Bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn từ làn sóng FDI
Chuyên gia dự báo, trong tương lai gần, bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi lớn từ làn sóng FDI, đặc biệt là làn sóng FDI thứ 4.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 7 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, số vốn đã được giải ngân đạt hơn 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, trong 7 tháng năm đầu năm nay, cả vốn đầu tư đăng ký và vốn đầu tư thực hiện tiếp tục tăng so với cùng kỳ, với mức tăng lần lượt là 10,9% và 8,4%.
Đặc biệt, riêng tháng 7 đã ghi nhận tổng lượng vốn đăng ký hơn 2,8 tỷ USD - chiếm 15,6% tổng vốn đầu tư trong 7 tháng.
7 tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 12,65 tỷ USD, chiếm 70,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 2,87 tỷ USD, chiếm gần 16% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 78% so với cùng kỳ. Có thể nói, năm nay, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản đã có bước tăng trưởng khá mạnh.
Theo nhận định của Bộ phận Bất động sản Công nghiệp của Savills, Việt Nam đang đứng trước cơ hội đón nhận làn sóng FDI lần thứ 4. Làn sóng FDI lần này có thể tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao như: điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo. Sự phát triển của các lĩnh vực này tác động trực tiếp đến bất động sản công nghiệp nhờ việc gia tăng nhu cầu về nhà xưởng đáp ứng tốt yêu cầu cơ sở hạ tầng, dịch vụ.
Nhu cầu đa dạng hóa hóa chuỗi cung ứng của các nhà đầu tư trong bối cảnh việc đặt nhà máy ở Trung Quốc không còn là sự lựa chọn tối ưu về chi phí cũng giúp Việt Nam trở thành một điểm đến được nhiều nhà đầu tư cân nhắc về bất động sản công nghiệp.
Mới đây, tập đoàn Nvidia từ Hoa Kỳ cam kết đưa Việt Nam thành một trung tâm công nghệ mới với thỏa thuận trị giá 200 triệu USD; hay Hana Micron từ Hàn Quốc và Intel với những dự án có quy mô lên tới hàng tỷ USD.
Xét về khu vực phát triển, theo dữ liệu từ Cục Đầu tư Nước ngoài, Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký gần 3,2 tỷ USD, chiếm gần 18% tổng vốn đầu tư cả nước. Đáng nói, số vốn đầu tư đăng ký này đã tăng hơn 3 lần cùng kỳ. Tiếp theo là Quảng Ninh với hơn 1,56 tỷ USD (chiếm 8,7%), tăng gấp 2,2 lần.
Trong khi đó, đầu tàu kinh tế cả nước là TP.HCM chỉ đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư FDI đăng ký gần 1,55 tỷ USD, chiếm gần 8,6% tổng vốn đầu tư cả nước. Tiếp theo lần lượt là Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Hải Phòng...
Tuy nhiên, nếu xét về dự án, TP.HCM lại dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (chiếm 39%) và góp vốn mua cổ phiếu (chiếm gần 70%). Còn Hà Nội dẫn đầu về số lượt dự án điều chỉnh vốn (chiếm 14%).
Để hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, chuyên gia của Savills lưu ý rằng, các khu công nghiệp cần chú ý đến xu hướng xanh để tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư.
“Phát triển khu công nghiệp xanh là một xu hướng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu. Vì vậy, ngày càng nhiều nhà đầu tư tập trung vào nền kinh tế tuần hoàn. Việt Nam đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Do đó, nhu cầu bất động sản công nghiệp xanh không chỉ đến từ việc phát triển bền vững trong ngành sản xuất mà còn từ yêu cầu của Chính phủ”, chuyên gia của Savills phân tích.
Dựa trên dữ liệu sơ cấp từ quá trình làm việc với khách hàng, chuyên gia của Savills đánh giá khoảng 80% – 85% các nhà đầu tư nước ngoài có yêu cầu về tiêu chuẩn ESG. Đồng thời, Việt Nam đang thích ứng với xu hướng này.
Theo dữ liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến năm 2030, khoảng 40% – 50% các tỉnh thành trong cả nước sẽ lên kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện có thành khu công nghiệp sinh thái, và 8% – 10% các tỉnh thành sẽ có định hướng xây dựng các khu công nghiệp sinh thái mới.
H.A