Thứ năm, 18/04/2024 16:48 (GMT+7)
Chủ nhật, 01/03/2020 06:40 (GMT+7)

Biến nguồn lực khoáng sản thành tiềm năng du lịch

Theo dõi KTMT trên

Theo định nghĩa của UNESCO, di sản địa chất là tài nguyên không tái tạo, một khi mất đi là khó có thể phục hồi. Do đó, phát triển du lịch vẫn là hướng đi bảo vệ và sử dụng tài nguyên khoáng sản hợp lý, hiệu quả nhất.

Tài nguyên khoáng sản - "mỏ vàng" sơ khai của đất nước

Việt Nam là một trong những quốc gia có tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng. Quá trình hình thành và phát triển địa hình, địa chất, tạo hóa đã ban cho nước ta nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ.

Biến nguồn lực khoáng sản thành tiềm năng du lịch - Ảnh 1
Việt Nam có tài nguyên khoáng sản đa dạng, phong phú. (Ảnh minh họa)

Tài nguyên khoáng sản là vấn đề “sống còn” của mỗi quốc gia. Ở nước ta, khoáng sản nước ta được khai thác theo nhiều hướng, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Việt Nam hiện có Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là công viên địa chất toàn cầu vào năm 2010 và Công viên địa chất Non nước Cao Bằng được công nhận năm 2018.

Biến tiềm năng thành động năng

Khoáng sản là một loại tài nguyên không thể tái tạo được và có số lượng còn hạn chế trong lòng đất, chính vì thế cần phải có chiến lược quản lý, bảo vệ và khai thác hợp lý để giúp sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả.

Trên thế giới, nhiều nước đã gắn kết hoạt động sau khai thác và chế biến khoáng sản với hoạt động du lịch. Tại Malaysia, kinh tế du lịch trong các mỏ sau khai thác là một nguồn thu nhập đáng kể và rất độc đáo của đất nước này. Hay tại Brunei có tour tham quan Trung tâm chế xuất dầu khí Oil Field cách thủ đô khoảng 80km.

Biến nguồn lực khoáng sản thành tiềm năng du lịch - Ảnh 2
Nhiều nước trên thế giới đã phát triển hoạt động du lịch sau khi khai thác và chế biến khoáng sản. (Ảnh minh họa)

Mới đây, tại buổi Tọa đàm “Quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản hợp lý” diễn ra ngày 25/2, giới chuyên gia cho rằng nguồn thu từ khoáng sản phải được tái đầu tư, biến tiềm năng thành động năng và phát triển du lịch theo hướng bền vững.

Chia sẻ tại buổi toạ đàm, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết, khoáng sản là loại đầu vào rất quan trọng của các ngành kinh tế. Nếu tháo gỡ được những nút thắt của cơ chế còn vướng mắc thì sẽ đảm bảo được nguồn lực, chi phí trong bối cảnh thị trường cạnh tranh.

Lấy ví dụ về thị trường khoáng sản là đá vôi: Nguyên liệu làm đường cũng từ đá vôi, ximăng cũng từ đá vôi, phát triển cho du lịch từ các hang động cũng từ đá vôi. “Vậy trong 3 thị trường này, chúng ta nên chọn thị trường nào để phát triển hiệu quả?” - ông Chinh đặt câu hỏi và cho rằng, phát triển du lịch là hướng phát triển bền vững nhất, cũng là cơ hội để biến tiềm năng thành động năng.

Biến nguồn lực khoáng sản thành tiềm năng du lịch - Ảnh 3
Các mỏ than sau khi khai thác sẽ là dư địa khổng lồ cho ngành du lịch. (Ảnh minh họa)

Du lịch mỏ khoáng sản: Tại sao không?

Hoàn phục môi trường sau khai thác mỏ là vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý. Tuy nhiên, theo quan điểm kinh tế mới, tùy từng mỏ có thể cải tạo ở mức độ thích hợp để kết hợp với việc phát triển du lịch.

Ở Việt Nam, tài nguyên khoáng sản không đơn thuần là phục vụ cho mục đích khai thác, mà còn là tiềm năng phát triển du lịch bền vững như Cao nguyên đá Đồng Văn, hay Công viên địa chất Non nước Cao Bằng...

Biến nguồn lực khoáng sản thành tiềm năng du lịch - Ảnh 4
Thác Bản Giốc nằm trong quần thể Công viên địa chất Non nước Cao Bằng thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. (Ảnh minh họa)

Ở miền Bắc nước ta, Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu trong việc khai tác tiềm năng du lịch mỏ. Nơi đây không chỉ có nhiều thắng cảnh đẹp như Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, khu di tích danh thắng Yên Tử mà còn sở hữu nhiều mỏ than lớn nhỏ có lịch sử từ những năm cuối thế kỷ 19.

Hiện ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh cũng đã phối hợp với các công ty mỏ triển khai xây dựng và giới thiệu với du khách chương trình du lịch trải nghiệm với nghề thợ mỏ. Là một trong những mỏ than lộ thiên lớn, điển hình nên mỏ than Cao Sơn (Quảng Ninh) được Sở Du lịch Quảng Ninh và các hãng lữ hành lựa chọn làm điểm đến cho du khách.

Biến nguồn lực khoáng sản thành tiềm năng du lịch - Ảnh 5
Tại điểm quan sát thuận lợi, du khách có thể thu vào tầm mắt toàn bộ khung cảnh hoành tráng của khai trường mỏ Cao Sơn...

Ở miền Bắc còn có mỏ than Na Dương cũng đang được phát triển theo hướng du lịch. Na Dương là một khu mỏ được khai thác lộ thiên từ năm 1959. Đặc biệt, đây còn là một khu di sản địa chất độc đáo. Được sự tư vấn của các nhà địa chất, công ty khai thác mỏ than Na Dương đã bổ sung quy hoạch khai thác mỏ theo hướng trở thành địa điểm du lịch sau khi khác thác hết than mà không phải hoàn nguyên.

Hiện nay, công ty đã quy hoạch ngăn nắp bãi thải và tổ chức trồng cây gây rừng trên khu bãi thải, thu gom các thân cây hóa đá và các hóa thạch động thực vật phục vụ cho xây dựng bảo tàng địa chất ngoài trời sau này.

Ngoài ra, ở nước ta cũng có một số mỏ có tiềm năng lớn về phát triển du lịch như: Mỏ Crôm Cổ Định (Thanh Hóa) hay mỏ đá ở An Giang,...

Tài nguyên khoáng sản không đơn thuần là phục vụ cho mục đích khai thác, mà còn là tiềm năng phát triển du lịch bền vững. Việc khai thác các mỏ khoáng sản sẽ đến lúc cạn kiệt, do đó, chuyển các mỏ khai thác sau khi đóng cửa sang phát triển du lịch là một hướng đi mới, hiệu quả

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết Biến nguồn lực khoáng sản thành tiềm năng du lịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sắp đón mưa lớn
Theo Dự báo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn quốc gia, đêm nay (17/4) Hà Nội sẽ đón mưa rào rải rác và có nơi có dông.

Tin mới