Bài toán kinh tế cho doanh nghiệp khi tham gia thị trường các-bon
Dù khá mới mẻ tại Việt Nam nhưng trên thế giới, thị trường các-bon đã vận hành ở nhiều quốc gia, khu vực và đóng góp tích cực vào quá trình giảm phát thải khí nhà kính.
Dù khá mới mẻ tại Việt Nam nhưng trên thế giới, thị trường các-bon đã vận hành ở nhiều quốc gia, khu vực và đóng góp tích cực vào quá trình giảm phát thải khí nhà kính. Đối với doanh nghiệp, đây là áp lực buộc phải đầu tư giảm phát thải hay cơ hội để từng bước giảm nhẹ gánh nặng tài chính trong quá trình hướng đến sản xuất xanh, phát thải thấp?
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo TN&MT đã phỏng vấn TS Trương An Hà, chuyên gia về định giá các-bon thuộc Tổ chức Tổ chức Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE).
PV: Hiện nay tồn tại cả thị trường các-bon bắt buộc và thị trường các-bon tự nguyện. Vậy các doanh nghiệp cần chú ý điều gì khi tham gia hai loại thị trường này, thưa bà?
TS. Trương An Hà: Thị trường các-bon bắt buộc có thể hiểu là thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính (KNK) do Nhà nước quản lý. Chính phủ đặt ra mức trần phát thải chung cho quốc gia và sau đó phân bổ xuống đến từng cơ sở tham gia thị trường. Các cơ sở phải tuân thủ hạn ngạch được cấp bằng cách đầu tư vào các biện pháp giảm phát thải hoặc mua hạn ngạch từ cơ sở khác hay tín chỉ carbon thông qua thị trường các-bon. Nếu các cơ sở không tuân thủ sẽ phải chịu mức phạt trên mỗi tấn CO2 tương đương phát thải vượt hạn ngạch.
Theo thời gian, lượng hạn ngạch được phân bổ cho các cơ sở sẽ ngày càng giảm dần theo lộ trình giảm phát thải chung quốc gia. Điều đó có nghĩa là nguồn cung hạn ngạch sẽ ngày càng giảm dần, giá sẽ tăng lên. Bài toán kinh tế đặt ra cho doanh nghiệp ở đây là làm sao đáp ứng yêu cầu về hạn ngạch với chi phí thấp nhất. Việc để từng doanh nghiệp tự lựa chọn giải pháp phù hợp sẽ giúp tối ưu hóa chi phí giảm phát thải cho cả hệ thống. Đây cũng là mục tiêu của việc xây dựng và vận hành thị trường các-bon.
Song song với thị trường các-bon bắt buộc, thị trường tự nguyện được hình thành dựa trên nhu cầu bù trừ các-bon tự nguyện của các tổ chức và cá nhân. “Hàng hóa” trên thị trường tự nguyện là tín chỉ các-bon hình thành từ các chương trình, dự án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (chẳng hạn như trồng rừng) và tạo tín chỉ theo phương pháp luận được quốc tế hoặc quốc gia sở tại công nhận. Các phương pháp phổ biến nhất hiện nay là bộ Tiêu chuẩn các-bon được thẩm định (Verified Carbon Standard - VCS) và Tiêu chuẩn vàng (Gold Standard – GS). Bên mua trong thị trường các-bon quốc tế tự nguyện là các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp muốn thể hiện trách nhiệm xã hội và xây dựng hình ảnhvề phát triển bền vững. Việc mua tín chỉ tự nguyện đồng nghĩa với đóng góp cho các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, giảm tác động của biến đổi khí hậu và mục tiêu giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1.5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.
PV: Nếu cùng là hàng hóa các-bon, liệu doanh nghiệp có thể dùng tín chỉ các-bon để bù đắp cho lượng phát thải khí nhà kính vượt hạn ngạch hay không, thưa bà?
TS. Trương An Hà: Điều này phụ thuộc vào quy định ở mỗi thị trường nhưng nhìn chung, việc đưa tín chỉ các-bon vào thị trường bắt buộc rất hạn chế. Ví dụ, thị trường trao đổi hạn ngạch ETS của châu Âu trong giai đoạn 2008 – 2020 cho phép các doanh nghiệp tham gia thị trường mua tín chỉ từ Cơ chế phát triển sạch (CDM) hoặc Cơ chế Đồng thực hiện (JI) để tuân thủ hạn ngạch. Tuy nhiên, nguồn cung tín chỉ ngày càng nhiều khiến giá bán tín chỉ giảm mạnh, ảnh hưởng tới động lực đầu tư vào công nghệ giảm phát thải của doanh nghiệp. Do vậy, EU đã điều chỉnh bỏ quy định này trong giai đoạn 4 của thị trường (2021 – 2030). Doanh nghiệp vẫn có thể mua tín chỉ để đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải chung nhưng không thể dùng để bù đắp cho hạn ngạch phát thải.
Tại Việt Nam, Điều 19 Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định, các cơ sở có thể sử dụng tín chỉ các-bon từ các dự án thuộc các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon để bù cho lượng phát thải khí nhà kính vượt quá hạn ngạch phát thải. Tuy nhiên, số lượng tín chỉ không được vượt quá 10% tổng số hạn ngạch được phân bổ.
Việc hình thành thị trường các-bon trong nước sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp hướng đến sản xuất xanh, phát thải thấp. Thị trường các-bon tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động lựa chọn phương án phù hợp với điều kiện, tình hình sản xuất kinh doanh của mình. Chẳng hạn đối với các doanh nghiệp có tiềm năng giảm phát thải lớn với chi phí thấp có thể lập tức đầu tư chuyển đổi công nghệ giảm phát thải, và từ đó có thể tăng thêm nguồn thu từ việc bán hạn ngạch dư thừa. Ngược lại, các doanh nghiệp cần chi phí lớn hơn để giảm phát thải thì có thể mua hạn ngạch từ những đơn vị khác dư thừa hạn ngạch. Doanh nghiệp cũng sẽ có thêm thời gian để nghiên cứu, đầu tư triển khai những giải pháp giảm phát thải phù hợp nhất.
PV: Những yếu tố nào giúp thị trường bắt buộc vừa đạt hiệu quả về mặt chi phí cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo mục tiêu giảm phát thải, thưa bà?
TS. Trương An Hà: Việc thiết lập thị trường các-bon cần xác định và cụ thể hoá các yếu tố cơ bản như phạm vi thị trường, xác định hạn mức phát thải, cơ chế phân bổ hạn ngạch, cơ chế giao dịch, cơ sở hạ tầng cho giao dịch hạn ngạch và tín chỉ, tập huấn nhân sự vận hành và tham gia thị trường, xây dựng hệ thống đo đạc, thẩm định và báo cáo (MRV), thiết lập chế tài xử phạt khi không tuân thủ hạn ngạch, cơ chế bình ổn thị trường và cơ chế sử dụng doanh thu từ thị trường… Trong đó có hai yếu tố quan trọng cần được cụ thể hóa đó là xác định mức trần phát thải và cơ chế phân bổ hạn ngạch.
Mức trần phát thải thường được xây dựng dựa trên cam kết hay quyết tâm chính trị của quốc gia trong việc giảm phát thải, đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu bảo vệ khí hậu và phát triển kinh tế. Việt Nam đã đưa ra các mục tiêu giảm phát thải trong Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) và phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050, gửi đến Liên hợp quốc. Đây sẽ là những căn cứ để thiết lập hạn mức phát thải của quốc gia và từ đó phân bổ hạn ngạch đến các cơ sở phát thải trong thời gian tới.
Về cơ chế để phân bổ hạn ngạch, trong thị trường có nhiều bên với nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, cơ quan quản lý cần xây dựng các quy định để đảm bảo công bằng giữa các thành phần tham gia. Nhiều nước dựa trên cường độ phát thải trên 1 tấn sản phẩm, hoặc dựa vào lịch sử phát thải để phân bổ hạn ngạch. Các quốc gia có thể dựa vào hướng dẫn của Công ước khung của Liên hợp quốc để xây dựng cách thức phân bổ hạn ngạch phát thải phù hợp, sát với thực tiễn trong nước nhất, đảm bảo khi thị trường vận hành sẽ đem lại hiệu quả cao nhất. Trong mọi trường hợp, việc có một cơ sở dữ liệu phát thải đáng tin cậy và cập nhật là yếu tố tiên quyết.
Ngoài ra, về phạm vi thị trường, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, rất khó để tất cả doanh nghiệp tham gia thị trường các-bon bởi những doanh nghiệp nhỏ khó “gánh” chi phí đo đạc, thẩm định cao. Bởi vậy, các quốc gia thường bao gồm các cơ sở phát thải lớn trong thị trường bắt buộc và áp dụng công cụ thuế các-bon với những cơ sở phát thải thấp hoặc khó đo đạc, kiểm kê phát thải.
PV: Còn khoảng 5 năm nữa thị trường các-bon bắt buộc của Việt Nam mới chính thức vận hành. Theo quan điểm của bà, doanh nghiệp có nên đầu tư vào các hoạt động tạo tín chỉ các-bon để tham gia thị trường quốc tế hay không, thưa bà?
TS. Trương An Hà: Thị trường tín chỉ các-bon tự nguyện tăng trưởng nhanh vì trong xu thế phát triển xanh, rất nhiều tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp muốn thực hiện trách nhiệm xã hội, đặc biệt là những tập đoàn đa quốc gia hay những công ty không trực tiếp sản xuất, thậm chí là các tổ chức, cá nhân vì mục đích thiện nguyện. Họ muốn tài trợ cho các dự án xanh của cộng đồng trên toàn thế giới.
Tuy là thị trường tự nguyện nhưng các cơ chế tín chỉ lại có quy định và yêu cầu nghiêm ngặt trong công nhận, phương pháp kế toán hợp lý và kiểm toán độc lập minh bạch và hệ thống dữ liệu theo dõi các dự án chặt chẽ. Các cơ chế quốc tế hiện nay nhấn mạnh đến tính “bổ sung”, có nghĩa là chỉ hỗ trợ những dự án giảm phát thải mà nếu như không có thêm nguồn thu từ việc bán tín chỉ các-bon thì sẽ không thể thực hiện được. Các bên cấp tín chỉ cũng ưu tiên những quốc gia kém phát triển, thực sự gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn đầu tư các dự án giảm phát thải. Ví dụ, VCS và GS hiện chỉ cấp tín chỉ các-bon cho các dự án NLTT tại các quốc gia kém phát triển (Least Developed Countries).
Theo tôi, tín chỉ cacbon sẽ là khoản thu nhập tăng thêm nếu doanh nghiệp có thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của bên phát hành tín chỉ. Ngoài việc có thể giao dịch trên thị trường các-bon tự nguyện, thị trường trong nước cũng vẫn có dung lượng cho tín chỉ các-bon. Bởi vậy, việc đầu tư vào các giải pháp giảm phát thải tạo động lực để doanh nghiệp xây dựng được chiến lược kinh doanh phù hợp với xu hướng phát triển của thế giời và từ đó mang lại lợi ích cho doanh nghiệp cả trong lâu hạn.
PV: Trân trọng cảm ơn TS. Trương An Hà!
Khánh Ly (thực hiện)