Thứ sáu, 29/03/2024 17:40 (GMT+7)
Thứ hai, 10/01/2022 11:00 (GMT+7)

Bảo vệ môi trường sinh thái – Nhìn từ chiến lược của các doanh nghiệp Nga

Theo dõi KTMT trên

Những vấn đề môi trường và tác động phá hoại của chúng đối với con người đã trở nên hết sức rõ ràng. Câu trả lời cho thách thức này sẽ là sự chuyển đổi của nền kinh tế thế giới. Doanh nghiệp nào dẫn đầu sự thay đổi sẽ giành thắng lợi.

Ảnh hưởng đôi bên cùng có lợi

Đại dịch Covid-19 kéo dài gần hai năm nay đã chứng minh một cách rõ ràng tính dễ bị tổn thương của nhân loại và sự phụ thuộc của nó vào môi trường. Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu, bảo tồn đa dạng sinh học và rừng, cũng như cuộc chiến vì nước, không khí và đất sạch trên hành tinh được đặt lên hàng đầu. Chẳng hạn, trong Báo cáo rủi ro toàn cầu năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), bệnh truyền nhiễm được xếp ở vị trí thứ nhất, thất bại trong ứng phó với BĐKH và các rủi ro môi trường khác xếp ở vị trí thứ hai. Trong số các rủi ro được nêu tên có điều kiện thời tiết cực đoan vốn là hậu quả của BĐKH, và sự hủy hoại môi trường xung quanh bởi hoạt động của con người.

Công nghiệp hóa và tốc độ phát triển như vũ bão của các ngành công nghiệp trong thế kỷ XX đã tác động mạnh mẽ đến thực trạng của thiên nhiên. Những tác động này mang tính chất hỗ tương: môi trường bị ô nhiễm ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) xác định rằng không khí ô nhiễm dẫn đến tăng tỷ lệ tử vong và giảm khả năng lao động của con người, do đó làm chậm tốc độ tăng trưởng GDP. Nước Nga đứng ở vị trí thứ ba sau Trung Quốc và Ấn Độ về thiệt hại kinh tế: theo đánh giá của các nhà phân tích thuộc OECD, tổn thất do ô nhiễm không khí của nước Nga là 447,6 tỷ USD, hoặc 12,5% GDP (số liệu được thực hiện năm 2015).

Bảo vệ môi trường sinh thái – Nhìn từ chiến lược của các doanh nghiệp Nga - Ảnh 1

Năm 2020 là một trong những năm nóng nhất trong suốt lịch sử, 10 năm nóng nhất đã xảy ra trong thế kỷ XXI - đó là những đặc điểm gián tiếp của hiện tượng ấm lên toàn cầu, dẫn tới nhiệt độ chênh lệch lớn, mực nước biển dâng cao và các thảm họa thiên nhiên. Chính thảm họa thời tiết trở thành nguyên nhân của 79% số vụ thiên tai xảy ra trong hơn 50 năm qua. Hằng năm, chúng gây ra thiệt hại rất lớn. Ông Konstantin Polunin, một đối tác của BCG (Tập đoàn tư vấn Boston), cho biết: vào năm 2020, con số thiệt hại lên tới hơn 250 tỷ USD, riêng tại Hoa Kỳ, năm ngoái đã xảy ra 22 sự kiện môi trường, gây thiệt hại hơn 1 tỷ USD mỗi sự kiện, năm nay đã xảy ra 9 sự kiện. Theo đánh giá của nhóm các thành phố đứng đầu trong ứng phó với BĐKH C40, mực nước biển dâng 0,5 m vào năm 2050 có thể gây tác động tiêu cực đến các vùng ven biển của 570 thành phố trên thế giới. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, BĐKH sẽ dẫn đến một thực tế là chỉ riêng ở Mỹ Latinh, Đông Phi và Nam Á đến năm 2050 có hơn 143 triệu người sẽ phải thay đổi chỗ ở - con số này tương đương với dân số của nước Nga, - ông Polunin nhận xét.

Giải pháp cho các vấn đề này là chuyển sang nền kinh tế xanh, quá trình này không thể trì hoãn cho đến khi cú sốc của đại dịch Covid-19 lắng xuống. Mặc dù sự tụt giảm hoạt động kinh tế vào nửa đầu năm 2020 đã làm giảm phát thải các loại khí nhà kính, nhưng nồng độ của chúng trong khí quyển vẫn tiếp tục tăng và phá vỡ các kỷ lục mới.

Đồng thời, đại dịch đã làm giảm nguồn lực của các doanh nghiệp trong việc giải quyết các vấn đề môi trường. Theo khảo sát của tổ chức Deloitte, 65% số nhà lãnh đạo các công ty trên thế giới cho biết họ buộc phải cắt giảm các dự án trong lĩnh vực môi trường do đại dịch và khó khăn kinh tế tiếp theo. Chỉ khoảng 25% công ty có ý định tăng tài trợ cho các sáng kiến ​​môi trường, bất chấp tất cả.

Những nỗ lực chung

Các vấn đề toàn cầu không thể được giải quyết bởi các công ty và các quốc gia riêng lẻ, mà cần có những hành động chung. Một ví dụ về hành động đó là Thỏa thuận Paris mà hiệu quả của nó đã được thảo luận vào tháng 11 năm nay tại Hội nghị lần thứ 26 của LHQ về BĐKH (COP26). Những biện pháp đáng chú ý nhất đang được châu Âu thực hiện cùng với dự án “Thỏa thuận xanh” được khởi động cuối năm 2019; một trong những biện pháp đó là áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM –carbon border adjustment mechanism). Các nhà xuất khẩu hàng hóa có lượng khí thải carbon cao (phân bón, thép, sắt, nhôm và xi măng) sang Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải trả thuế phát thải carbon tương đương với mức tại thị trường châu Âu. Biện pháp này nhằm san bằng sân chơi giữa các nhà xuất khẩu và các nhà sản xuất địa phương, những người chịu sự điều chỉnh chặt chẽ để giảm lượng khí thải CO2. Ủy ban châu Âu dự kiến ​​sẽ nhận được thêm 5-14 tỷ euro mỗi năm từ việc áp dụng Cơ chế này. Ước tính, người trả tiền chính sẽ là các nhà cung cấp của Nga. Theo các đánh giá mới nhất của BCG, họ có thể trả khoảng 3-5,5 tỷ euro mỗi năm. Đồng thời, thêm hai ngành có khả năng lọt vào danh sách CBAM - lọc dầu và hóa dầu. Nếu điều này xảy ra, các khoản thanh toán của các nhà xuất khẩu Nga có thể tăng lên 4,7-10 tỷ euro mỗi năm.

Tổng lượng khí thải carbon trực tiếp của các hàng hóa do Nga cung cấp cho EU ước tính vào khoảng 140 triệu tấn CO2 tương đương. Đồng thời, lượng khí thải carbon của ngành công nghiệp sản xuất số hàng hóa này vượt quá 600 triệu tấn CO2 tương đương (theo tính toán của Viện Dự báo kinh tế quốc dân thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga). Vì vậy theo các nhà khoa học, việc đưa ra các yêu cầu khắt khe đối với các nhà sản xuất trong nước Nga (tương tự như các yêu cầu của EU) sẽ không giải quyết được vấn đề mà còn làm trầm trọng thêm, tăng thêm gánh nặng tài chính cho các nhà xuất khẩu.

Bảo vệ môi trường sinh thái – Nhìn từ chiến lược của các doanh nghiệp Nga - Ảnh 2

Ngoài việc tham gia Thỏa thuận Paris, nước Nga tuyên bố lượng phát thải ròng khí nhà kính tích lũy trong 30 năm tới sẽ không vượt quá mức của châu Âu. “Chúng ta phải ứng phó với những thách thức của biến đổi khí hậu, đưa nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ nhà ở công cộng, toàn bộ cơ sở hạ tầng thích ứng với chúng, xây dựng một ngành công nghiệp sử dụng khí thải carbon, giảm khối lượng của chúng, thực hiện kiểm soát và giám sát chặt chẽ ở đây”, - Tổng thống Vladiimir Putin đã phát biểu trong thông điệp Liên bang vào tháng 4 năm 2021. Chính phủ giao cho Bộ Phát triển kinh tế cùng với các bộ ngành xây dựng các kế hoạch thích ứng với những BĐKH.

Các công ty của Nga cần đóng một vai trò to lớn trong việc chuyển sang nền kinh tế xanh. “Quan trọng là các doanh nghiệp phải thấy rằng phát triển xanh là có lợi. Điều này không chỉ giúp tiếp cận nguồn tài chính xanh mà còn giảm thiểu rủi ro dài hạn. Và xét về mặt này, câu chuyện thành công đặc biệt có ý nghĩa quan trọng”,- ông Andrey Chernogorov, giám đốc Trung tâm giám định ESG “Delovaya Rossya” (“Doanh nghiệp Nga”) phát biểu.

Khởi đầu

Một số công ty lớn ở Nga không chỉ đặt ra mục tiêu nâng cao tính thân thiện với môi trường mà còn tiến tới đạt được mục tiêu đó. Ví dụ, năm 2020 tập đoàn khai thác và luyện kim Evraz đã đạt được ba mục tiêu chính mà họ đặt ra năm 2017 trong một chiến lược môi trường 5 năm. “Chúng tôi đã giảm mức tiêu thụ nước từ 226 triệu xuống 207 triệu tấn mỗi năm, đạt mức xử lý chất thải từ công nghiệp luyện kim trên 100%, có tính đến chất thải tích tụ từ thời Liên Xô (mục tiêu là 95%), và giảm phát thải khí nhà kính ở mức 1,97 tấn CO2 tương đương trên 1 tấn thép”, - ông Maxim Epifantsev, giám đốc điều phối các hoạt động bảo vệ thiên nhiên của tập đoàn Evraz nói.

Hai thành phố Nizhny Tagil và Novokuznetsk, nơi đặt các nhà máy luyện kim của Evraz, cùng với các nhà máy này tham gia dự án liên bang "Không khí sạch" (nằm trong dự án quốc gia "Sinh thái"). Đến năm 2025, nhờ 10 dự án với tổng chi phí khoảng 6,4 tỷ rúp, lượng phát thải không khí từ hai nhà máy EVRAZ NTMK và EVRAZ ZSMK sẽ giảm 62.600 tấn. Theo ông Epifantsev, 6 dự án trong số 10 dự án này đã được thực hiện, hiệu quả của chúng là giảm 22.000 tấn khí thải (lượng khí thải của Evraz từ sản xuất thép năm 2020 lên tới 381.600 tấn).

Nhìn chung, tập đoàn dự định giảm 20% lượng phát thải khí nhà kính tại các nhà máy luyện kim - đây là một trong những mục tiêu chính của chiến lược môi trường mới của Evraz đến năm 2030 (so với mức của năm 2019). Đồng thời, việc sử dụng khí metan phát sinh trong quá trình khử khí sơ bộ các vỉa than tại các mỏ than phải là 75%. Các nhà máy than cũng phải giảm phát thải bụi từ quá trình vận chuyển và bảo quản than xuống 1,5 lần. Trong sử dụng nước, tập đoàn có kế hoạch chuyển sang chu trình khép kín khi sản xuất thép. Tỷ trọng xử lý chất thải trong khai thác mỏ sẽ tăng từ 28,5% vào năm 2020 lên 50%, còn trong sản xuất kim loại - 95%.

Xin lấy ví dụ từ một lĩnh vực hoàn toàn khác là công ty viễn thông “MegaFon” chuyên cung cấp công nghệ Internet Vạn vật (IoT) phục vụ sinh thái, với sự trợ giúp của nó các thành phố và doanh nghiệp có thể theo dõi, chẳng hạn, trạng thái của không khí. Bà Natalya Burchilina, người phụ trách bộ phận IoT của “MegaFon” cho biết: “Nếu chúng ta không thể đo lường cái gì đó, chúng ta không thể điều khiển hoặc thậm chí kiểm soát nó”. Ngay sau khi có thông tin đáng tin cậy được thu thập trong thời gian thực tế từ các cảm biến (ví dụ, được cài đặt trên các cột đèn), sẽ xuất hiện khả năng hành động kịp thời, khả năng ngăn chặn các vấn đề môi trường”.

Dự án mới "Hệ sinh thái MegaFon" cho phép các nhà máy công nghiệp kiểm soát khí thải và xả thải, và trong tương lai nó sẽ cho phép báo cáo với cơ quan quản lý, chứng minh rằng các tiêu chuẩn môi trường không bị vi phạm và lập kế hoạch quy trình sản xuất có tính đến các tiêu chuẩn môi trường mới.

“Đối với “MegaFon”, các công nghệ IoT là định hướng chiến lược phát triển doanh nghiệp. Và chúng tôi đang tập trung vào các thị trường và ngành mà việc triển khai chúng sẽ mang lại lợi ích tối đa cho doanh nghiệp và xã hội”, - bà Burchilina nhận xét.

Đến lượt mình, ông Polunin cho biết, việc các công ty trở nên thân thiện với môi trường là rất có lợi vì nhiều nguyên nhân - từ năng lực cạnh tranh trên thị trường vốn đến việc thu hút nhân tài. Sự cởi mở về môi trường và chính sách môi trường minh bạch cho phép các công ty tiến hành đối thoại với người dân và chính quyền, - bà Burchilina nhận xét. Họ có thể được hưởng các ưu đãi của các cơ quan giám sát... “Ngoài ra, các công ty thân thiện với môi trường hiếm khi tham gia vào các xung đột xã hội và môi trường. Tất cả những điều này giúp cho hoạt động kinh doanh diễn ra trong một môi trường thuận lợi”, bà Burchilina nói.

Tất cả các động cơ - tích cực lẫn tiêu cực - đều đang được bộc lộ và chắc chắn sẽ dẫn các doanh nghiệp Nga tới con đường xanh hóa, - ông  Andrey Chernogorov, Giám đốc Trung tâm Giám định ESG thuộc “Delovaya Rossya” khẳng định. Có điều, chúng ta không nên gây áp lực quá mức đối với họ - các doanh nghiệp cần thời gian để chuyển đổi một cách có chất lượng và hợp lý, đồng thời tái cấu trúc các quy trình công nghệ phức tạp để tất cả đều thành công, - ông Andrey Chernogorov kết luận.

Trần Hậu

Theo Vedomosti.ru

Bạn đang đọc bài viết Bảo vệ môi trường sinh thái – Nhìn từ chiến lược của các doanh nghiệp Nga. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.