Bảo vệ nguồn tài nguyên đa dạng sinh học
Việt Nam được biết đến là một trong những nước có đa dạng sinh học cao trên thế giới. Các hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng là nguồn vốn quan trọng cho phát triển bền vững nhiều ngành kinh tế của đất nước.
Động vật hoang dã là tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá, góp phần quan trọng trong việc tạo nên sự cân bằng sinh thái, bảo đảm môi trường sống trong lành cho con người. Theo thống kê, hiện có khoảng 10 - 15 triệu loài sinh vật sinh sống trên hành tinh, tạo thành một mạng lưới cân bằng sinh thái. Do đó, sự biến mất của một loài sẽ gây nên phản ứng dây chuyền, ảnh hưởng tới rất nhiều loài khác. Đặc biệt đối với các loài có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái thì sự tuyệt chủng của chúng có thể dẫn đến những hậu quả khó lường. Chính vì vậy, chúng ta bảo tồn động vật hoang dã chính là bảo vệ môi trường sống, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta không chỉ hôm nay mà bảo vệ cho mai sau, TSKH Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cho biết tại Chương trình tọa đàm “Vai trò của các tổ chức KH&CN trực thuộc VUSTA trong công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học ở Việt Nam và tôn vinh cá nhân đoạt Giải thưởng Quốc tế về Môi trường Goldman 2021”, do VUSTA tổ chức ngày 16/6, tại Hà Nội.
Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng cho biết thêm, ngày nay, do những tác động tiêu cực của các hoạt động của con người đối với động vật hoang dã nên việc bảo tồn động vật hoang dã đã trở thành một thực tế ngày càng quan trọng. Thế giới có khoảng hơn 1.500 loài động vật hoang dã được xác định là đang có nguy cơ tuyệt chủng và gần tuyệt chủng cần được bảo vệ cấp bách. Tại các khu rừng nhiệt đới, nơi trú ẩn của hơn một nửa số sinh vật hiện đang tồn tại trên Trái Đất cũng đang bị thu hẹp khiến rất nhiều loài động vật hoang dã đã biến mất bởi môi trường sống của chúng bị tàn phá.
Các nỗ lực nhằm tăng cường bảo vệ những loài quan trọng như tê giác, voi, hổ, tê tê, ngoài việc đóng góp trực tiếp cho hoạt động bảo tồn các loài động vật này còn mang nhiều ý nghĩa, tạo động lực cho việc bảo tồn tất cả các loài động vật hoang dã khác, góp phần ngăn chặn các loại thảm họa thiên nhiên, duy trì các dịch vụ sinh thái quan trọng đối với đời sống và sự phát triển kinh tế-xã hội của cộng đồng người dân, địa phương, quốc gia và quốc tế.
Những đóng góp của các tổ chức khoa học công nghệ trong bảo vệ rừng và đa dạng sinh học
Tại buổi tọa đàm, các vị khách mời đã cùng nhau trải qua hai phiên tọa đàm với nội dung “Giải thưởng môi trường Goldman - Vinh danh những đóng góp của người Việt trong bảo vệ rừng và đa dạng sinh học” và “Vai trò của các tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập trong bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học”. Chương trình tọa đàm đã diễn ra vô cùng thành công với sự tham gia và phát biểu tích cực của các khách mời tọa đàm cùng các phóng viên và cơ quan báo chí.
Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có đa dạng sinh học cao trên thế giới với nhiều hệ sinh thái tự nhiên khác nhau, các loài sinh vật, nguồn gen phong phú và đặc hữu. Các loài động vật, thực vật hoang dã có vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái, bảo đảm các hệ sinh thái là những hệ thống hoàn chỉnh; góp phần cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái cho sự phát triển bền vững, mang lại những lợi ích trực tiếp cho con người. Đây là nguồn tài nguyên thiên nhiên đóng góp to lớn cho nền kinh tế, đặc biệt là trong các ngành sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, y dược; là cơ sở bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; duy trì nguồn gen tạo giống vật nuôi, cây trồng; cung cấp vật liệu cho xây dựng và là các nguồn dược liệu, thực phẩm…
Theo báo cáo quốc gia lần thứ sáu đối với Công ước Đa dạng sinh học, Việt Nam hiện có khoảng loài 51.400 sinh vật đã được xác định, bao gồm: khoảng 7.500 loài/chủng vi sinh vật; khoảng 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước; khoảng 10.900 loài động vật trên cạn; khoảng 2.000 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt; và hơn 11.000 loài sinh vật biển khác. Trong đó, nhiều loài có giá trị lớn cho việc bảo tồn, đóng góp cho khoa học và khẳng định tầm quan trọng toàn cầu của đa dạng sinh học Việt Nam như sao la, cheo cheo lưng bạc, mang lớn, mang Trường Sơn, thỏ vằn, voi châu Á, bò rừng, bò xám, hổ, báo, hươu sao, các loài linh trưởng, các loài rùa biển và rùa cạn, nước ngọt... Tổ chức Bảo tồn chim quốc tế (Birdlife International) cũng đã xác định Việt Nam được có 63 vùng chim quan trọng).
Hiện nay, vai trò của các tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập trong bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học đang hoạt động rất tích cực như bảo tồn, phục hồi, sử dụng bền vững đa dạng sinh học, di sản thiên nhiên; kiểm soát chặt chẽ các tác động lên đa dạng sinh học, nhất là tác động từ các dự án phát triển thông qua việc thực hiện tốt đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường. Mở rộng hợp tác quốc tế, huy động hỗ trợ và chuyển giao công nghệ và nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học …
Và cũng tại buổi tọa đàm đã nêu bật được vai trò và sự cống hiến của các tổ chức trực thuộc VUSTA trong công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học ở Việt Nam, từ đó là nguồn cảm hứng, động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho các cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước đang làm việc trong lĩnh vực môi trường tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Thái đoạt Giải thưởng Quốc tế về Môi trường Goldman 2021
Tại buổi tọa đàm, VUSTA đã trao tặng hoa, Bằng khen VUSTA cho các cá nhân được giải thưởng Quốc tế về Môi trường Goldman 2021. Điều đặc biệt, ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam's Wildlife), là đại diện cho đại lục châu Á, nhà bảo tồn người Việt Nam đầu tiên, một trong sáu người chiến thắng giải thưởng Goldman năm 2021.
Ông Nguyễn Văn Thái đã xúc động chia sẻ, tôi vẫn luôn tin tưởng vào một tương lai của Việt Nam, nơi mà con người và thiên nhiên cùng sống hài hoà, cân bằng. Tôi tự hào là người Việt Nam, tôi tin tưởng người Việt hiện tại, cùng những tầng lớp kế cận hiểu được thiên nhiên là thứ quan trọng không thể thay thế hay đánh đổi bằng bất cứ giá nào. Từ giải thưởng mà tôi có được hôm nay, tôi hy vọng dù chỉ là giải thưởng cá nhân nhưng sẽ truyền cảm hứng được cho nhiều cá nhân và tập thể khác, và quan trọng hơn đó là khơi dậy niềm tin, thúc đẩy vai trò lãnh đạo của người Việt trong công tác làm bảo tồn. Cùng nhau, chúng ta sẽ làm Việt Nam trở thành nơi đáng sống hơn.
Tại sự kiện còn có mặt của người Việt Nam đầu tiên được giải, bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc của GreenID. Một điều đặc biệt đó là tổ chức hoạt động của cả hai cá nhân Việt Nam đạt giải đều là những tổ chức trực thuộc thành viên của VUSTA.
Phát biểu tại sự kiện này, Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng cho biết, đây là sự ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng, tổ chức Quốc tế đối với những nỗ lực, đóng góp cho công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong thời gian qua.
Giải thưởng Môi trường Goldman được giới chuyên môn quốc tế ví như "Giải Nobel Xanh" bởi quy trình tuyển chọn gắt gao và sự công nhận tầm cỡ quốc tế với những nỗ lực của các cá nhân được nhận giải. Trong lịch sử hơn 30 năm của giải thưởng thì năm nay, Việt Nam lại một lần nữa có cá nhân thứ hai được xướng tên trong lễ trao giải.
Được biết, Giải thưởng Môi trường Goldman (tên tiếng Anh: Goldman Environmental Prize) được khởi xướng vào năm 1989 tại Mỹ, nhằm tôn vinh các cá nhân có những đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ môi trường ở các cấp cơ sở. Giải thưởng danh giá này được ví như giải "Nobel Xanh", với chỉ sáu người được vinh dự nhận giải mỗi năm đến từ sáu khu vực địa lý trên toàn thế giới: Châu Phi, châu Á, châu Âu, các quần đảo và quốc đảo, Bắc Mỹ và Nam - Trung Mỹ. Giải thưởng không chỉ là sự ghi nhận của thế giới mà còn phản ánh tác động mạnh mẽ mà một người có thể làm với nhiều người" và đặc biệt góp phần truyền cảm hứng cho cộng đồng trong công cuộc cải thiện môi trường, bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên trên Trái Đất.
HT