Bảo vệ môi trường từ những sáng chế thông minh
Ô nhiễm môi trường đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng ở khắp mọi nơi trên Trái đất. Để giảm thiểu ô nhiễm, nhiều sáng chế độc đáo, thông minh đã được đưa ra như: sản xuất gạch từ rác nhựa, cây nhân tạo lọc không khí, nhựa nhân tạo từ vỏ tôm...
Sản xuất gạch từ... rác thải nhựa
Những viên gạch được sản xuất từ rác thải nhựa để xây dựng lớp học đang là giải pháp hữu hiệu, giúp giải quyết bài toán về thiếu cơ sở giáo dục cho trẻ em ở Bờ Biển Ngà. Sáng kiến này cũng được thúc đẩy để áp dụng rộng rãi tại các khu vực Tây và Trung Phi, những nơi có tỉ lệ học sinh bỏ học cao trên thế giới vì tình trạng thiếu phòng học gây nên.
Đây là kết quả của chương trình hợp tác giữa Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Công ty tái chế chất thải nhựa và cao su Conceptos Plasticos, nhằm sử dụng nhựa được thu gom từ các khu vực ô nhiễm trong và chung quanh thành phố A-bi-giăng, để sản xuất gạch phục vụ kế hoạch xây dựng 500 phòng học cho hơn 25.000 trẻ em trong 2 năm tới.
Niềm vui của trẻ em Niềm vui của trẻ em Bờ Biển Ngà bên phòng học vừa được xây dựng mới. (Ảnh: UNICEF) |
Theo Liên hợp quốc (LHQ), những viên gạch được sản xuất từ nhựa tái chế và có khả năng chống cháy, giá thành rẻ hơn 40%, nhẹ hơn 20% và có tuổi thọ dài hơn hàng trăm năm so các vật liệu xây dựng thông thường. Gạch từ nhựa tái chế cũng không thấm nước, cách nhiệt tốt và được thiết kế để chống gió.
Sản xuất nhiên liệu phản lực sinh học từ nước biển
Các nhà nghiên cứu của Viện công nghệ sinh học Manchester thuộc trường đại học Manchester ngày 17/10 đã công bố một báo cáo cho biết họ đang phát triển một phương pháp hiệu quả và bền vững hơn để sản xuất thế hệ tiếp theo của nhiên liệu phản lực sinh học bằng cách tổng hợp các loại hợp chất từ vi khuẩn Halomonas có trong nước biển.
Điều này có nghĩa là các sản phẩm như nhiên liệu máy bay phản lực có thể được sản xuất một cách kinh tế bằng cách sử dụng phương pháp sản xuất tương tự như ngành công nghiệp bia và sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo như nước biển và đường.
Ảnh minh họa. (Nguồn: General Aviation News) |
Tiến sỹ Kirk Malone, Giám đốc thương mại của Viện công nghệ sinh học Manchester thuộc trường đại học Manchester, cho rằng không giống như các nguyên liêu sinh học mà chúng ta biết hiện nay phải phụ thuộc vào đất canh tác để sản xuất ngô và củ cải đường, sản xuất sinh học trong nước biển sẽ tránh được sự liên quan giữa nhiên liệu và thực phẩm.
Hơn nữa, sản phẩm cuối cùng sẽ giống hệt với nhiên liệu hiện nay, cho phép các phương tiện duy trì cùng một quy chuẩn nhiên liệu hiệu suất cao mà không cần thiết kế lại động cơ để tiêu thụ nhiên liệu chất lượng thấp.
“Cây nhân tạo” lọc không khí
BioUrban, cây nhân tạo hút ô nhiễm không khí bằng 368 cây thật đã được Biotech, một công ty khởi nghiệp ở Mexico thiết kế để làm sạch carbon dioxide và các chất gây ô nhiễm khác từ không khí, trả lại oxy tinh khiết cho môi trường.
Với chiều cao 4,2 mét và rộng gần ba mét, thiết bị trông giống như một cây thánh giá bằng thép giữa tòa nhà cao tầng hiện đại.
Cây nhân tạo được "trồng" ở những nơi ô nhiễm không khí. |
Thành phố Mexico là một đô thị rộng lớn với hơn 20 triệu người, thường xuyên bị cảnh báo ô nhiễm không khí, do khí thải từ hơn năm triệu xe hơi, các ngành công nghiệp gây ô nhiễm và cả núi lửa Popocatepetl ở gần đó.
Để chống lại điều này, một nhóm các kỹ sư đã có ý tưởng tạo ra một loại cây nhân tạo, có chức năng giống như cây tự nhiên là hấp thụ ô nhiễm và trả lại không khí sạch. Phát minh này có vẻ đầy hứa hẹn, đặc biệt đối với những người bị ô nhiễm nhiều nhất là người đi bộ, người già và người đi xe đạp.
Chế tạo vỏ chai bia bằng giấy
Năm 2019, hãng bia Carlsberg đã thông báo về hành trình tạo ra chai bia giấy đầu tiên trên thế giới được làm từ sợi gỗ có nguồn gốc bền vững, dựa trên 100% sinh học và có thể tái chế hoàn toàn.
Carlsberg đã tiết lộ hai mẫu nghiên cứu mới của chai bia Green Fiber, đây là “chai giấy” đầu tiên có chứa bia. Carlsberg cũng tuyên bố họ đã tham gia cùng với các công ty hàng đầu toàn cầu khác, những người thống nhất trong tầm nhìn phát triển bao bì bền vững thông qua sự tiến bộ của công nghệ chai giấy.
Những phát triển này là sự tiếp nối của hành trình đổi mới bao bì bền vững của Carlsberg và là một phần quan trọng trong chương trình phát triển bền vững của các hãng bia đang thực hiện cam kết giảm bằng không đối với lượng khí thải carbon tại các nhà máy bia và giảm 30% lượng khí thải carbon toàn chuỗi vào năm 2030.
Biến vỏ cua xanh châu Âu thành nhựa
Một nhóm các nhà khoa học ở Canada đã phát triển một ý tưởng biến vỏ cua thành đồ nhựa.
Dự án được phát triển bởi Audrey Moores, một nhà hóa học tại Đại học McGill, hợp tác với Công viên quốc gia Kejimkujik ở Nova Scotia, nơi đã phải vật lộn với số lượng cua xanh châu Âu xâm lấn từ những năm 1980.
Cua xanh châu Âu xâm lấn đất liền đã trở thành một vấn đề lớn tại Công viên quốc gia Kejimkujik, bờ biển ở Nova Scotia. (Ảnh: Getty Images) |
Nhóm nghiên cứu của Moores đã thu hoạch cua xanh từ công viên và chế biến vỏ của chúng để chiết xuất một hóa chất gọi là chitin. Chitin có thể được sử dụng để tạo ra nhựa thân thiện với môi trường, tự phân hủy trong các bãi chôn lấp và đại dương mà không có bất kỳ tác động xấu nào tới môi trường.
Moores đã nghĩ ra một phương pháp mới và ít độc hại tới môi trường để chế biến chitin liên quan đến việc nghiền vỏ cua và trộn chúng với một loại bột đặc biệt. Phương pháp này sử dụng ít nước hơn và ít hóa chất hơn, đảm bảo tạo ra rất ít chất thải hóa học.
Nhựa được sản xuất qua quá trình này rất cứng, giống như thủy tinh, và nhóm nghiên cứu đang sản xuất một chất mềm hơn có thể được đúc thành các vật phẩm như cốc, đĩa và dao kéo bằng nhựa.
Nguyễn Luận