Thứ bảy, 23/11/2024 00:26 (GMT+7)
Thứ năm, 25/05/2023 10:55 (GMT+7)

Bất động sản chưa hết khó, Bộ Xây dựng tiếp tục đề xuất nhiều giải pháp

Theo dõi KTMT trên

Mới đây, Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng ban hành công điện về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Tập trung gỡ vướng nhữngdự án lớn

Theo dự thảo công điện vừa được Bộ Xây dựng gửi tới Văn phòng Chính phủ, trong thời gian qua, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cũng đã, đang tích cực chủ động làm việc với các địa phương, doanh nghiệp để trực tiếp giải đáp, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp, nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Tuy nhiên, thị trường bất động sản vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong việc xác định giá đất, điều chỉnh dự án đầu tư, điều chỉnh quy hoạch, đền bù giải phóng mặt bằng...

Khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu, chứng khoán; một số địa phương chưa quyết liệt trong chỉ đạo, giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, trách nhiệm…

Bất động sản chưa hết khó, Bộ Xây dựng tiếp tục đề xuất nhiều giải pháp - Ảnh 1
Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng ban hành công điện về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. (Ảnh minh họa)

Các khó khăn trên đã dẫn đến nhiều dự án nhà ở, khu đô thị triển khai chậm hoặc dừng triển khai thực hiện. Đặc biệt, việc triển khai các dự án nhà ở xã hội, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư vẫn còn rất chậm.

Do đó, Bộ Xây dựng cho rằng cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác của Thủ tướng tiếp tục chủ động làm việc với các địa phương, doanh nghiệp, dự án bất động sản để có giải đáp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Bên cạnh đó là tập trung rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của những doanh nghiệp lớn, dự án bất động sản lớn, nhất là dự án đang triển khai đầu tư dở dang, trong quý II năm nay.

Khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy

Trong quá trình làm việc với các địa phương, Tổ công tác của Thủ tướng cần xác định rõ khó khăn ở đâu giải quyết ở đó; vướng mắc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm cấp nào thì cấp đó giải quyết.

Bộ Xây dựng cũng trình Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu.

Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân né tránh, đùn đẩy công việc, thoái thác nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền; luân chuyển, xử lý cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ.

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chủ động thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định pháp luật. Chịu trách nhiệm quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc được phân cấp, ủy quyền.

Không trình, báo cáo công việc thuộc thẩm quyền giải quyết lên Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, cơ quan Trung ương; không lạm dụng việc lấy ý kiến các cơ quan Trung ương để né tránh trách nhiệm.

Rà soát số dự án bất động sản đang triển khai trên địa bàn, phân loại các dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc, chủ động làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, dự án có vướng mắc hoặc triển khai chậm để xác định rõ các nguyên nhân, kịp thời tháo gỡ theo thẩm quyền.

Tổng hợp các vướng mắc thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, Chính phủ, Quốc hội, trong đó chỉ rõ các điều khoản của quy định, văn bản là nguyên nhân của các vướng mắc gửi về Tổ công tác trước ngày 30.5 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.

Đối với các Bộ, dự thảo công điện yêu cầu giao Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay; tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng trước ngày 30/5/2023.

Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu, trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định số 44 năm 2014 quy định phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh khung giá đất, bảng giá đất;… trình Chính phủ ban hành trong quý II/2023.

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ có liên quan hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án bất động sản thực hiện theo hình thức hợp đồng BT trước 30/5/2023.

Tín hiệu phục hồi đang ngày càng rõ nét

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhận định: “Có thể nói sau chỉ đạo rất quyết liệt của Thủ tướng cũng như của Tổ công tác, đến nay bước đầu đã cơ bản tháo gỡ được những vướng mắc về mặt pháp lý cho các dự án bất động sản”.

Ở phân khúc căn hộ, một số chủ đầu tư thời gian quan đã mạnh dạn mở bán trở lại. Lượng giao dịch ghi nhận đã bắt đầu tăng trở lại nhờ vào sức cầu của nhu cầu thực.

Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư cũng đã công bố sẽ khởi động trở lại các dự án đã bị đình trệ trong giai đoạn khó khăn. Đơn cử, sau dự án The Grand Manhattan, NovaWorld Phan Thiết, NovaWorld Hồ Tràm, mới đây Novaland đã công bố tái khởi động dự án Khu dân cư phức hợp Victoria Village tại TP. Thủ Đức (TP. HCM).

Đáng chú ý, mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi thông cáo về việc điều chỉnh giảm thêm một loạt lãi suất điều hành, áp dụng từ ngày 25/5. Đây là lần thứ ba trong chưa đầy 3 tháng qua NHNN giảm lãi suất điều hành. Trước đó, vào giữa tháng 3 và đầu tháng 4/2023, cơ quan này đã hai lần điều chỉnh một số loại lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Các dấu hiệu trên cho thấy, dường như tín hiệu tích cực đang quay trở lại với thị trường bất động sản và giai đoạn khó khăn nhất đã đi qua để sẵn sàng bước vào chu kỳ hồi phục, phát triển.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Bất động sản chưa hết khó, Bộ Xây dựng tiếp tục đề xuất nhiều giải pháp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới