Thứ bảy, 21/12/2024 21:50 (GMT+7)
Thứ hai, 20/11/2023 08:45 (GMT+7)

Bàn về công tác giáo dục môi trường trong các trường học tại Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Giáo dục môi trường là khái niệm về môi trường và đi kèm là giáo dục bảo vệ môi trường. Vậy làm như thế nào để giáo dục môi trường phù hợp trong trường học và cả trong gia đình, xã hội.

Mở đầu

Tôi nhận lời viết về chủ đề này nhưng rất lo vì chắc chắn đã có nhiều bài báo liên quan và quả thực khi tra trên mạng thì thấy lượng bài nhiều thật. Vì vậy, tôi chỉ muốn viết về một khía cạnh rất nhỏ trong các nội dung cần đề cập trong giáo dục môi trường, đó là khái niệm về môi trường và đi kèm là giáo dục bảo vệ môi trường (BVMT) như thế nào là phù hợp trong trường học và cả trong gia đình, xã hội.

Khái niệm về môi trường

Trước hết, phải công nhận khái niệm môi trường được nhắc đến hầu như hàng ngày, hàng giờ trên các phương tiện đại chúng nhưng hiện tại vẫn chưa có môn học môi trường trong các cấp học phổ thông. Nhiều người cho rằng kiến thức môi trường đã được lồng trong nhiều môn học khác như Địa lý, Sinh học, Văn hoc,…và cũng phải đến năm 1995 Việt Nam mới có một Trường đại học mở Khoa Môi trường đào tạo bậc cử nhân về môi trường, đó là Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội. Rất may là lúc đó, tôi cũng là người tham gia làm hồ sơ thành lập khoa và sau đó xây dựng chương trình, viết giáo trình và đào tạo sinh viên các khóa đầu tiên.

Tôi vẫn nhớ lúc đó chúng tôi phải làm rõ khái niệm môi trường, đối tượng ngành khoa học môi trường là gì và học sinh ra trường sẽ làm được những gì. May mắn, khi tham gia khóa học của UNEP-UNESCO về Quản lý môi trường cho các nước đang phát triển tại Đại học Kỹ thuật Dresden, CHLB Đức tôi có hỏi một giáo sư về khái niệm môi trường và được GS. này trả lời cặn kẽ. Khi nói đến từ môi trường phải nói rõ là môi trường của vật gì, của quá trình gì, sự kiện gì, loài cây gì, loài vật gì,… vì mọi thứ sinh ra, tồn tại, phát triển đều trong môi trường của chúng. Khi đó môi trường là tất cả những gì có xung quanh chúng và có thể ảnh hưởng đến chúng. Còn khi nói môi trường mà không đi kèm chủ thể của nó thì được coi là môi trường của con người (nói chung), là tất cả những gì xung quanh chúng ta và có thể ảnh hưởng, tác động đến sinh tồn phát triển của chúng ta. Hiểu như vậy thì quả thực phạm vi môi trường quá lớn, đa dạng và phức tạp mà trước hết những gì từ thế giới tự nhiên và xã hội đang ảnh hưởng đến con người, tạo nên môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Hiện tại khái niệm môi trường thường chú trọng vào môi trường tự nhiên nhưng thật ra môi trường xã hội có tầm quan trọng không kém, nếu không muốn nói là cao hơn.

Bàn về công tác giáo dục môi trường trong các trường học tại Việt Nam - Ảnh 1
Bàn về công tác giáo dục môi trường trong các trường học tại Việt Nam. (Ảnh: Minh họa)

Môi trường có nhiều chức năng, đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với con người như (1). Cung cấp môi trường sống một cách vô tư, tự nhiên (không phải trả tiền) như không khí để thở, năng lượng mặt trời sưởi ấm, nước uống, cảnh đẹp,…; (2). Cung cấp tài nguyên để con người sử dụng trực tiếp hoặc sử dụng làm đầu vào để sản xuất thức ăn và các sản phẩm phục vụ cuộc sống (lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, kim loại,….); (3) là nơi chứa và đồng hóa chất thải từ hoạt động sống và hoạt động kinh tế của con người); (4). Lưu giữ các thông tin quan trọng, trong đó có các gen của các loài sinh vật và một số chức năng khác.

Các thành phần môi trường tự nhiên như khí quyển, thủy quyển, sinh quyển, lớp vỏ địa lý, các tầng địa chất,… đã được con người nghiên cứu từ lâu và hình thành những ngành khoa học mang tên khí tượng học, thủy văn học, hải dương học, sinh vật học, địa lý học, địa chất học,… Thành tựu nghiên cứu các ngành này đã được ghi nhận, đóng góp rất lớn cho hoạt động sống của con người trên mọi vùng lãnh thổ của trái đất. Tuy nhiên với cách hiểu khí tượng học (hay vật lý khí quyển) nghiên cứu khí quyển, thủy văn nghiên cứu thủy quyển  (chủ yếu nước ngọt trên đất liền). sinh vật học nghiên cứu sinh quyển,… thì môi trường có phải là ngành học tổng hợp nghiên cứu mọi thứ không?, có thể thay thế các ngành đã có trước đó hàng trăm năm không?. Đây là câu hỏi đặt ra khi thành lập Khoa Môi trường và làm rõ tại sao bây giờ mới hình thành ngành học môi trường. Hồi ấy, chúng tôi đã phải đọc nhiều tài liệu và biết rằng, do phát triển kinh tế nhanh với nhiều ngành công nghiệp xuất hiện để sản xuất nhiều sản phẩm hiện đại phục vụ cuộc sống và những cuộc chiến tranh lớn nhỏ đã gây ra, làm xuất hiện nhiều vấn đề môi trường ở quy mô khác nhau. Ở từng gia đình, từng làng xóm là rác nhiều hơn, không gian sống bị thu hẹp, con sông trước nhà bị đổi màu, nhiễm bẩn, là sự mất đi nhiều loài như đỉa, ruồi, quạ,… ở quy mô quốc gia là hiện tượng suy giảm diện tích rừng, không khí đô thị bị ô nhiễm, những núi rác chất chồng, những con sông “chết”, ô nhiễm,… và toàn thế giới đang đối mặt với biến đổi khí hậu (BĐKH) cùng hệ quả nóng lên toàn cầu, tan băng ở cực, mực nước biển dâng cao hơn, với mưa axit, thủng tầng ô zôn, ô nhiễm nhựa đại dương và nhiều vấn đề khác. Những vấn đề này thường không mằm trọn trong một quyển nào mà xảy ra và tồn tại xen kẽ nhiều quyển, nhiều thành phần môi trường. Vì vậy khoa học môi trường xuất hiện nhằm nghiên cứu về nguyên nhân xuất hiện, phạm vi tác động và những ảnh hưởng to lớn của các vấn đề môi trường này. Đặc biệt, các vấn đề này phần nhiều là do chính con người gây nên và chúng ta lại phải nhận biết, khảo sát, đánh giá tác động và tìm cách giảm thiểu tác động có hại.

Thật ra, việc nhận biết các vấn đề môi trường không hề dễ dàng, nhất là tìm xem nguyên nhân từ đâu. Ví dụ, ngay khi thấy một con vật chết trôi nổi trên một con sông thì ai cũng biết nó là nguyên nhân gây nhiễm bẩn dòng nước nhưng tìm xem tại sao con vật lại xuất hiện thì nhiều khi khá khó khăn. Rồi ai là người phải đưa con vật lên, đem chôn để dòng sông không bị ô nhiễm cũng là câu hỏi cần lời giải đáp.

Ở quy mô lớn hơn, để biết một thành phố lớn có bị ô nhiễm hay không phải có hệ thống đo chất ô nhiễm đủ dày, phải dựa vào quy chuẩn, tiêu chuẩn và qua quá trình xử lý số liệu mới làm rõ được. Ở quy mô toàn cầu, vấn đề BĐKH vẫn còn nhiều tranh cãi, đến nỗi cô bé  Greta Thunberg người Thụy Điển (bây giờ chắc đã lớn) phải bỏ học, đi đấu tranh để mọi người, kể cả các nguyên thủ quốc gia phải có cách nhìn đúng hơn về tác động xấu của BĐKH trong tương lai.

Vấn đề xử lý các vấn đề môi trường lại còn khó khăn gấp bội vì nhiều vấn đề đã mang tính toàn cầu, không còn chỉ gói gọn trong một quốc gia, các khu vực nữa nên phải có sự vào cuộc thực hiện của nhiều thực thể, chủ thể. Những cố gắng của toàn nhân loại đã có dấu hiệu tích cực nhưng vẫn chưa đủ để nhanh chóng giải quyết các vấn đề môi trường đã và đang xảy ra như:

  • Thay đổi tự nhiên theo hướng tiêu cực
  • Suy giảm tài nguyên
  • Suy giảm chất lượng môi trường.
  • Vấn đề khác

Vì vậy, vấn đề BVMT đã và đang được đặt ra và cần sự chung tay của từng cá nhân và của cả xã hội loài người trong hiện tại và trong tương lai dài.

Định hướng giảng dạy khái niệm môi trường và BVMT

Do nội hàm khái niệm về môi trường rất rộng, bao hàm nhiều thành phần, nhiều chức năng, đa dạng về loại hình nên phải sớm định hình các truyền dạy môi trường cho con người ngay từ khi lọt lòng mẹ.

Tiếng khóc chào đời thật ra là do lần đầu tiên phổi trẻ được tiếp xúc trực tiếp với không khí và là biểu hiện đầu tiên của nhịp thở. Giai đoạn đầu của cuộc đời đứa trẻ chưa chủ động chống chọi lại tác động của môi trường mà phải dựa vào bố mẹ, người thân, xã hội. Tuy nhiên, việc chăm sóc trẻ trong những năm đầu đời cũng rất khác nhau theo quan điểm chung của các cộng đồng, xã hội. Ở một số nước trẻ mới sinh thường được quấn bằng tã lót hay mặc bộ đồ áo liền quần rồi để vào xe đẩy đi khắp nơi, cả khi bố mẹ đi mua sắm nên không khó để thấy các xe chở các cháu bé ở phòng cạnh siêu thị. Trong khi đó, ở Việt Nam các cháu bé thường được chăm ẳm, bế bồng, nựng nịu, ngay cả người lạ đôi khi cũng được cho bế bồng, thậm chí hôn cháu bé. Vấn đề vệ sinh trong khi cho trẻ ăn của bà mẹ trước đây (chủ yếu ở vùng nông thôn) cũng không được chú trọng, thậm chí còn nhai cơm rồi mớm cho con. Đây là hành động mà sau này bị lên án vì rất mất vệ sinh nhưng có lẽ đã có nhiều người lớn lên nhờ cơm mớm của mẹ, thậm chí có người còn chỉ ra điều lợi khi nhai cơm người mẹ đã giúp tiêu hóa của con dễ hơn. Mới đây tôi đọc thấy các nhà khoa học khuyên nên cho trẻ mới sinh tiếp xúc với cơ thể của bố và mẹ hàng ngày vì có lợi cho bé rất nhiều, rồi đôi khi bồng bế bé cũng có thể có lợi hơn là luôn đặt bé trên xe đẩy vì bé được gần hơi ấm của bố, mẹ, người thân và tiếp xúc nhiều hơn với môi trường. Lớn hơn, trẻ có thể được đưa tới học mẫu giáo, đây là thời kỳ bé chủ động tiếp thu, nhận biết về môi trường xung quanh cùng nhiều thay đổi xảy ra. Lúc này bé đã có vốn liếng nhất định về nghe nói, giao tiếp nên sẽ có nhiều thuận lợi giúp bé nhận thức môi trường. Giáo dục đứa trẻ giai đoạn này phải có sự kết hợp giữa gia đình và trường, lớp mẫu giáo, đặc biệt là vai trò của ông bà, bố mẹ, anh chị và thày cô giáo. Mọi người nên có ý thức hướng dẫn con trẻ nhận biết về môi trường với những gì có ở xung quanh chúng như cái cây, ánh mặt trời, con chim, con bướm rồi những hiện tượng như mưa, gió, nóng lạnh, tiến tới giúp bé hiểu những gì môi trường cần cho bé, môi trường đem lại gì cho bé như không khí cho bé thở, nước cho bé uống, bông hoa cho bé cảm nhận màu sắc,… Quả thật, việc này không dễ nhưng nếu bố mẹ, thày cô có tâm thì có thể giúp được bé rất nhiều trong tìm hiểu môi trường, thế giới xung quanh.

Giai đoạn học tiểu học, học sinh đã được tiếp cận với một phương tiện, công cụ cao hơn, đó là chữ viết và đến cuối cấp học sinh đã đọc và viết được những câu, đoạn văn ngắn có nghĩa. Đặc biệt, các giác quan của học sinh đã phát triển có thể cảm nhận được những gì hiện hữu và cả sự thay đổi của môi trường. Ở cấp học này, có thể mở rộng hơn khái niệm về môi trường cho trẻ thông qua những gì có xung quanh vùng sinh sống như ngọn núi cao, con sông dài, cái hồ rộng, mặt biển lớn màu xanh, hay các hiện tượng như bình minh, hoàng hôn, chiều lộng gió đi thả diều, tập bơi, biết cái sân nhà mình bẩn hay sach, con đường làng mùa lá rụng rất đẹp nhưng cũng rất bẩn khi nó rơi lâu không ai dọn,… Nghĩa là có thể giúp học sinh hiểu những lợi ích khi môi trường có chất lượng tốt và cả điều bất lợi khi chất lượng môi trường bị suy giảm.

Sang cấp trung học cơ sở, học sinh đã biết đặt nhiều câu hỏi tại sao liên quan tới những gì xảy ra trong môi trường và được các thày cô sẽ từng bước giải đáp. Ngoài những gì đề cập trong sách giáo khoa, cha mẹ học sinh và thày cô, người thân phải tìm hiểu thêm mới đủ luận giải cho học sinh những điều mới mẻ, hóc búa như sự hình thành mây mưa như thế nào, trái đất rộng lớn ra sao, tại sao quả táo lại rơi xuống đất, tại sao thuyền lại nổi,… Nghĩa là môi trường bây giờ đã vượt qua những cái gì nhận biết bằng giác quan mà phải vận dụng cả những kiến thức họa được từ các môn học khác như vật lý, hóa học, sinh học, toán học,… Tôi nhớ có một lần một cháu, con của cô đồng nghiệp, hỏi về dự báo thời tiết dựa trên cơ sở nào, cô ấy biết tôi học khí tượng nên nhờ giải thích. Tôi phải dùng những kiến thức phổ thông để diễn tả công việc dự báo thời tiết rất phức tạp như dựa vào số liệu đo, theo dõ thời tiết ở rất nhiều nơi trên thế giới để biết diễn biến thời tiết khu vực xung quanh Việt Nam để biết liệu thời tiết ngày mai, ngày kia sẽ như thế nào. Ví dụ có đợt không khí lạnh từ phía Trung Quốc đang di chuyển xuống phía nam (qua phân tích số liệu đo trên lãnh thổ Trung Quốc) và với tốc độ di chuyển như vậy thì khoảng chiều mai miền Bác Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, nhiệt độ sẽ giảm, gió sẽ chuyển sang hướng đông bắc, hay bằng ảnh vệ tinh phát hiện cơn bão trên biển Thái Bình Dương đang di chuyển về phía Tây và với tốc độ như vậy có thể dự đoán khi nào nó có thể ảnh hưởng đến Việt Nam,… Rất may là cháu có thể hiểu được phần nào và khá thỏa mãn với truyền đạt, giải thích của tôi. Như vậy. định hướng truyền đạt giai đoạn này có thể chuyển sang giải thích nhiều hơn là nêu hiện tượng môi trường. Giai đoạn này các thày cô cũng có thể khuyến khích học sinh tìm hiểu nhiều hơn về các chức năng, lợi ích môi trường về những vấn đề môi trường đang diễn ra ở địa phương hoặc đang gây bức xúc trên phương tiện truyền thông đại chúng. Từ đó dạy học sinh ý thức bảo vệ môi trường mà một hành động ai cũng có thể thực hiện được, đó là biết sống tiết kiệm, tham gia các phong trào BVMT của địa phương và ngay trong gia đình mình. Ở cấp học này đã có nhiều hoạt động BVMT sôi nổi, rất cần được phát huy để trở thành phong trào, mỗi trường đều có việc làm BVMT đem lại lợi ích tốt. Ở nhà các em có thể giúp bố mẹ phân loại rác thải, đổ rác đúng nơi quy định, ra xã hội các em tham gia tuyên truyền BVMT, thực hiện nhặt rác nơi công cộng, trên bãi biển,…

Sang giai đoạn học trung học phổ thông (PTTH), học sinh đã được trang bị nhiều kiến thức cơ bản để hiểu sâu về môi trường, từng bước lý giải thay đổi môi trường, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến các vấn đề môi trường để tìm giải pháp khắc phục. Lứa tuổi học PTTH các em đã biết về các vấn đề môi trường lớn đang xảy ra trên phạm vi toàn cầu và hậu quả mà nó gây nên nếu không được giải quyết sớm. Ví dụ, liệu nước biển dâng sẽ làm mất bao nhiêu diện tích châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long vào cuối thế kỷ XXI hay suy giảm chất lượng không khí, ô nhiễm không khí có thể gây bao nhiêu ca tử vong sớm, gây thiệt hại, suy giảm bao nhiêu phần trăm GDP hàng năm ở Việt Nam và còn nhiều vấn đề khác nữa. Chẳng hạn, đối với rác thải, một giải pháp rất hay là tìm cách tái sử dụng, tái chế thành sản phẩm hữu ích nên đã có sáng kiến, giải pháp từ thày trò các trường tìm ra và thực hiện. Trong vấn đề xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường thì các trường trung học có vai trò lớn vì nắm trong tay nguồn nhân lực khá chuyên sâu, được đào tạo từ các trường đại học với các chuyên môn rất cần trong quá trình nhận biết và giải quyết các vấn đề môi trường địa phương. Ngoài ra còn có lực lượng học sinh dồi dào, trẻ và rất năng động, sẵn sàng tham gia dự án BVMT. Tôi rất ấn tượng về một trường hợp điển hình vế khả năng tham gia của các trường trung học vào công tác BVMT ở Canada. Tôi được đến thăm một địa phương, lãnh đạo cho biết trước đây đến mùa cá hồi vẫn theo con sông nhỏ ngược lên thượng nguồn nhưng tự nhiên có vài năm không thấy xuất hiện một chú cá nào. Lãnh đạo địa phương phải hỏi các nhà khoa học của một Viện nghiên cứu và được tư vấn phải lấy mẫu nước sông phân tích xem có chất lạ hoặc thay đổi chất lượng nước mà cá cảm nhận được nguy hiểm. Các nhà khoa học đã làm việc với thày trò một trường phổ thông trên địa bàn, thành lập nhóm nghiên cứu tự nguyện và được tập huấn phương pháp lấy mẫu nước và phân tích một số thông số đơn giản. Đối với một số thông số cần phân tích trên thiết bị hiện đại thì nhóm lấy mẫu, bảo quản và đưa đến Viện để phân tích. Kết quả đã tìm thấy một loại chất có trong nước sông do một xí nghiệp thượng nguồn chảy xuống và địa phương đã chỉ đạo xử lý triệt để chất này và sau đó lại thấy cá hồi trở lại, bơi ngược dòng lên thượng nguồn. Các chuyên gia, các nhà khoa học Canada trong một dự án hợp tác với Việt Nam đã giúp thử nghiệm thành lập nhóm nghiên cứu như vậy ở một trường trung học ở Đônh Anh, cung cấp một số thiết bị đo chất lượng nước, chất lượng không khí cầm tay và tập huấn cho nhóm về phương pháp đo, lưu giữ và xử lý số liệu. Họ đánh giá cao khả năng thực hiện của thày và trò nhóm “Mini U” (tạm gọi là đại học thu nhỏ) này và cho rằng, trong điều kiện hệ thống quan trắc chưa đủ bao quát hết thì thực hiện xã hội hóa quan trắc môi trường sẽ giúp có đủ số liệu để nhanh chóng phát hiện, nhận biết vấn đề môi trường và tìm giải pháp xử lý. Tất nhiên, để làm tốt phải có sự vào cuộc của cơ quan quản lý tạo chơ chế, cơ quan nghiên cứu đề xuất phương pháp quan trắc, loại trang thiết bị cần thiết, các trường phổ thông cung cấp nhân lực thực hiện,… Và, tất nhiên cũng cần có kinh phí mua thiết bị, mua vật tư, lập cơ sở thu giữ và phân tích số liệu,… nhưng kinh phí này có thể huy động từ ngân sách và nhiều nguồn vốn khác trong xã hội.

Trong hệ thống giáo dục đại học, đã hình thành mạng lưới các trường, các khoa đào tạo cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ về môi trường và môn học tổng quan về môi trường đang trở thành bắt buộc ở một số trường đại học và các khoa không chuyên về môi trường. Kiến thức truyền đạt là kiến thức chuyên sâu, tìm hiểu kỹ cả về nguyên nhân, cơ chế gây nên các vấn đề môi trường, tìm ra các công cụ, các giải pháp khoa học để xử lý các vấn đề môi trường, làm giảm tác động có hại do chúng gây ra. Các công cụ luật pháp-thể chế, công cụ kinh tế, công cụ khoa học công nghệ được cập nhật thường xuyên, được truyền đạt để sinh viên nắm vững về lý thuyết và được thực hành khi tham gia xử lý các vấn đề cụ thể.

Hôm vừa rồi ngồi nghe các đại biểu góp ý về mối quan hệ kinh tế-xã hội-môi trường trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa hiên nay ở Việt Nam, một đại biểu nêu rằng nội hàm về môi trường không phải ai cũng rõ, kể cả các đồng chí giữ cương vị lãnh đạo và nên chăng cũng nên có hình thức tập huấn nâng cao kiến thức về môi trường và BVMT cho đội ngũ lãnh đạo các cấp. Chắc chắn, ai cũng rõ vai trò to lớn, mang tính quyết định của các nhà lãnh đạo nên khi họ có kiến thức đầy đủ sẽ giúp đưa ra chính sách, những quyết định đúng đắn hơn, thực thi các giải pháp hiệu quả hơn. Bản thân tôi cũng đã được mời trình bày một số kiến thức cho một số đơn vị (lớp tập huấn chẳng han) nhưng số lượng các vị lãnh đạo tham gia còn ít và có lẽ một số người coi coi đây chỉ là công việc làm cho có, làm theo phong trào.

Bốn trụ cột về giáo dục do UNESCO đưa ra (khá gần với những điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nói trước đây) thúc đẩy con người phải luôn học, trong đó có học để có kiến thức, học để làm việc cũng rất đúng với những người làm nhiệm vụ BVMT và toàn bộ những người đang chịu tác động của suy thoái môi trường như chúng ta.

Kết luận

Càng viết lại càng thấy vấn đề giáo dục môi trường rất rộng lớn, rất cần được tập trung nghiên cứu để làm tốt trong tương lai gần.

Hiện tại, ngoài vấn đề môi trường toàn cầu, đã xuất hiện nhiều vấn đề môi trường của Việt Nam nhưng mức nhận biết, xử lý vẫn còn hạn chế, không đáp ứng mong mỏi của mọi người. Những vụ việc, sự cố môi trường lớn vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi và đã có tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống và phát triển của con người và đất nước Việt Nam nhưng nhiều khi chúng ta chưa lường hết. Chắc chắn, khi kiến thức BVMT được nâng cao thì mỗi con người, tùy theo năng lực, vị trí của mình sẽ đóng góp được nhiều hơn để Việt Nam sẽ xanh, sạch, đẹp hơn.

Một khía cạnh khác cũng cần nêu lên để cùng nhau hiểu, cùng nhau hành động, đó là: môi trường không của riêng ai, suy giảm chất lượng môi trường tác động không chừa một ai khi ở cùng điều kiện môi trường, nguyên nhân xảy ra các hiện tượng môi trường đều ít nhiều, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp có trách nhiệm của từng người. Điều đó nhắc nhở mọi người cần nâng cao kiến thức môi trường, sẵn sàng tham gia công tác nhận biết, xử lý các vấn đề môi trường khi chúng xảy ra.

Hoàng Xuân Cơ

Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Bàn về công tác giáo dục môi trường trong các trường học tại Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới