Bày bán động vật hoang dã trên mạng bị xử phạt thế nào?
Lợi dụng tình trạng sự phát triển của công nghệ, người vi phạm đã sử dụng không gian mạng bày bán động vật hoang dã (ĐVHD). Loại hình vi phạm này đang gia tăng nhanh chóng và gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình phát hiện và xử lý.
Thực trạng bày bán ĐVHD trên mạng
Những năm gần đây, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông liên tục nhận được các phản ánh vi phạm trong hoạt động quảng cáo, kinh doanh mua, bán ĐVHD trên mạng. Tính đến nay, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã xử lý 48 trường hợp vi phạm, trong đó, 32 trường hợp là trang thông tin điện tử vi phạm về hoạt động quảng cáo mua, bán ĐVHD; 16 trường hợp là chia sẻ thông tin săn, bắt, nuôi ĐVHD trên mạng xã hội xuyên biên giới YouTube.
Lợi dụng tình trạng sự phát triển của công nghệ, người vi phạm đã sử dụng không gian mạng thay cho việc bày bán ĐVHD tại các cửa hàng, chợ hoặc một địa điểm nào đó. Loại hình vi phạm này đang gia tăng nhanh chóng và gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình phát hiện và xử lý.
Chính vì vậy, để giảm thiểu hành vi vi phạm này, giải pháp duy nhất là khi phát hiện các vi phạm cần xử lý triệt để, đồng bộ nhằm tăng hiệu quả răn đe, đồng thời gỡ bỏ các đường dẫn (link) hoặc vô hiệu hóa các trang thông tin điện tử vi phạm để tiếp tục xóa bỏ thị trường buôn bán ĐVHD trực tuyến này.
Trong quá trình xử lý, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã áp dụng các biện pháp nghiêm khắc theo quy định của pháp luật đối với các vi phạm trên Internet. Cục đã tiến hành xử lý gỡ bỏ, chặn hạ 32 đường dẫn và trang thông tin điện tử vi phạm về quảng cáo mua, bán ĐVHD như: Quảng cáo bán chim săn mồi; Trang sức chế tác từ hổ, móng, ngà voi, đuôi voi, móng gấu; Mật gấu; Cao hổ.
Ngoài ra, Cục đã phối hợp với các tổ chức nước ngoài như Facebook, Google để xử lý, gỡ bỏ 16 trường hợp vi phạm trên nền tảng xuyên biên giới do chia sẻ video có nội dung săn bắt ĐVHD trong rừng; Chia sẻ video có nội dung nuôi nhốt khỉ…
Nhìn nhận công tác phối hợp xử lý vi phạm với cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian qua, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết: “Trong thời gian vừa qua, ENV đã nhận được sự hỗ trợ của Cục PTTH&TTĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông, các Sở Thông tin và Truyền thông, cơ quan công an, kiểm lâm và nhiều cơ quan chức năng trên khắp cả nước cũng như các đối tác như Facebook, Google, Zalo, TikTok…. trong việc xử lý các vi phạm về ĐVHD trên Internet.
Nhờ sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và các đối tác, phần lớn các đường dẫn, website quảng cáo buôn bán ĐVHD được người dân thông báo đến ENV đã được gỡ bỏ. Không những vậy, nhiều đối tượng cũng đã bị xử phạt vi phạm hành chính và thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự sau khi bị phát hiện quảng cáo buôn bán ĐVHD trái phép trên các website, trang mạng xã hội và trang thương mại điện tử”.
Những luật hiện hành để xử lý vi phạm
Những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể để hỗ trợ công tác phát hiện, xử lý và điều tra các hành vi qua mạng, đặc biệt là hoạt động quảng cáo, kinh doanh mua, bán ĐVHD trái phép như Luật Lâm nghiệp năm 2017, Luật Đa dạng sinh học năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2018), Luật Bảo vệ môi trường, đặc biệt là Bộ Luật hình sự, Luật Quảng cáo, Luật Xử phạt vi phạm hành chính và các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi liên quan đến quảng cáo, kinh doanh mua, bán, vận chuyển, tiêu thụ ĐVHD.
Đây là những hành lang pháp lý quan trọng, căn cơ hỗ trợ các cơ quan chức năng thực thi vai trò quản lý nhà nước trong hoạt động bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, động vật hoang dã.
Thực tế cho thấy, đối với hoạt động xử lý vi phạm, sự phối hợp của các Bộ, ban, ngành và địa phương là rất cần thiết. Điều này thể hiện sự chung tay, góp sức của các lực lượng chức năng để không bỏ sót những lỗ hổng trong công tác xử lý. Bởi vậy, thời gian qua, hoạt động phòng, ngừa và xử lý vi phạm về quảng cáo, kinh doanh mua, bán ĐVHD trên mạng về cơ bản đã được cơ quan chức năng các địa phương quan tâm, phối hợp chặt chẽ.
Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Sở Thông tin và Truyền thông của một số tỉnh, thành phố là những đơn vị đã hỗ trợ, phối hợp tích cực với Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông trong công tác xử lý vi phạm về hoạt động quảng cáo, kinh doanh mua, bán ĐVHD trái phép trên mạng thời gian qua.
Nguyễn Linh (T/h)