp di dời, các khu đất này sẽ được chính quyền tỉnh Bình Dương chuyển đổi quy hoạch, kêu gọi đầu tư thành đất công trình công cộng, các khu dân cư, đô thị mới theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường.
Các khu, cụm công nghiệp hiện có đủ để đáp ứng như cầu di dời.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương Phạm Trọng Nhân cho biết thêm, địa phương hiện có 29 khu công nghiệp, trong đó 27 khu đã hoạt động và lấp đầy hơn 85%; 12 cụm công nghiệp lấp đầy khoảng 68%. Do đó với diện tích còn lại thì các khu, cụm công nghiệp thừa sức đáp ứng nhu cầu di dời của doanh nghiệp theo kế hoạch.
Thanh Tùng