Biến đổi khí hậu khiến 21,5 triệu người phải di dời mỗi năm
Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, các thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu có thể làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói và buộc khoảng 21,5 triệu người phải di dời mỗi năm.
Ngày 22/4, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, các cuộc khủng hoảng liên quan đến thời tiết đã khiến số người di dời tăng gấp đôi so với xung đột và bạo lực trong thập kỷ qua.
Cùng ngày, UNHCR cũng đã công bố dữ liệu cho thấy các thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu có thể làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói và khả năng tiếp cận tài nguyên thiên nhiên, gây ra bất ổn và bạo lực. Kể từ năm 2010, các hiện tượng thời tiết bất thường đã buộc khoảng 21,5 triệu người phải di dời mỗi năm.
Cơ quan này nhấn mạnh, từ Afghanistan đến Trung Mỹ, hạn hán, lũ lụt và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác đang ảnh hưởng đến những người ít có khả năng phục hồi và thích nghi với biến đổi khí hậu. Đồng thời, kêu gọi các nước hợp tác chống lại biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động của nó đối với hàng trăm triệu người.
UNHCR cũng cho biết, khoảng 90% người tị nạn đến từ các quốc gia dễ bị tổn thương nhất và có khả năng thích ứng kém nhất với tác động của biến đổi khí hậu. Các quốc gia này cũng tiếp nhận khoảng 70% người dân phải di dời trong nước do xung đột hoặc bạo lực.
Cụ thể với trường hợp của Afghanistan, UNHCR nhấn mạnh đây là một trong những quốc gia chịu nhiều thiên tai nhất trên thế giới, vì gần như tất cả 34 tỉnh của nước này đã phải hứng chịu ít nhất một thảm họa trong vòng 30 năm qua.
Hơn nữa, Afghanistan cũng được xếp hạng là quốc gia kém hòa bình nhất trên thế giới do xung đột kéo dài, khiến hàng nghìn người thương vong và hàng triệu người phải di dời.
Lũ lụt, hạn hán kéo dài
UNHCR cho biết, lũ lụt và hạn hán tái diễn cùng với sự gia tăng dân số đã làm tăng tình trạng mất an ninh lương thực và khan hiếm nước, đồng thời làm giảm khả năng có thể trở về quê hương của những người tị nạn và di dời nội bộ.
Theo cơ quan này, 16,9 triệu người Afghanistan (tương đương gần 1/2 dân số quốc gia này) bị thiếu lương thực trong quý đầu tiên của năm 2021, trong đó có ít nhất 5,5 triệu người đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực khẩn cấp.
Theo số liệu UNHCR thống kê, tính đến giữa năm 2020, hơn 2,6 triệu người Afghanistan phải sơ tán trong nước và 2,7 triệu người khác đang sống như những người tị nạn ở các nước khác, chủ yếu là Pakistan và Iran.
Ngoài ra, Mozambique cũng đang trải qua một cuộc xung đột và nhiều thảm họa tương tự, với hàng loạt cơn bão nối tiếp nhau tàn phá khu vực miền Trung đất nước. Đồng thời, tình trạng bạo lực và hỗn loạn gia tăng ở phía Bắc nước này đã khiến hàng trăm nghìn người phải di tản.
Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất
Biến đổi khí hậu làm cho các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng xuất hiện tại Việt Nam với tần suất ngày càng tăng cao. Do đó, đã gây ra những thiệt hại không nhỏ tới phát triển kinh tế cũng như ảnh hưởng tới đời sống của người dân.
Theo thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai, năm 2020 đã xảy ra 576 trận thiên tai, trong đó có 14 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông; 264 trận dông lốc, mưa đá bất thường, kéo dài trên diện rộng tại các tỉnh miền núi phía Bắc; 132 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích, 912 người khác bị thương, ước thiệt hại về kinh tế là 39.945 tỉ đồng.
Tại miền Trung, đợt mưa lũ từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10/2020 đã cướp đi sinh mạng của 249 người, 57 người mất tích, hơn 1.500 ngôi nhà bị sập đổ; gần 240.000 ngôi nhà khác bị hư hỏng, tốc mái. Nông nghiệp thiệt hại nặng nề với 4.000 ha lúa, 7.600 ha hoa màu bị hư hỏng; 12.670 ha nuôi thủy sản bị thiệt hại; 38.500 gia súc, 3,2 triệu gia cầm bị chết, cuốn trôi; 165 km đê biển, cửa sông, 50 km kè bị hư hỏng; 88 điểm sạt lở bờ biển với tổng chiều dài là 141 km. Tổng thiệt hại ước tính hơn 30.000 tỉ đồng.
Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà: Biến đổi khí hậu khiến thiên tai ngày càng khốc liệt, bất thường và khó dự đoán. Biến đổi khí hậu cũng khiến nước biển dâng, nóng lên toàn cầu,… lượng mưa tăng kỷ lục. Thời điểm này là lúc con người rất khó kiểm soát tính cực đoan của biến đổi khí hậu, thảm họa tự nhiên. Cường độ, tần suất của thiên tai tăng gấp 4 lần trong 40 năm qua. Trong đó, bão và lũ chiếm khoảng 40%.
Ước tính, đến cuối thế kỷ 21, so với trung bình thời kỳ 1980-1999, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam có thể tăng thêm 2,3 độ C, lượng mưa hàng năm tăng khoảng 5% và mực nước biển có thể dâng thêm 75 cm.
Là nước nông nghiệp, phần đông người nghèo sống dựa vào nông nghiệp và đánh bắt thủy sản, nên Việt Nam được Tổ chức Phát triển của Liên Hợp Quốc đánh giá là 1 trong 5 nước đứng đầu thế giới dễ bị tổn thương nhất và tổn thương trực tiếp do quá trình biến đổi khí hậu. Với nền nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào tự nhiên như hiện nay, Việt Nam cần chủ động đánh giá và dự báo tác động của biến đổi khí hậu, để kịp thời có những giải pháp ứng phó, phát triển kinh tế nông nghiệp phù hợp và bền vững.
Lan Anh