Bản tin Bất động sản ngày 23/8: Bộ Xây Dựng nêu lý do giao dịch bất động sản qua sàn
Điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu đô thị Tây Hồ Tây; Chốt ngày khởi công xây dựng nhà ga hành khách sân bay Long Thành; Công ty Waterfront Đồng Nai bị xử phạt 130 triệu đồng.
Điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu đô thị Tây Hồ Tây; Chốt ngày khởi công xây dựng nhà ga hành khách sân bay Long Thành; Công ty Waterfront Đồng Nai bị xử phạt 130 triệu đồng,... đó là những thông tin về Bất động sản trong ngày 23/8 Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường tổng hợp lại trong ngày.
Bộ Xây dựng đề xuất 2 phương án giao dịch qua sàn bất động sản
Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Theo đó có 2 phương án giao dịch qua sàn bất động sản.
Phương án 1, quy định khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện các giao dịch mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng và quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản thông qua sàn giao dịch.
Quy định này đang áp dụng, khách hàng chủ động, tự chọn phương thức giao dịch mua bán.
Phương án 2, quy định bắt buộc mua bán, giao dịch bất động sản phải thực hiện qua sàn, Bộ Xây dựng cho rằng việc giao dịch bất động sản qua sàn sẽ bảo vệ lợi ích chính đáng các bên.
Bộ Xây dựng đã đánh giá rằng phương án này sẽ đảm bảo sự đồng bộ hóa của hệ thống pháp luật và hoàn thiện cơ chế phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền.
Bộ Xây dựng chỉ ra lý do nên quy định bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn. Đó là việc giao dịch qua sàn đã được thể chế hóa trong Nghị quyết 18 của Trung ương; Đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, hoàn thiện cơ chế phòng, chống rửa tiền. Giao dịch qua sàn làm minh bạch hóa thị trường; đảm bảo quyền lợi và lợi ích của người dân; công cụ để Nhà nước quản lý thị trường bất động sản.
Bộ Xây dựng cũng khẳng định, quy định bắt buộc giao dịch qua sàn không làm tăng chi phí bất hợp lý cho chủ đầu tư, giá bán bất động sản. Theo chương trình phiên họp thứ 25, chiều 24/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Chốt ngày khởi công xây dựng nhà ga hành khách sân bay Long Thành
Ngày 23/8, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, dự kiến sẽ tổ chức khởi công xây dựng công trình nhà ga hành khách và đường băng cất hạ cánh của dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 vào ngày 26/8 tới. Nhà ga hành khách trị giá trên 35.000 tỷ đồng tại sân bay Long Thành là một trong những công trình quan trọng nhất. Gói thầu này có thời gian thi công 39 tháng, được đánh giá là phức tạp và có giá trị lớn.
Nhà ga được thiết kế theo hình ảnh hoa sen, với 1 tầng trệt và 3 tầng lầu, tổng diện tích sàn là 376.451,32m2, chiều cao đỉnh mái là 45,55m, và bố trí 40 vị trí đỗ gần cho các máy bay. Ngoài ra, còn có 4 sân đỗ tàu bay và các sân đỗ phương tiện phục vụ mặt đất với diện tích khoảng 12,4 ha. Thời gian thi công của gói thầu này kéo dài tới 39 tháng.
Điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu đô thị Tây Hồ Tây
UBND TP Hà Nội vừa ban hành các quyết định phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây, tỷ lệ 1/500 tại hai lô đất có ký hiệu D1-CC1 và D1-CC3, tại phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Mục tiêu xây dựng công trình trung tâm thương mại, văn hóa tổng hợp với các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc gồm: Diện tích ô đất khoảng 12.533m2; Diện tích xây dựng khoảng 5.013m2; Mật độ xây dựng khoảng 40%; Hệ số sử dụng đất khoảng 4,8 lần; Tổng diện tích sàn xây dựng phần nổi khoảng 60.158m2; Tầng cao công trình từ 4 - 23 tầng.
UBND TP. Hà Nội giao Sở Quy hoạch- Kiến trúc kiểm tra, xác nhận hồ sơ, bản vẽ đồ án điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây, tỷ lệ 1/500 tại các lô đất D1-CC3.
Trình Thủ tướng đề án xây dựng cảng Cần Giờ gần 5,5 tỷ USD
Ngày 23/8, UBND TP HCM có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Theo đó, đề án nêu rõ định hướng nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Trong đó, quan điểm là phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đồng bộ, hiện đại, tự động hóa; hướng bền vững, sử dụng nhiên liệu sạch, bảo vệ môi trường.
Theo đề án, cảng Cần Giờ có thể tiếp nhận tàu container lớn nhất thế giới hiện nay là 250.000 DWT (tương đương 24.000 TEU), tàu trung chuyển có tải trọng từ 10.000 - 65.000 tấn và sà lan tải trọng 8.000 tấn.
Tổng mức đầu tư 'siêu cảng' này ước tính gần 129.000 tỷ đồng (tương đương gần 5,5 tỷ USD) do Tập đoàn MSC - hãng tàu container tốp đầu thế giới đề xuất đầu tư theo 7 giai đoạn (giai đoạn cuối đến năm 2047). Vị trí Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến xây dựng tại khu vực Cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, với tổng chiều dài cầu cảng chính khoảng 7km, bến sà lan khoảng 2km.
Công ty Waterfront Đồng Nai bị xử phạt 130 triệu đồng
Ngày 23-8, UBND TP.Biên Hoà xử phạt Công ty TNHH thành phố Waterfront Đồng Nai số tiền 130 triệu đồng do có hành vi vi phạm là tổ chức xây dựng hai công trình không có giấy phép xây dựng theo quy định.
Lý do xử phạt, công ty trên tổ chức xây dựng hai công trình không có giấy phép xây dựng theo quy định, gồm: Công trình trưng bày sản phẩm quy mô 2 tầng với diện tích xây dựng 469m2 (diện tích sàn xây dựng 603m2) và công trình nhà bán hàng quy mô 2 tầng với diện tích xây dựng 391m2 (diện tích sàn xây dựng 895m2).
Bên cạnh đó, UBND TP Biên Hòa yêu cầu Công ty Waterfront Đồng Nai dừng thi công công trình vi phạm. Trong thời gian 90 ngày phải hoàn thành hồ sơ đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng.
Phạm Huyền (t/h)