Thứ sáu, 22/11/2024 22:05 (GMT+7)
Thứ ba, 30/03/2021 06:20 (GMT+7)

Biến đổi khí hậu mối đe dọa lớn đối với tài nguyên nước

Theo dõi KTMT trên

Biến đổi khí hậu đã và đang có những tác động trực tiếp và sâu sắc đến tài nguyên nước Việt Nam. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam vốn là quốc gia có nguồn tài nguyên nước trung bình trên thế giới, với nhiều yếu tố không bền vững.

Bàn về vấn đề sử dụng và quản lý tài nguyên nước việt Nam trong bối cảnh chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ biến đổi khí hậu, Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với ThS Nguyễn Trọng Dương, Viện phó Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường (IWASSE).

Biến đổi khí hậu mối đe dọa lớn đối với tài nguyên nước - Ảnh 1
ThS Nguyễn Trọng Dương, Viện phó Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường (IWASSE).

Tài nguyên nước và những yếu tố không bền vững

- Thưa ông, trước những ảnh hưởng mạnh mẽ từ biến đổi khí hậu, vấn đề an ninh nước cũng như yêu cầu quản lý tài nguyên nước một cách hiệu quả càng được chú trọng. Vậy, thực trạng chất lượng và trữ lượng nguồn nước tại Việt Nam đang diễn biến như thế nào?

Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2018 chuyên đề “Môi trường nước các lưu vực sông” của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam là quốc gia có hệ thống sông ngòi dày đặc (08 lưu vực sông lớn, 25 lưu vực sông liên tỉnh, 75 lưu vực sông nội tỉnh với hơn 3.000 sông, suối) với tổng lượng dòng chảy nước mặt hàng năm lên đến 830 - 840 tỉ m3. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ là quốc gia có nguồn tài nguyên nước trung bình trên thế giới, với nhiều yếu tố không bền vững.

Tổng lượng nguồn nước từ nước ngoài chảy vào Việt Nam chiếm khoảng 63%, nhưng chỉ có khoảng 37% tổng lượng nước sinh ra trên phần lãnh thổ Việt Nam. Lưu lượng nước trên các lưu vực sông có sự biến động theo mùa, theo vùng miền (khoảng 80% lượng nước tập trung mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 1 năm sau và giảm mạnh, thậm chí khô kiệt vào mùa hè).

Chất lượng nước tại một số lưu vực sông của Việt Nam đang bị suy thoái, ô nhiễm bởi nhiều nguyên nhân. Mặc dù chính quyền các cấp cũng như cộng đồng, xã hội đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên các lưu vực sông, nhưng với nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất và dân sinh ngày càng tăng do quá trình phát triển kinh tế - xã hội, áp lực của sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ trong những năm qua đã tạo ra nhiều tác động tiêu cực đến chất lượng và trữ lượng nguồn nước các lưu vực sông.

Biến đổi khí hậu mối đe dọa lớn đối với tài nguyên nước - Ảnh 2
Ảnh minh họa.

- Ông có thể nói rõ hơn về nguyên nhân, các nguồn gây ô nhiễm môi trường nước tại một số khu vực cụ thể?

Ô nhiễm môi trường nước trên các lưu vực sông xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, một phần do tiếp nhận chất thải từ các nguồn xả thải vào lưu vực sông, một phần do sự lan truyền chất ô nhiễm trong môi trường nước. Có thể đề cập đến một số nguồn phát sinh chính, bao gồm: Nước thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề, y tế và chất thải rắn. Trong tổng lượng nước thải phát sinh ra các lưu vực, lượng nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất.

Tùy theo khu vực, vùng miền, tỉ lệ nước thải phát sinh từ các nguồn là khác nhau. Vùng Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, nước thải sinh hoạt và nước thải nông nghiệp đóng góp tỉ lệ lớn do tốc độ đô thị hóa cao, là những vựa lúa chính cũng như tập trung làng nghề lớn nhất trên cả nước. Vùng Đông Nam Bộ là khu vực tập trung nhiều nước thải công nghiệp. Vùng Trung du và miền núi phía Bắc, khu vực Tây Nguyên, nước thải từ công nghiệp khai khoáng và nước thải từ trồng trọt và chăn nuôi chiếm tỉ lệ lớn. Trong khi đó, tại vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, nước thải chế biến thực phẩm lại là một nguồn phát sinh quan trọng.

Như vậy, đi cùng sự phát triển của các ngành kinh tế là nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội, song cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước trên các lưu vực sông trong thời gian qua.

- Theo ông, những năm qua, quyết tâm đảm bảo an ninh nước của chúng ta được thể hiện như thế nào thông qua hệ thống quy định pháp luật?

Thông qua báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường và tình hình thực tiễn, việc quản lý nguồn nước ở các lưu vực sông trước năm 2018 chưa được tốt, tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay đã có những bước tiến rõ ràng, thể chế, chính sách từng bước được hoàn thiện. Nhà nước ban hành được khá nhiều quy định, sửa đổi, bổ sung pháp lý như Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước, Luật Thủy lợi, Luật Quy hoạch…, đây là công cụ rất vững, mạnh và tốt để bảo đảm quản lý hiệu quả nguồn nước các lưu vực sông.

Biến đổi khí hậu tác động trực tiếp và sâu sắc đến tài nguyên nước Việt Nam

- Như đã biết, Việt Nam là một trong các quốc gia dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, cụ thể, tài nguyên nước của chúng ta đang đứng trước thách thức nào từ biến đổi khí hậu thưa ông?

Đúng là Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ những hiện tượng thời tiết cực đoan. Tuy nhiên, do yếu tố địa hình, tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đến mỗi vùng miền có những tác động ở các mức độ khác nhau. Khu vực Đồng bằng Bắc bộ và ven biển miền Trung thời gian qua phải chịu các đợt khô hạn kéo dài hoặc mưa tập trung với cường suất lớn đã gây nên hạn hán và lũ lụt; Đồng thời còn chịu tác động của nước biển dâng, bão lụt dẫn đến ngập mặn và sạt lở bờ biển. Nam Bộ, là khu vực khá bằng phẳng với địa chất yếu và khá thấp, dễ bị ngập lụt và xâm nhập mặn với mực nước biển dâng cao, dự báo vào năm 2030 sẽ có khoảng 45% diện tích tại khu vực này có nguy cơ nhiễm mặn cực độ; Năng suất lúa sẽ giảm khoảng 9% so với hiện nay…

Biến đổi khí hậu mối đe dọa lớn đối với tài nguyên nước - Ảnh 3
Khu vực Đồng bằng Bắc bộ và ven biển miền Trung thời gian qua phải chịu các đợt khô hạn kéo dài. (Ảnh minh họa)

Tại Việt Nam, do ảnh hưởng của BĐKH, các hiện tượng thời tiết cực đoan và nước biển dâng đến sớm hơn, đặc biệt là hiện tượng xâm nhập mặn tại các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, từ năm 2010 đến nay, xâm nhập mặn đến sớm từ 1 đến 1,5 tháng và kéo dài hơn so với trước đây. Độ mặn đầu mùa khô khả năng lớn hơn giữa mùa, ngược với quy luật xâm nhập mặn và có sự biến đổi tương đối phức tạp.

Biến đổi khí hậu tác động trực tiếp và sâu sắc đến tài nguyên nước Việt Nam, nguồn nước mùa khô có xu hướng suy giảm, cạn kiệt nguồn nước kéo dài hơn, tồi tệ hơn, nhiều khu vực nước ngọt cũng sẽ bị xâm nhập mặn, ô nhiễm gia tăng do dòng chảy không còn khả năng tự làm sạch, khả năng chống chọi với thiên tai, trong đó có hạn hán sẽ tạo ra thách thức lớn đối với bảo đảm an ninh về nước và phát triển xanh, bền vững.

Trong những năm gần đây, hiện tượng xói lở bờ sông thường xuyên xảy ra và có những diễn biến phức tạp cả về phạm vi và quy mô, tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch, bờ biển xảy ra ở hầu hết địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đe dọa trực tiếp đến an toàn của nhiều khu dân cư, công trình hạ tầng ven sông, ven biển, nhất là tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Bạc Liêu…

Biến đổi khí hậu không chỉ tác động đến các vùng đất thấp, khu vực cửa sông ven biển, do ảnh hưởng của BĐKH, ở các địa phương miền núi phía Bắc cũng đang đối mặt với tình trạng xói lở đất nghiêm trọng, gây ra thiệt hại lớn về người và của cải…

- Có ý kiến cho rằng, ngoài những ảnh hưởng tiêu cực, biến đổi khí hậu cũng mở ra nhiều cơ hội phát triển, quan trọng là cần có chiến lược cho sự thích ứng, thay đổi thói quen canh tác, sản xuất. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

Tôi cho rằng ý kiến này đúng, tuy nhiên đây vẫn là thách thức rất lớn. Cần có sự thay đổi tất cả, thói quen canh tác, sử dụng nước…, do đó, vấn đề này đòi hỏi sự nỗ lực, chung tay, vào cuộc của rất nhiều bên liên quan, từ chính quyền, người dân, người sử dụng, doanh nghiệp, các tổ chức…

Trên thực tế, nhiều năm nay, công tác tuyên truyền, truyền thông thích ứng với biến đổi khí hậu được đẩy mạnh, chú trọng việc giáo dục người dân thay đổi thói quen sử dụng nước, vệ sinh, tiết kiệm nước…, nhưng bằng đó vẫn chưa đủ và vẫn tiếp tục phải duy trì, đẩy mạnh hơn nữa.

Bên cạnh đó, thách thức còn biến đổi khí hậu đòi hỏi nguồn đầu tư rất lớn, chỉ Nhà nước hay khối doanh nghiệp tư nhân, cá nhân người dân cũng không thể làm nổi. Chúng ta có thể nghĩ ra các giải pháp, tuy nhiên hiện đất nước chưa có đủ nguồn lực tài chính để thực hiện.

- Ví dụ như việc chuyển đổi vùng bị ngập mặn thành đầm nuôi tôm, chúng ta có điều gì cần lưu ý liên quan đến vấn đề đảm bảo chất lượng nguồn nước hay không thưa ông?

Đó là một mô hình tiêu biểu cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu, biến thách thức thành cơ hội phát triển, đem lại hiệu quả phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, chất thải trong nuôi tôm phải được xử lý, đây vẫn là vấn đề còn đang bỏ ngỏ.

Mô hình nuôi trồng tại Việt Nam tản mát không tập trung, do đó khó có thể thu gom toàn bộ nước thải để xử lý trước khi xả ra ngoài môi trường tự nhiên. Để khắc phục, Nhà nước cần có chính sách về thuế tài nguyên, hoặc thu phí xây dựng các cơ sở xử lý nước thải tại chỗ. Nếu không giải quyết được vấn đề này, nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước từ đầm nuôi tôm là rất cao, không cẩn thận thì lợi bất cập hại, xuất khẩu được tôm, tăng trưởng về kinh tế nhưng lại làm ô nhiễm môi trường nước.

Trong đó, Nhà nước phải phát huy vai trò chủ đạo, can thiệp bằng công cụ pháp lý, có chế tài xử phạt rõ ràng để đầu tư, phát minh ra công nghệ xử lý nước thải tại chỗ, gọn gàng, quy mô nhỏ phù hợp với mô hình sản xuất, nuôi trồng của người dân.

Lưu ý tính hiệu quả và bền vững của các dự án hợp tác quốc tế

- Theo ông, tại sao hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện, theo báo cáo, chất lượng nước cũng dần được cải thiện nhưng thực tế vẫn tồn tại nhiều “điểm nóng” ô nhiễm nguồn nước?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, không chỉ vấn đề giám sát, quản lý từ cơ quan chức năng; Tinh thần tự giác của doanh nghiệp, của người dân mà còn có cả nguyên nhân từ sự hạn chế về khoa học – công nghệ, tài chính, chi phí… Hiện nay, chúng ta vẫn chưa thể đảm bảo có đầy đủ trạm quan trắc để xác định mức độ, tình trạng ô nhiễm nguồn nước một cách toàn diện, điều này thể hiện những khó khăn về công nghệ, tài chính.

Vấn đề tiếp theo là nhân lực, cán bộ phải được đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực quản lý. Đồng thời, chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân, dẫn đến những thay đổi tích cực. Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong xã hội, đảm bảo duy trì hoạt động thường xuyên của các tổ chức này bằng nguồn ngân sách thường xuyên…

- Vấn đề biến đổi khí hậu có sức ảnh hưởng toàn cầu, vậy Việt Nam đã và đang triển khai hợp tác quốc tế như thế nào để bảo vệ an ninh nguồn nước, thưa ông?

Hầu hết các lưu vực sông của Việt Nam đều có lưu vực liên quốc gia với Trung Quốc, Lào hoặc Campuchia với phần diện tích lưu vực ở ngoài biên giới Việt Nam lớn hơn rất nhiều so với diện tích lưu vực trong nước. Thêm vào đó, Việt Nam lại nằm ở phần hạ lưu các sông nơi chịu nhiều tác động của các hoạt động từ thượng nguồn, do đó vấn đề hợp tác quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề xuyên biên giới về kiểm soát ô nhiễm, quản lý tổng hợp và sử dụng hợp lý tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nguồn nước…, là những vấn đề đặc biệt quan trọng trong quản lý môi trường nước của Việt Nam.

Từ năm 2005, Việt Nam đã tích cực tham gia Kế hoạch Chiến lược Hành động ASEAN về quản lý tài nguyên nước với mục tiêu nhằm giải quyết các vấn đề có liên quan đến phân bổ cung cầu, chất lượng nước và vệ sinh môi trường, kiểm soát thảm hoạ liên quan đến nước và tăng cường năng lực quản lý.

Việt Nam cũng tham gia cùng nhóm các nước tiểu vùng sông Mê Kông xây dựng các chương trình, kế hoạch nhằm quản lý vào bảo vệ nguồn nước lưu vực sông Mê Kông; Tham gia thực hiện Chiến lược Phát triển hạ lưu lưu vực sông Mê Kông giai đoạn 2016 - 2020 của Ủy hội sông Mê Kông với mục tiêu là phát triển mọi tiềm năng vì lợi ích bền vững cho tất cả các quốc gia ven sông và ngăn ngừa sử dụng lãng phí nguồn nước lưu vực sông Mê Kông, góp phần đạt được tầm nhìn chung cho lưu vực sông Mê Kông là “một lưu vực sông Mê Kông thịnh vượng về kinh tế, công bằng về xã hội và lành mạnh về môi trường”…

Bên cạnh đó, Việt Nam còn tham gia và tổ chức nhiều sự kiện hợp tác quốc tế khác liên quan đến vấn đề an ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Có thể thấy, hoạt động hợp tác quốc tế đã góp phần tích cực trong công tác BVMT nói chung và môi trường nước lưu vực sông nói riêng.

Đặc biệt, hoạt động hợp tác quốc tế đã góp phần phát triển nguồn nhân lực thông qua đào tạo ở nước ngoài và đào tạo của các đối tác nước ngoài tại Việt Nam, tạo ra nguồn nhân lực cho công tác đào tạo lại và đào tạo mới các cán bộ khoa học, công nghệ và cán bộ quản lý, đặc biệt là cán bộ trẻ; Nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, hoạt động hợp tác quốc tế vẫn còn những mặt hạn chế chưa được khắc phục hiệu quả. Một trong những tồn tại trong nhiều năm nay là tính hiệu quả và bền vững của các dự án sau khi kết thúc còn thấp. Rất nhiều dự án, chương trình khi hết nguồn kinh phí tài trợ cũng đồng nghĩa với việc kết thúc các hoạt động duy trì kết quả. Nhiều chương trình mới chỉ dừng ở mức thử nghiệm, chưa được nghiên cứu, đánh giá để triển khai nhân rộng do thiếu nguồn kinh phí duy trì.

Ngoài ra, còn một số vấn đề như hạn chế về kinh phí và nguồn nhân lực cho hoạt động hợp tác quốc tế; Thiếu tính chủ động trong việc tìm nguồn tài trợ quốc tế, còn trông chờ nhiều vào đối tác và sự ưu tiên của các Chính phủ nước ngoài hoặc Ban Điều hành của các tổ chức quốc tế; Khó khăn về vốn đối ứng; Hạn chế về năng lực quản lý và thực hiện dự án của các đơn vị tiếp nhận và thực hiện dự án…

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Cẩm Anh

Bạn đang đọc bài viết Biến đổi khí hậu mối đe dọa lớn đối với tài nguyên nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới