Thứ bảy, 23/11/2024 04:34 (GMT+7)
Thứ năm, 26/11/2020 08:26 (GMT+7)

Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước

Theo dõi KTMT trên

Sáng 25/11, tại Hà Nội, Bộ TN&MT phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo tổng kết dự án “Bảo tồn các khu đất ngập nước quan trọng và sinh cảnh liên kết”. Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước - Ảnh 1
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội thảo.

Qua 5 năm triển khai, dự án đã thành lập được hai Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy (Thái Bình) và Tam Giang - Cầu Hai (Thừa Thiên - Huế); xây dựng và ban hành chính sách, về quản lý và bảo tồn đất ngập nước; hỗ trợ lồng ghép quản lý và bảo tồn đất ngập nước vào các quy hoạch, kế hoạch chính của hai tỉnh; triển khai các giải pháp sinh kế cho cộng đồng tại Thái Bình và Thừa Thiên - Huế và tăng cường nhận thức và năng lực trong quản lý bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước ở cấp trung ương và địa phương.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định, với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ TN&MT, cùng với cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo tỉnh Thái Bình và Thừa Thiên - Huế và sự đồng thuận của người dân địa phương, hai Khu bảo tồn đất ngập nước đã được thành lập là minh chứng khẳng định mục tiêu hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống. Qua đó, càng khẳng định sự cam kết của Chính phủ Việt Nam, thành viên của Công ước Ramsar trong bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, góp phần nâng cao tỉ lệ diện tích các khu bảo tồn, khu vực được bảo vệ theo mục tiêu Achi - Công ước Đa dạng sinh học.

Cùng với đó, việc ban hành Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước và các văn bản hướng dẫn thực thi Nghị định này đã góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý đất ngập nước của Việt Nam, tăng cường hiệu quả quản lý các khu bảo tồn đất ngập nước trước các áp lực phát triển và tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng khốc liệt trên toàn cầu.

Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước - Ảnh 2
Quang cảnh Hội thảo.

Để tiếp tục phát huy các kết quả của dự án, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị, các đơn vị liên quan cần tập trung triển khai và hoàn thiện các văn bản pháp lý về quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học đất ngập nước; tổ chức lồng ghép vấn đề bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước vào kế hoạch, chương trình, dự án phát triển có liên quan. Bên cạnh đó, thúc đẩy việc xây dựng và triển khai các mô hình về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước; tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về ý nghĩa, vai trò, giá trị và phương thức quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước và huy động sự tham gia, tăng cường hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước về bảo tồn và phát triển các vùng đất ngập nước.

Bà Sitara Syed, Phó trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam chia sẻ, khi dự án kết thúc, động lực cho việc bảo vệ và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước cần được tiếp tục và tất cả các bên liên quan cần tăng cường hợp tác với nhau. UNDP tin tưởng lãnh đạo của Bộ TN&MT trong việc huy động các nguồn lực tài chính từ Nhà nước và tư nhân để đảm bảo đủ nguồn lực cho việc bảo vệ và quản lý hiệu quả các vùng đất ngập nước.

Dự án “Bảo tồn các khu đất ngập nước quan trọng và sinh cảnh liên kết” do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) thông qua Cơ quan Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tài trợ được triển khai từ năm 2015 - 2020 với mục tiêu thành lập các khu bảo tồn đất ngập nước mới và tăng cường năng lực để quản lý hiệu quả các khu bảo tồn nhằm giảm thiểu các nguy cơ hiện có và đang phát sinh từ các sinh cảnh liên kết. Dự án do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường và được triển khai tại hai tỉnh Thái Bình và Thừa Thiên - Huế.

Hoàng Ngân

Bạn đang đọc bài viết Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới