Thứ sáu, 04/10/2024 00:54 (GMT+7)
Thứ bảy, 07/01/2023 08:15 (GMT+7)

Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về an toàn kho chứa khí thiên nhiên hóa lỏng

Theo dõi KTMT trên

Từ 1/7/2023, mọi tổ chức, cá nhân khi tham gia các hoạt động liên quan đến yêu cầu về an toàn trong thiết kế và vận hành kho chứa khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trên bờ phải tuân thủ các quy định của Quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Công Thương ban hành.

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư 40/2022/TT-BCT về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn kho chứa khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trên bờ.

Theo đó, từ ngày 1/7/2023, mọi tổ chức, cá nhân khi tham gia các hoạt động liên quan đến yêu cầu về an toàn trong thiết kế và vận hành kho chứa LNG trên bờ phải tuân thủ các quy định của Quy chuẩn kỹ thuật này.

Quy chuẩn nêu rõ, khi lựa chọn địa điểm đặt kho chứa và bố trí mặt bằng bên trong phạm vi kho phải được dựa trên các đánh giá chi tiết nhằm xác định các mối nguy tiềm ẩn có thể ảnh hưởng tới an toàn cho con người và môi trường xung quanh kho.

Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về an toàn kho chứa khí thiên nhiên hóa lỏng - Ảnh 1
Từ 1/7/2023, mọi tổ chức, cá nhân khi tham gia các hoạt động liên quan đến yêu cầu về an toàn trong thiết kế và vận hành kho chứa LNG trên bờ phải tuân thủ các quy định của Quy chuẩn kỹ thuật.

Các mối nguy phải được đánh giá thông qua các bản đánh giá chi tiết bao gồm các biện pháp phòng tránh cũng như giảm thiểu tác động của các mối nguy này.

Khi lựa chọn địa điểm xây dựng trong giai đoạn thiết kế kho LNG trên bờ phải khảo sát đất nền bao gồm các khảo sát địa kỹ thuật và nước ngầm; Khảo sát/Đánh giá nguy cơ động đất; Khảo sát địa hình nhằm đảm bảo độ phân tán và thoát chất lỏng và chất khí khi có sự cố tràn và/hoặc rò rỉ; Nghiên cứu xác định các nguồn dòng điện rò (từ các nguồn điện cao thế xung quanh);Khảo sát môi trường biển và các hướng tiếp cận từ biển (đối với kho có hệ thống cảng biển); Khoảng cách an toàn đến các công trình lân cận có thể ảnh hưởng đến an toàn vận hành kho LNG...

Bên cạnh đó, các bồn chứa LNG có dung tích lớn hơn 0,5 m3 không được phép đặt trong tòa nhà; các bể chứa chất lỏng dễ cháy không được đặt trong khu vực ngăn tràn; các nguồn nhiệt hoặc nguồn phát tia lửa phải đặt cách khu vực ngăn tràn bồn chứa LNG và khu vực xuất/nhập LNG tối thiểu 15 m; các thiết bị hóa khí phải đặt cách nhau tối thiểu 1,5 m…

Cũng theo Quy chuẩn, mọi tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thiết kế và vận hành kho chứa LNG phải có hồ sơ thuyết minh về sự tuân thủ các quy định của Quy chuẩn kỹ thuật này.

Các dự án kho chứa LNG đã tồn tại trước ngày Quy chuẩn kỹ thuật này có hiệu lực chưa đáp ứng các quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật này, sau 3 năm kể từ ngày Quy chuẩn kỹ thuật này có hiệu lực phải thực hiện các biện pháp tăng cường, đảm bảo mức rủi ro chấp nhận được theo quy định.

Các dự án đầu tư xây dựng mới hoặc các dự án nâng cấp mở rộng, cải hoán dự án đã đầu tư xây dựng sau thời điểm Quy chuẩn kỹ thuật này có hiệu lực phải tuân thủ các quy định trong Quy chuẩn.

Được biết, trong thời gian qua, ngành công nghiệp khí và thị trường khí đã và đang khẳng định là một thành phần quan trọng của nền kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thông tin từ Bộ Công Thương cho hay, hiện nay, nhu cầu tiêu thụ khí hóa lỏng hằng năm ở Việt Nam vào khoảng 2-2,2 triệu tấn, song chủ yếu phục vụ nhu cầu dân dụng và thương mại. 

Cũng theo đánh giá của Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), hệ thống kho chứa khí với 54 kho đầu mối và tuyến sau trải dài khắp 3 miền đất nước đã bảo đảm kênh phân phối khí hóa lỏng (LPG) hoạt động trơn tru, không bị đứt gãy nguồn cung khi xảy ra các sự cố cục bộ, khách quan. Song hiện nay, khí LPG được sử dụng chủ yếu cho dân dụng, các ứng dụng từ sản phẩm LPG còn thấp. Do vậy, sản lượng tiêu thụ rất thấp, dẫn đến quy mô hệ thống kho cảng LPG chủ yếu là kho cảng nhỏ, năng lực nhập hàng hạn chế... 

Ông Nguyễn Văn Vy, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhận định, hiện công nghệ cho tìm kiếm khai thác vẫn phức tạp, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, đặc biệt sự biến động của thị trường dầu khí thế giới, chịu ảnh hưởng lớn bởi các yếu tố chính trị, cùng đó là xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu...

Do vậy, để phát triển thị trường khí, cần thúc đẩy sớm công tác đầu tư các dự án khai thác mỏ, cơ sở hạ tầng khí, nhập khẩu khí, điện khí, tái hóa khí hóa lỏng LNG để bảo đảm đáp ứng nhu cầu trong nước...

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về an toàn kho chứa khí thiên nhiên hóa lỏng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Kiến nghị chưa trình dự thảo kinh doanh xăng dầu
Nhóm thương nhân phân phối và thương nhân bán lẻ kiến nghị Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo Ban soạn thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu tạm dừng trình dự thảo để tiếp tục tổ chức lấy ý kiến doanh nghiệp và chuyên gia.

Tin mới

"Ăn rừng" từ bán tín chỉ carbon
Người xưa có câu “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, để nói về việc tàn phá rừng sẽ chịu hậu quả. Nhưng giờ đây, “ăn rừng” không còn “rưng rưng” nữa, nhờ tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng. Đó là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế xanh, bền vững.