Nước biển dâng cao đe dọa các quốc gia châu Á
Ngày 27/2, giới chuyên gia đã đưa ra cảnh báo nhiều thành phố lớn của các nước châu Á như thủ đô Tokyo (Nhật Bản), thủ đô Jakarta (Indonesia), Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam) và Thượng Hải (Shanghai, Trung Quốc), là những nơi có nguy cơ cao nhất chịu ảnh hưởng của tình trạng nước biển dâng.
Nước biển dâng - hậu quả của biến đổi khí hậu
Sự biến đổi khí hậu trên toàn cầu đang hàng ngày gây ra sự nóng lên của Trái Đất, kéo theo đó là vô số hệ lụy như băng tan, nước biển dâng cao... Chỉ trong thập kỷ vừa qua, tốc độ gia tăng của mực nước biển đã tăng gần gấp 3 lần so với thế kỷ trước.
Số liệu thống kê của Liên hợp quốc cho thấy, do tác động trực tiếp của tình trạng biến đổi khí hậu, mực nước biển trên đại dương toàn cầu đã tăng từ 15-20cm kể từ năm 1900. Cho đến gần đây, mực nước biển gia tăng là do thể tích nước tăng lên vì nền nhiệt cao hơn.
Nước biển dâng cao đang đe doạ sự sống của nhiều quốc gia trên thế giới. (Ảnh minh họa) |
Theo dự thảo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), nếu con người kiểm soát được tốc độ ấm dần lên toàn cầu ở mức tăng 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp - như mục tiêu đặt ra của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu - mực nước biển sẽ dâng khoảng 0,5m.
Trong trường hợp nhiệt độ Trái Đất tăng 3-4 độ C với nỗ lực kiểm soát khí thải gây hiệu ứng nhà kính không hiệu quả, mực nước biển có thể sẽ tăng cao gần 1 m, đủ để phá hủy hàng chục đại đô thị ven biển, thậm chí nhấn chìm nhiều quốc đảo trên thế giới.
Thảm họa hơn nữa, nếu mực nước biển tăng cao hơn 1,2m thì không chỉ là các thành phố, mà nhiều quốc gia ven biển hoàn toàn có thể bị xóa sổ khỏi bản đồ thế giới.
Các chuyên gia kêu gọi cần đầu tư nhiều hơn cho công tác phòng, chống lũ lụt cũng như lên kế hoạch di dời tài sản và người dân. (Ảnh minh họa) |
Nước biển dâng tấn công mạnh nhất vào châu Á
Theo nghiên cứu, những cơn bão ngày càng mạnh và nước biển dâng sẽ tấn công mạnh nhất vào châu Á. Hơn hai phần ba dân số có nguy cơ chịu thiệt hại là ở Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Thái Lan.
Nhiều thành phố ở châu Á đang mở rộng quỹ đất nhanh chóng chủ yếu là ở vùng ven biển và vùng trũng, khiến những nơi này dễ bị tác động khi mực nước biển dâng cao, cũng như khi xảy ra tình trạng thời tiết cực đoan như lũ lụt hay giông bão.
Mực nước biển dâng cao do hiện tượng nóng lên toàn cầu có thể sẽ làm tăng nguy cơ tàn phá của sóng thần. (Ảnh: Metro) |
Mới đây, Công ty tư vấn rủi ro Verisk Maplecroft tiến hành phân tích 500 thành phố có hơn 1 triệu dân trên khắp thế giới và xác định những nơi có nguy cơ chìm trong nước biển dâng từ 67cm đến 2m vào năm 2100.
Cảnh báo này phù hợp với các tính toán khoa học nếu hiện tượng nóng lên toàn cầu tiếp tục tăng lên với tốc độ hiện nay. Theo kết quả phân tích trên, 11 trong số 15 thành phố có nguy cơ cao nhất là ở châu Á.
Jakarta là một trong những thành phố sụt lún nhanh nhất thế giới với một phần ba diện tích có thể ngập dưới nước năm 2050. (Ảnh: Antara /Aditya Pradana Putra) |
Trước đó, các nhà khoa học đã công bố dữ liệu mới cho thấy có 300 triệu người các khu vực ven biển trên thế giới, trong đó có Việt Nam sẽ dễ bị tổn thương vào năm 2050 vì lũ lụt trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu.
Tại Việt Nam, mực nước biển dâng không những làm diện tích đất đai bị thu hẹp, mà còn làm nhiễm mặn một số nguồn nước ngọt, tác động xấu tới sản xuất nông nghiệp. Dự báo đến năm 2030, khoảng 45% diện tích của Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị nhiễm mặn cục bộ và gây thiệt hại nặng nề cho ngành trồng trọt (khoảng 17 tỉ USD) cũng như hệ thống cấp nước ở các vùng trũng của Nam Bộ.
Nước biển dâng cao sẽ gây nên những hệ lụy khó lường đối với nước ta. (Ảnh minh họa) |
Tình hình biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày một nghiêm trọng trên Trái đất. Đặc biệt, với con số hàng trăm triệu người mất nhà cửa do tình trạng nước biển dâng, một viễn cảnh chắc chắn xảy ra trong tương lai gần - sẽ mãi mãi là một cuộc "di tản" không có ngày trở về.
Nước biển dâng có thể khiến Việt Nam tổn thất 10% GDP Theo số liệu năm 2018, nếu mực nước biển dâng cao 1m, sẽ có khoảng 40% diện tích Đồng bằng Sông Cửu Long (nơi sản xuất 12 triệu tấn gạo/năm), với khoảng 10-12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP. Gần đây, các dự báo cũng đều khẳng định, mực nước biển của nước ta có thể tăng thêm 33,3cm vào năm 2050 và 45cm vào năm 2070, khoảng 1m vào năm 2100. Nếu kịch bản này diễn ra, nhiều khu vực đất liền ven biển và vùng đất trũng sẽ bị chìm trong nước. Thậm chí, có khu vực sẽ bị ngập sâu vĩnh viễn. |
Nguyễn Luận