Bão số 13 có diễn biến phức tạp, khả năng đổ bộ vào Trung Trung Bộ
Bão Vamco mạnh cấp 12, giật cấp 15, đã vào biển Đông và trở thành cơn bão số 13, hướng vào vùng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 10h, vị trí tâm bão ở khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc; 118,9 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 730km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24h tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 10h ngày 13/11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 114,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 300km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, nhận định: "Theo dự báo, bão số 13 khi đi vào vùng biển nước ta sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam. Đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh và có diễn biến phức tạp, cần theo dõi chặt chẽ để sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó".
Theo ông Khiêm, tổng hợp dự báo cho thấy có 3 kịch bản di chuyển được tính toán ra cho cơn bão số 13 này, cụ thể:
Theo đó, kịch bản 1 có khả năng xảy ra lớn nhất (xác suất 70 - 80%), bão đổ bộ vào khu vực Trung Trung Bộ. Thời gian bắt đầu ảnh hưởng trên đất liền khoảng từ đêm 13/11. Cấp gió mạnh nhất trên biển đạt cấp 12; khi vào vùng biển ven bờ giảm 2 - 3 cấp. Từ đêm 13/11 đến ngày 15/11, khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên có mưa lớn, lượng mưa phổ biến khoảng 100 - 250 mm, riêng Quảng Trị đến Quảng Ngãi lượng mưa có thể lên đến 350 mm.
Từ ngày 13 - 15/11, trên các sông từ Nghệ An đến Bình Định xuất hiện đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông ở Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam ở mức báo động 2 đến báo động 3, có sông lên trên báo động 3; các sông Quảng Ngãi, Bình Định lên mức báo động 2 và trên báo động 2, các sông chính ở Nghệ An ở mức dưới báo động 1.
Kịch bản 2 ít có khả năng xảy ra hơn, bão đi lên phía Bắc suy yếu và di chuyển vào Bắc Trung Bộ. Theo kịch bản này, thời gian bão bắt đầu ảnh hưởng đến đất liền khoảng từ ngày 14/11. Cấp gió mạnh nhất trên biển đạt cấp 12, khi vào vùng biển ven bờ mạnh cấp 7 - 8. Mưa sẽ kéo dài ra phía Bắc, bao gồm cả Đồng bằng Bắc Bộ. Từ ngày 14 - 16/11, Bắc và Trung Trung Bộ, Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa khoảng 100 - 150 mm, có nơi trên 200 mm.
Trường hợp áp cao thuận nhiệt đới suy yếu sẽ khiến bão đi theo hướng Tây và Bắc Tây Bắc, đi vào giữa Bắc Trung Bộ và Nam Đồng bằng Bắc Bộ, tốc độ di chuyển chậm lại 10 - 15 km/h, có khả năng ảnh hưởng kéo dài đến ngày 16/11.
Còn theo kịch bản 3, bão số 13 duy trì cường độ cấp 12, giật cấp 15 trên Biển Đông, di chuyển ổn định theo hướng Tây từ ngày 12 - 13/11. Từ ngày 14/11, bão đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, sau đó đi thẳng vào Trung Trung Bộ (các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế). Cường độ của bão khi đi vào vùng biển sát bờ giảm 2 - 3 cấp so với cường độ trên biển Đông, lượng mưa sẽ tập trung trong 6 giờ ở khoảng 100 - 150 mm.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai lưu ý, bão số 13 có hướng đi dị thường như cơn bão Hải Yến năm 2013 đã gây thiệt hại lớn. Vì vậy cần phải có chiến lược ứng phó cho đúng với cơn bão, hoàn toàn không thể chủ quan về mặt dự báo, ứng phó, phạm vi ảnh hưởng.
Bộ trưởng nhấn mạnh, kiên quyết trong thời gian ảnh hưởng của cơn bão không được để tàu thuyền hoạt động, chú ý cả thuyền nhỏ ven bờ, lồng bè, cơ sở nuôi trồng thuỷ sản; chú ý đề phòng đê biển, các điểm sạt lở chạy dài toàn tuyến miền Trung có thể gây nguy hiểm; cần quan tâm đến các hồ chứa từ Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng yêu cầu các đơn vị bám sát dự báo, liên tục cập nhật để có chỉ đạo ứng phó. Các thành viên Ban chỉ đạo không chủ quan, chống tư tưởng mỏi mệt…
Những thiệt hại do bão số 12
Bão số 12 đã làm 2 người chết (Quảng Nam: 1 người, Bình Định: 1 người); 2 người mất tích (Phú Yên: 1 người, Quảng Nam: 1 người) và 8 người bị thương (Bình Định: 1, Phú Yên: 2, Khánh Hòa: 3, Quảng Nam: 2).
Về nhà ở đã có 9 ngôi nhà bị sập (Khánh Hòa: 5, Bình Định: 3, Quảng Ngãi: 1); 388 nhà bị tốc mái, hư hại (Bình Định: 8, Phú Yên: 76, Khánh Hòa: 303, Quảng Ngãi: 1); 25.653 nhà bị ngập (Bình Định: 8.572, Phú Yên: 16.548, Ninh Thuận: 70, Gia Lai: 47, Daklak: 416)
Hiện còn 29 xã thuộc 2 tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên bị mất điện (Khánh Hòa: 2 xã, Phú Yên: 27 xã); gãy đổ 75 cột điện tại Phú Yên.
Khu vực bắc Cửa Đại (Quảng Nam) xảy ra sạt lở bờ biển với chiều dài khoảng 3,0 km; bờ biển Thừa Thiên Huế (Phú Lộc, Phú Vang) với chiều dài 10 km tại nhiều khu vực bị sạt lở nghiêm trọng.
Hoài Thu