Thứ bảy, 21/12/2024 19:18 (GMT+7)
Thứ năm, 29/12/2022 10:02 (GMT+7)

Bãi mỏ than Nhiệt điện Na Dương – TKV khiến người dân không thể canh tác lúa

Theo dõi KTMT trên

Bãi thải mỏ than Na Dương (thuộc Công ty Nhiệt điện Na Dương – TKV) sạt lở khiến cho một số diện tích đất trồng lúa của người dân khu Nà Lạn không thể canh tác.

Hiện cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn đang tiếp tục khảo sát khu 1 + 2 thị trấn Na Dương để đánh giá bãi tro xỉ Nhiệt điện Na Dương tác động tới môi trường, người dân.

Người dân nhiều lần phản ánh

Công ty Nhiệt điện Na Dương thuộc Tổng Công ty Điện lực TKV (Nhiệt điện Na Dương – TKV) có công suất 110MW, bao gồm 2 tổ máy, 2 lò hơi, hoạt động nhiều năm tại thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Đơn vị được đánh giá luôn chú trọng bảo vệ môi trường. Theo thông tin tại hội nghị kiểm điểm, đánh giá chất lượng tập thể, cá nhân cán bộ quản lý hồi giữa tháng 12/2022, Nhiệt điện Na Dương sản xuất điện đạt 100,23% kế hoạch, doanh thu sản xuất điện đạt 114,6% kế hoạch, tiền lương bình quân người lao động bình quân đạt 15 triệu đồng/người/tháng… Trong năm 2022 có 1 lãnh đạo Nhiệt điện Na Dương – TKV hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và 6 lãnh đạo quản lý hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Mặc dù vậy, trong năm 2022, Nhiệt điện Na Dương bị nhiều người dân trong khu vực phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sinh hoạt, canh tác đất trồng lúa của người dân trong khu vực. Tháng 8/2022, Sở TN&MT tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp cùng với một số cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, khảo sát thực tế và có báo cáo gửi UBND tỉnh, kiến nghị xử lý.

Bãi mỏ than Nhiệt điện Na Dương – TKV khiến người dân không thể canh tác lúa - Ảnh 1
Nhiệt điện Na Dương - TKV tại thị trấn Na Dương (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2022 nhưng lại  bị nhiều người dân phản ánh dấu hiệu tác động xấu tới môi trường.

Theo nhiều chuyên gia y tế, lưu huỳnh (S) ở nồng độ thấp không ảnh hưởng đến người sử dụng, nhưng khi lạm dụng quá nhiều, nó có thể gây hại cho con người. Ở điều kiện bình thường, lưu huỳnh ở thể rắn, nhưng khi đốt cháy nó tạo ra lưu huỳnh đioxit (SO2) và các hạt mịn bay vào không khí.

Khí SO2 xâm nhập vào cơ thể, ngấm vào máu sẽ tác động đến hệ thần kinh của con người. Phản ứng não bộ sẽ cảm thấy đau nhức đầu. Nếu không may hít phải có thể gây rối loạn chuyển hoá đường và protein, thiếu vitamin B, C, làm giảm oxy của hồng cầu khiến mũi bị ngạt và tắc nghẽn đường hô hấp.

Việc đốt lưu huỳnh ở nhiệt độ cao gây ô nhiễm không khí, kéo theo những hậu quả rất nghiêm trọng về môi trường như biến đổi khí hậu, mưa axit, hiệu ứng nhà kính,...

Tại báo cáo số 444/BC-STMT ngày 31/8/2022 do Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lạng Sơn – Nguyễn Hữu Trực ký, nêu rõ Nhiệt điện Na Dương – TKV sử dụng nguyên liệu đốt là loại than nâu ngọn lửa dài, đây là loại than đặc chủng, hàm lượng lưu huỳnh cao.

Trong quá trình vận hành nhà máy, người dân thấy Nhiệt điện Na Dương – TKV gây tiếng ồn, bụi bám vào quần áo, gây ho, mất ngủ về đêm. Dù hiện tượng này diễn ra nhưng người dân trên địa bàn thị trấn Na Dương không nhận được phản hồi từ Nhiệt điện Na Dương – TKV. Mà theo lý giải của đại diện đơn vị thì vấn đề này đến từ khả năng lò bị lỗi khi bắt đầu khởi động nên không kịp báo tới người dân.

Tại bãi mỏ than Na Dương có xây tường bao, đê chắn ngăn chặn nước rỉ than ra ngoài môi trường. Nhưng theo kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng, khu vực bãi mỏ than Na Dương nằm ở khu Nà Lạn xuất hiện tình trạng sạt lở khiến cho một số diện tích đất trồng lúa của người dân không thể canh tác. Phía đại diện Nhiệt điện Na Dương – TKV trong buổi làm việc cũng ghi nhận vấn đề này.

Trước đó vào năm 2019, UBND thị trấn Na Dương cũng nhận được phản ánh của người dân về việc nước xít than từ bãi tro xỉ Nhiệt điện Na Dương – TKV ngấm ra 10ha đất trồng lúa. Đến năm 2021, người dân canh tác lúa trên phần diện tích này chỉ thu về được khoảng hơn 2 thúng thóc. Sau đó, Nhiệt điện Na Dương – TKV đã phải khắc phục cho người dân với số tiền 5 triệu đồng.

Cũng trong năm 2021, có một số ý kiến người dân phản ánh tới cơ quan chức năng thị trấn Na Dương về việc nhà máy Nhiệt điện Na Dương – TKV có các xe vận chuyển xỉ gây rơi vãi dọc đường, gây ồn và có thời điểm có khói màu nâu đỏ xả ra qua ống khói gây ảnh hưởng tới môi trường. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương đã có yêu cầu phía nhà máy quan tâm xử lý chất thải theo đúng quy định.

Trong báo cáo gửi UBND tỉnh, Sở TN&MT tỉnh Lạng Sơn cho rằng, khói bụi, tro xỉ từ Nhà máy nhiệt điện Na Dương là vấn đề cần đặc biệt lưu ý do có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ nhân dân. Sở TN&MT tỉnh Lạng Sơn đề nghị UBND thị trấn Na Dương cần quan tâm, tổng hợp các ý kiến phản ánh của người dân về vấn đề này và hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục cần thiết trong việc khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe để đảm bảo quyền lợi cho nhân dân. Đồng thời cũng là cơ sở để theo dõi, chẩn đoán và đánh giá đúng các nguyên nhân gây ra ảnh hưởng sức khỏe. 

Kiểm tra dấu hiệu sử dụng đất sai mục đích

Theo hồ sơ, dự án đầu tư xây dựng bãi tro xỉ Nhiệt điện Na Dương – TKV được UBND tỉnh Lạng Sơn chấp thuận tại Công văn số 261/UBND-KTN ngày 8/4/2010; Quyết định số 776/QĐ-UBND ngày 28/5/2010 về việc phê duyệt quy hoạch đổ thải, thoát nước tỉ lệ 1/200 bãi thải xỉ nhà máy Nhiệt điện Na Dương – TKV với diện với diện tích 162ha.

Bãi mỏ than Nhiệt điện Na Dương – TKV khiến người dân không thể canh tác lúa - Ảnh 2

Toàn cảnh Nhiệt điện Na Dương - TKV và khu vực chứa tro xỉ của nhà máy nhìn từ trên cao.

Đến ngày 19/6/2013, Tổng Công ty Điện lực – Vinacomin (sau đổi tên thành Tổng Công ty Điện lực TKV – CTCP) có quyết định phê duyệt dự án đầu tư và đấu thâif dự án bãi thải tro xỉ Nhà máy Nhiệt điện Na Dương giai đoạn 2013 – 2015 với diện tích gần 58ha, công suất thiết kế là 1,705 triệu m3 xỉ, đến năm 2020 là 4,547 triệu tấn xỉ. Nguồn gốc khu đất diện tích gần 58ha thực hiện dự án là đất của các hộ gia đình.

Sau đó, Nhiệt điện Na Dương – TKV có đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn cho thuê diện tích gần 58ha để hoạt thiện các thủ tục thanh quyết toán dự án và xây dựng công trình phụ. Tuy nhiên, do diện tích đổ thải 2 năm sản xuất trung bình của nhà máy chỉ khoảng 10ha nên đề nghị của Nhiệt điện Na Dương – TKV không được chấp thuận do chưa đảm bảo phù hợp với Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 2/6/2020, UBND tỉnh Lạng Sơn có Quyết định số 1012/QĐ-UBND, chỉ cho Nhiệt điện Na Dương - TKV thuê 9,64ha trên diện tích gần 58ha để sử dụng vào mục đích bãi thải tro xỉ.

Tuy nhiên, Nhiệt điện Na Dương – TKV đã thực hiện xây dựng công trình phụ trợ trên diện tích 13ha. Mặc dù diện tích này phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt và quy hoạch đổ thải, thoát nước tỉ lệ 1/2000 bãi thải xỉ nhà máy tại Quyết định số 776/QĐ-UBND ngày 28/5/2010 nhưng lại không nằm trong diện tích đổ thải 9,64ha mà Nhiệt điện Na Dương – TKV đã được UBND tỉnh Lạng Sơn cho thuê hồi tháng 6/2020.

Nhiệt điện Na Dương – TKV đã làm hồ sơ xin thuê đất để phù hợp với diện tích 13ha xây dựng hệ thống xử lý môi trường nhưng ngày 12/8/2022 Sở TN&MT tỉnh Lạng Sơn đã thẩm định và ra thông báo, nội dung cho thấy hồ sơ của Nhiệt điện Na Dương – TKV chưa đủ điều kiện trình UBND tỉnh Lạng Sơn xem xét quyết định cho thuê đất.

Phía UBND huyện Lộc Bình cũng cho biết, phần diện tích đất 13ha mà Nhiệt điện Na Dương – TKV bị phản ánh có dấu hiệu sai phạm chưa nằm trong quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của huyện. Đến tháng 8/2022, Nhiệt điện Na Dương – TKV chưa được UBND tỉnh Lạng Sơn cho thuê đất. Đối với các hạng mục công trình phụ trợ trên đất, Nhiệt điện Na Dương – TKV giải trình nhằm điều tiết nước và chống trôi sạt tro, xỉ bảo vệ môi trường.

Liên quan đến vấn đề này, Sở TN&MT tỉnh Lạng Sơn kiến nghị UBND tỉnh giao các cơ quan chuyên môn thu thập thông tin, làm rõ vấn đề đất đai đối với diện tích đất 13ha đã được phản ánh để có cơ sở thông tin.

UBND huyện Lộc Bình kiểm tra việc sử dụng đất của Nhiệt điện Na Dương – TKV đối với phần diện tích UBND huyện Lộc Bình bàn giao cho doanh nghiệp quản lý, trường hợp Nhiệt điện Na Dương – TKV sử dụng đất sai mục đích thì lập hồ sơ xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Trước những vấn đề tại Nhiệt điện Na Dương – TKV, Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục liên hệ với Tổng Công ty Điện lực TKV, các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn để thông tin tới bạn đọc.

Ngày 22/12/2022, thông tin với Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, ông Phạm Đức Tuyên - Phó giám đốc Công ty Nhiệt điện Na Dương – TKV phủ nhận thông tin tro xỉ thải của Nhà máy gây ô nhiễm môi trường như người dân phản ánh. Hiện tại Nhà máy đang vướng chỗ cấp phép đất đổ tro xỉ thải thì đơn vị đang thực hiện các thủ tục để được cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn phê duyệt, đảm bảo các vấn đề về môi trường theo quy định của pháp luật.

Về vấn đề Nhà máy nhiệt điện Na Dương đổ xỉ thải tại khu vực đất chưa được cấp phép, ông Tuyên giải thích đây là bãi chứa thải lâu đời của mỏ than nên cùng nhau đổ. Đến năm 2010 thì bãi này bị hết thì Nhà máy làm một dự án khác để chứa tro xỉ thải.

Linh Phạm

Bạn đang đọc bài viết Bãi mỏ than Nhiệt điện Na Dương – TKV khiến người dân không thể canh tác lúa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bộ Công Thương đề xuất chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu
Dự án đầu tư phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu là dự án năng lượng tái tạo thuộc danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư, được hưởng các cơ chế ưu đãi về thuế theo quy định pháp luật.