Bí thư Thành ủy TP.HCM cảm ơn người dân chung tay chống dịch Covid-19
Ông Nên bày tỏ sự biết ơn tới đội ngũ tuyến đầu chống dịch, toàn thể ban, ngành và người dân đã và đang đồng hành cùng TP.HCM trong công tác phòng, chống Covid-19.
Dùng sức mạnh đoàn kết để thắng đại dịch
Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến mở rộng Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM lần thứ 7, nhiệm kỳ 2020 – 2025 diễn ra tối 25/7, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, trong 16 ngày qua, có hơn 12.000 người đã xuất viện, trong đó có hàng chục người bị bệnh rất nặng.
Bên cạnh đó, thay mặt toàn bộ hệ thống chính quyền TP.HCM, ông Nên gửi lời cảm ơn và lòng biết ơn sâu sắc đối với đội ngũ y bác sĩ, đội ngũ tuyến đầu; Các tổ chức, cá nhân thiện nguyện đã góp phần quan trọng trong quá trình hỗ trợ, chăm sóc và trị bệnh cứu người.
"Xin thay mặt Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố gửi lời cảm ơn tới đồng chí, đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đã kịp thời chia sẻ khó khăn, chung vai gồng gánh thách thức này. Tình đoàn kết, tương thân tương ái của người dân cả nước với TP.HCM là sức mạnh để chiến thắng đại dịch”, ông Nên nói.
Ông Nên cũng thẳng thắn nhìn nhận, sau 16 ngày thực hiện Chỉ thị 16, tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp; Mầm bệnh thấm sâu, lan rộng trong cộng đồng, chúng ta mất nhiều thời gian, công sức để khoanh vùng, truy vết, tầm soát, xét nghiệm, dập dịch hơn gấp nhiều lần với các biến chủng trước đây. Biến chủng Delta rất âm thầm nhưng lây lan rất nhanh.
“Khi phải chiến đấu với chủng Delta mà chúng ta chưa thể lường được hết, thì ý thức tự phòng vệ của mỗi người là phòng tuyến quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định, không gì có thể thay thế được, ý thức, ý chí, sự kiên trì của mỗi người chúng ta cần phải được củng cố thêm nữa, nung nấu thêm nữa, tăng cường hơn nữa, đoàn kết thống nhất hơn nữa”, ông Nên lưu ý.
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với một thành phố trung tâm kinh tế - xã hội như TP.HCM là một quyết định vô cùng khó khăn, bởi sự tác động rất lớn đến nhiều mặt, không chỉ riêng thành phố mà toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Nhưng đứng trước tình cảnh của dịch bệnh buộc chúng ta phải chấp nhận hy sinh ngắn hạn để bảo vệ lợi ích lâu dài. Dù chúng ta đã chuẩn bị từng kịch bản, dự kiến những tình huống có thể xảy ra để báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện thì phát sinh rất nhiều vấn đề phải ứng phó liên tục, nhất là vấn đề có liên quan đến đời sống xã hội, sản xuất kinh doanh, an sinh xã hội của hơn 10 triệu đồng bào TP.HCM - rất nhiều hoàn cảnh sống khác nhau - hàng trăm ngàn người nghèo bị ảnh hưởng ngay lập tức.
Ông Nên ghi nhận, trân trọng đánh giá cao, hoan nghênh các cấp, các ngành có nhiều nỗ lực cố gắng thời gian qua; Đồng thời lưu ý, tình hình phức tạp càng kéo dài càng kéo cả hệ thống chính trị, hệ thống y tế và người dân, làm tất cả chúng ta bị đuối sức, không thể tránh khỏi những bị động, lúng túng, hạn chế, khuyết điểm cả trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện và ý thức chấp hành các quy định giãn cách của người dân.
“Tất cả những công sức của chúng ta hi sinh những ngày qua với mục tiêu tối thượng là giữ mạng sống con người, giảm tỷ lệ tử vong, bảo vệ hệ thống y tế không bị suy kiệt. Đồng thời bảo vệ sức khỏe của nền kinh tế, hệ thống an sinh xã hội, không để gánh chịu một di chứng lâu dài, để thành phố chúng ta sớm trở lại nhịp sống bình thường mới”, ông Nên bày tỏ.
Người dân không nên ra khỏi nhà sau 18h
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, từ ngày 27/4 đến nay, thành phố có 55.570 ca nhiễm đã được Bộ Y tế công bố. Trung bình mỗi ngày, TP.HCM phát hiện 2.931 ca bệnh, các ca nhiễm được ghi nhận phần lớn tại khu phong tỏa, cách ly.
Về những biện pháp cần thực hiện trong thời gian tới, theo ông Phong, mọi người dân phải thực hiện nghiêm chủ trương "người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình”, không nên ra khỏi nhà sau 18h, trừ các trường hợp cấp cứu hoặc theo yêu cầu điều phối để phòng, chống dịch bệnh.
Chính quyền địa phương tập trung siết chặt các khu phong tỏa, tổ chức mang nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng nhà hoặc áp dụng hình thức “đi chợ thay”. Người đang thực hiện cách ly phải tuyệt đối chấp hành quy định, không được ra khỏi phòng và không tiếp xúc trực tiếp với người khác (trừ trường hợp cấp cứu y tế).
Các lĩnh vực được phép hoạt động phải định kỳ đánh giá nguy cơ dịch bệnh, tuân thủ nghiêm các bộ tiêu chí an toàn và tuyệt đối không tập trung đông người; Khuyến khích phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường - 2 địa điểm”.
Các vùng nguy cơ cao, nguy cơ rất cao, các điểm nóng cần được đẩy mạnh test nhanh, khẩn trương bóc tách trường hợp nghi nhiễm và nhiễm ra khỏi cộng đồng. Các đơn vị tổ chức chặt chẽ đội nhóm trực 24/24 để tiếp nhận thông tin tại từng khu phố, ấp và đáp ứng kịp thời xét nghiệm cho người có triệu chứng, người có yếu tố dịch tễ.
Về kế hoạch tiêm vắc xin, cần triển khai tổ chức tiêm vắc xin một cách chi tiết, khoa học, bài bản gắn với cơ chế vận hành đồng bộ, thống nhất, thông suốt; Công khai, minh bạch mọi thông tin về chiến dịch tiêm vắc xin cho người dân. Ngành y tế cần phấn đấu đạt mức cao về số lượng nhưng phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu chất lượng và quy trình do Bộ Y tế hướng dẫn.
Cùng với đó, cần đảm bảo an sinh xã hội, quan tâm đời sống người dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Đảm bảo cung cấp hàng hóa, thiết yếu cần thiết cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, người dân trong khu phong tỏa, khu cách ly. Nắm chắc tình hình diễn biến của dịch bệnh, chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tình huống phức tạp.
Chủ động xây dựng kế hoạch; Phương án đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ trên địa bàn. Đặc biệt tập trung bảo vệ an toàn tuyệt đối và phòng chống cháy, nổ tại các bệnh viện dã chiến, điều trị, khu phong tỏa, khu cách ly.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, đa dạng hình thức tuyên truyền để thông tin kịp thời đến người dân, đặc biệt là các hộ gia đình trong các khu dân cư, khu phong tỏa. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Nguyễn Thật - Nguyễn Thu