Thứ sáu, 29/03/2024 04:25 (GMT+7)
Thứ sáu, 23/04/2021 12:02 (GMT+7)

Biến đổi khí hậu có thể làm kinh tế thế giới thiệt hại hàng nghìn tỉ USD

Theo dõi KTMT trên

Theo báo cáo của hãng bảo hiểm Swiss Re (Thụy Sĩ) cho biết, biến đổi khí hậu có thể gây ra những thiệt hại lên tới 23.000 tỉ USD đối với nông nghiệp, y tế và cơ sở hạ tầng vật chất, cũng như chuyển hướng chi tiêu của chính phủ.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, rủi ro khí hậu là rủi ro mang tính hệ thống, có thể được quản lý bằng hành động chính sách phối hợp toàn cầu. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta sẽ thấy nhiều hành động chính sách hơn về định giá carbon cùng với các giải pháp bù đắp carbon.

Các đánh giá của báo cáo này được đưa ra trùng với thời điểm “Ngày Trái Đất” và các cuộc họp toàn cầu về khí hậu do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì, cho thấy các nước nghèo nhất sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo đó, các nước trong Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OECD (nhóm các nước giàu nhất thế giới) sẽ thấy quy mô nền kinh tế của họ giảm 5%, so với 9% ở Nam Mỹ và gần 17% ở Trung Đông và châu Phi, và 25% ở các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Đồng thời, thiệt hại kinh tế chính sẽ thể hiện qua các rủi ro vật chất như thiệt hại tài sản và gián đoạn thương mại do mức độ gia tăng của các sự kiện thời tiết khắc nghiệt, mất năng suất và rủi ro chuyển đổi như các chính phủ sử dụng lại các nguồn lực khan hiếm để điều chỉnh và chống chọi với biến đổi khí hậu.

Nông nghiệp Việt Nam cũng chịu nhiều tác động

Tại Việt Nam, nông nghiệp là một ngành kinh tế chủ lực và tạo lượng lớn việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn. Thế nhưng ngành này đang phải đối mặt trực diện và chịu nhiều thiệt hại từ những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như nước biển dâng, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, thời tiết cực đoan…

Cụ thể nhất là làm giảm diện tích đất canh tác, gây ra tình trạng hạn hán và sâu bệnh, gây áp lực lớn cho sự phát triển của quá trình trồng trọt.

Biến đổi khí hậu có thể làm kinh tế thế giới thiệt hại hàng nghìn tỉ USD - Ảnh 1
Hồ Kênh Lấp (Bến Tre), hồ trữ nước ngọt lớn nhất miền Tây bị khô nứt nẻ, người dân có thể đi bộ băng qua, tháng 4/2020. (Ảnh: Hoàng Nam/Vnexpress)

Hơn nữa, thiên tai đang ngày càng gia tăng cả về quy mô cũng như chu kỳ lặp lại, từ đó làm mất đi nhiều thành quả của quá trình phát triển kinh tế-xã hội của cả nước. Trong giai đoạn 2002-2010, thiệt hại do thiên tai gây ra trên phạm vi cả nước thấp nhất là 0,14% GDP (năm 2004) và cao nhất là 2% GDP (năm 2006). Tính bình quân trong 15 năm qua, thiên tai đã gây tổn hại khoảng 1,5% GDP hàng năm.

Một báo cáo kết quả nghiên cứu về tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu của tổ chức DARA International (Tổ chức quốc tế nghiên cứu về môi trường và biến đổi khí hậu) chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu có thể làm Việt Nam thiệt hại khoảng 15 tỉ USD mỗi năm, tương đương khoảng 5% GDP. Nếu không có các giải pháp ứng phó kịp thời, thiệt hại do biến đổi khí hậu ước tính có thể lên đến 11% GDP vào năm 2030.

Chỉ tính riêng thiệt hại về sản xuất trong 6 tháng đầu năm 2020, theo Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), các hình thái thiên tai đã gây thiệt hại 100 ngàn ha lúa và hoa màu, thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn khoảng 2.500 tỉ đồng. Nhiều dữ liệu tương tự cho thấy biến đổi khí hậu là mối đe dọa của sự đảm bảo bền vững an ninh lương thực của Việt Nam.

Còn theo nghiên cứu của Viện Môi trường nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), biến đổi khí hậu làm giảm năng suất một số loại cây trồng chủ lực. Cụ thể, năng suất lúa vụ xuân sẽ giảm 0,41 tấn/ha vào năm 2030 và 0,72 tấn vào năm 2050. Năng suất cây ngô có nguy cơ giảm 0,44 tấn/ha vào năm 2030 và 0,78 tấn vào năm 2050…

ĐBSCL được xác định là một trong những vùng chịu tác động mạnh mẽ nhất từ biến đổi khí hậu toàn cầu. Dự báo đến năm 2100, khu vực ĐBSCL có nguy cơ bị ngập 89.473 ha, tương ứng khu vực này sẽ mất khoảng 7,6 triệu tấn lúa/năm nếu nước biển dâng 100 cm. Thực tế cho thấy, nước mặn đã xâm nhập vào các nhánh sông, có địa phương nước mặn lấn sâu vào nội đồng làm nhiều diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại.

Ngoài ra, tình trạng xâm nhập mặn ở khu vực ven biển cũng sẽ làm thu hẹp diện tích đất nông nghiệp. Một phần diện tích đáng kể đất trồng trọt ở vùng đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL sẽ bị nhiễm mặn vì 2 đồng bằng này đều là những vùng đất thấp so với mực nước biển. Xâm nhập mặn làm cho diện tích đất canh tác giảm, từ đó hệ số sử dụng đất có thể giảm từ 3-4 lần/năm xuống còn 1-1,5 lần/năm. Ngập mặn sẽ đặc biệt nghiêm trọng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nếu nước biển dâng cao thêm 1 m thì khoảng 1,77 triệu ha đất sẽ bị nhiễm mặn, chiếm 45% diện tích đất ở ĐBSCL và ước tính rằng, có khoảng 85% người dân ở vùng ĐBSCL cần được hỗ trợ về nông nghiệp.

Theo TS Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam nhận định, nông nghiệp là một trong những ngành dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Tác động của biến đổi khí hậu đến nông nghiệp và các ngành liên quan về kinh tế có thể làm giảm 0,7-2,4% GDP của Việt Nam vào năm 2050. Tổng năng suất nông nghiệp có thể sẽ giảm 5,8 lần nếu không có hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và sẽ tăng thêm 5,4 lần nếu các bên liên quan trong nông nghiệp thực hiện các hành động chủ động hơn để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngọc Ánh

Bạn đang đọc bài viết Biến đổi khí hậu có thể làm kinh tế thế giới thiệt hại hàng nghìn tỉ USD. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.