Bình Dương: Điển hình trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Bình Dương là trung tâm sản xuất công nghiệp hiện đại bậc nhất Việt Nam, là số ít các địa phương có nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất “tỷ đô”. Đặc biệt, Bình Dương có các doanh nghiệp rất thành công ở cả ba loại hình (Nhà nước, ngoài Nhà nước và FDI).
Qua hơn 25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đã tạo được những chuyển biến đột phá trong phát triển kinh tế và đô thị. Từ một tỉnh chủ yếu sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp, Bình Dương có sự phát triển vượt bậc với những chỉ tiêu kinh tế cao gấp hàng chục lần so với thời điểm chia tách tỉnh.
Quy mô dân số tăng gần 5 lần; quy mô nền kinh tế tăng gấp 104 lần; thu ngân sách tăng gấp 75 lần và là một trong số ít các địa phương điều tiết ngân sách về Trung ương. Thu nhập bình quân đầu người đạt 170 triệu đồng/ người/năm, được Trung ương đánh giá là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất nước.
Hiện Bình Dương vẫn đang là điểm đến của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhất là các nhà đầu tư chiến lược. Tỉnh là trung tâm sản xuất công nghiệp hiện đại bậc nhất Việt Nam, là số ít các địa phương có nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất “tỷ đô”. Đặc biệt, Bình Dương có các doanh nghiệp rất thành công ở cả ba loại hình (Nhà nước, ngoài Nhà nước và FDI).
Mới đây, Tập đoàn Lego đã quyết định đầu tư nhà máy sản xuất hiện đại nhất thế giới với công nghệ trung hòa carbon đầu tiên của họ với tổng mức đầu tư hơn 1,3 tỷ đô la Mỹ vào tỉnh cho thấy Bình Dương là một điểm sáng trên bản đồ công nghiệp thế giới.
TS Huỳnh Ngọc Đáng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bình Dương chia sẻ về câu chuyện thực tế Bình Dương xin phép Trung ương đầu tư nâng cấp Quốc lộ 13, trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, ngân sách Trung ương hạn hẹp, nên đến năm 1997 vẫn chưa có một kế hoạch cụ thể nào của Bộ Giao thông - Vận tải để nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13.
Trong khi đó, yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa địa phương cùng với sự thôi thúc của các vận hội mới đã không cho phép tỉnh Bình Dương ngồi yên chờ đợi. Hành động đầu tiên của tỉnh Bình Dương là đã vận động thuyết phục Bộ Giao thông - Vận tải và mạnh dạn xin phép Chính phủ cho tỉnh được nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13. Mặc dù có những ý kiến trái chiều nhưng cuối cùng cả bộ và Chính phủ đã đồng ý cho phép tỉnh thực hiện.
“Việc xây dựng tuyến Quốc lộ 13 đã góp phần không nhỏ trong công cuộc xây dựng, đổi mới kinh tế - xã hội khu vực Đông Nam bộ nói chung và Bình Dương nói riêng ngày một đi lên. Quốc lộ 13 trở thành trục xương sống của tỉnh, là điều kiện tiên quyết và đặt nền móng quan trọng trong việc hình thành các khu công nghiệp VSIP, Mỹ Phước 1, 2, 3, Bàu Bàng… góp phần thu hút mạnh mẽ nguồn vốn FDI, qua đó làm thay đổi rõ rệt bộ mặt kinh tế - xã hội của tỉnh”, TS Huỳnh Ngọc Đáng cho biết.
Theo GS. TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, sự phát triển của Bình Dương là một mô hình rất đặc biệt tại Việt Nam.
“Chúng tôi đánh giá rất cao những thành tựu phát triển của Bình Dương đạt được trong thời gian qua. Đây là điểm sáng, phản ánh sinh động những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đất nước”, GS-TS Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh.
Đến nay, tỷ trọng khu vực nông nghiệp của Bình Dương chỉ còn khoảng 3%, công nghiệp 67% và dịch vụ 21%. Bình Dương đã bứt phá vươn lên trở thành điểm sáng thu hút đầu tư trong cả nước; riêng đầu tư nước ngoài, đến nay đạt trên 40 tỷ đô la Mỹ.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông được đầu tư ngày càng đồng bộ, hiện đại. Tốc độ đô thị hóa nhanh, đạt tỷ lệ trên 84%.
Đặc biệt, nhiều năm liên tiếp gần đây, Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) đã vinh danh Vùng thông minh Bình Dương là 1 trong 21 cộng đồng có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới.
Yến Thanh