Bài 3: LEZ: Biện pháp mạnh mẽ thúc đẩy giao thông đô thị bền vững
Khu vực phát thải thấp (LEZ) đã được triển khai tại nhiều thành phố trên thế giới như một biện pháp mạnh mẽ để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí, thúc đẩy giao thông đô thị bền vững.
Giải pháp hữu hiệu để giảm ô nhiễm không khí
Về định nghĩa, LEZ là khu vực đô thị được chỉ định hạn chế quyền tiếp cận của các phương tiện gây ô nhiễm nhất nhằm cải thiện chất lượng không khí, và thúc đẩy giao thông đô thị bền vững. Được giới thiệu vào cuối những năm 1990, LEZ được áp dụng rộng rãi, đặc biệt là ở châu Âu, khi các thành phố phải đối mặt với mức độ ô nhiễm ngày càng gia tăng và những thách thức về sức khỏe cộng đồng liên quan đến chất lượng không khí kém. Đến năm 2025, số lượng LEZ đang hoạt động ở châu Âu dự kiến sẽ đạt hơn 500.
Thông thường, quy định hạn chế tiếp cận áp dụng cho những phương tiện không đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải cụ thể, chẳng hạn như tiêu chuẩn khí thải Euro ở châu Âu. Ví dụ, tại một số LEZ, chỉ những phương tiện tuân thủ các tiêu chuẩn Euro 4 trở lên mới được phép vào, trong khi những phương tiện cũ hơn, gây ô nhiễm nhiều hơn bị cấm vào. Ngoài lệnh cấm vào, một số LEZ còn áp dụng phí đối với những phương tiện có lượng khí thải cao hơn, tạo ra động lực tài chính để người lái xe chuyển sang các phương án thay thế sạch hơn.
Các vùng môi trường (environmental zones) bắt đầu ở Thụy Điển vào năm 1996 có thể được coi là chương trình LEZ đầu tiên trên thế giới. Theo sau Thụy Điển, các khu vực phát thải thấp đã được triển khai tại một số thành phố ở Đức, Hà Lan, bắc Italy, cũng như London trong năm 2007-2008. Kể từ đó, số lượng LEZ không ngừng tăng lên và hiện chúng tồn tại ở nhiều nước EU.
Cho đến nay, LEZ đã được triển khai tại 320 thành phố của châu Âu, tăng 40% kể từ năm 2019 và con số này dự kiến sẽ tăng hơn một nửa lên 507 vào năm 2025.
LEZ lớn nhất thế giới hiện tại chính là London. LEZ bắt đầu được hình thành ở đây từ năm 2008. London là 1 trong những thành phố có mức độ ô nhiễm không khí thuộc hàng tồi tệ nhất ở châu Âu và lượng khí thải liên quan đến giao thông đường bộ chiếm khoảng một nửa tổng lượng khí thải PM10 và NOx ở thành phố. Do đó, London xây dựng LEZ như nhắm mục tiêu tới giảm sự phát thải các chất ô nhiễm này từ xe tải với động diesiessel cũ, xe buýt, xe khách, xe tải, xe buýt nhỏ và các loại xe hạng nặng khác có nguồn gốc từ xe tải.
Kể từ năm 2024, các tài xế điều khiển xe chạy động cơ xăng và diesel có mức phát thải cao tại London có thể sẽ phải trả phí khi di chuyển trên toàn thành phố. Đây là đề xuất mới được thành phố đưa ra nhằm cắt giảm 27% lưu lượng ô tô, hướng tới cải thiện chất lượng không khí và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2030.
Một thành phố khác của Anh là Glasgow đã thực hiện LEZ vào cuối năm 2018. Ban đầu, chỉ có xe buýt địa phương ở trung tâm thành phố bị ảnh hưởng. Hội đồng thành phố sau đó đã mở rộng các hạn chế đối với tất cả các loại xe, bao gồm cả xe chạy xăng và diesel cũ hơn, kể từ tháng 12 năm 2022.
Tại Trung Quốc, Bắc Kinh là thành phố tiên phong với lệnh cấm xe máy toàn diện từ năm 1985, và đến năm 2020 khoảng 185 thành phố tại Trung Quốc đã thực hiện lệnh cấm xe máy. Tại Quảng Châu, lệnh cấm được thực hiện theo từng giai đoạn, từ việc hạn chế xe máy không đăng ký lưu thông vào ban ngày cho đến việc cấm hoàn toàn. Chính quyền thành phố cũng hỗ trợ tài chính cho người dân khi giao nộp xe máy, tiêu hủy xe cũ không đạt tiêu chuẩn khí thải, chi 70 tỷ nhân dân tệ trong 5 năm để mở rộng hệ thống giao thông công cộng, bao gồm xe buýt mini và tàu điện ngầm. Đồng thời, các hội chợ việc làm được tổ chức để hỗ trợ những người bị mất việc do lệnh cấm.
Hay như Jakarta, thủ đô (cũ) của Indonesia đã bắt đầu triển khai lệnh cấm xe máy từ năm 2014, theo lộ trình cụ thể. Từ tháng 12/2014 đến tháng 1/2015, chính quyền thành phố thí điểm cấm xe máy trên một số tuyến đường chính để người dân làm quen. Sau đó, lệnh cấm được mở rộng dần ra các khu vực trung tâm, đặc biệt là những nơi có hệ thống giao thông công cộng phát triển. Cùng với đó, phát triển hệ thống xe buýt, kéo dài thời gian hoạt động và bổ sung thêm phương tiện mới.
Việc mở rộng LEZ đã giúp nhiều thành phố lớn trên thế giới cải thiện được đáng kể chất lượng không khí vốn đã tồi tệ trong quá trình phát triển đô thị hóa, từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp, tim mạch của người dân trong vùng.
Những lợi ích của mô hình vùng phát thải thấp không chỉ dừng lại ở giảm thiểu ô nhiễm. Một báo cáo gần đây của các nhà khoa học Nhật Bản và Australia kết luận việc triển khai LEZ sớm gián tiếp đóng vai trò lớn tới sức khỏe của trẻ sơ sinh tại vùng Thủ đô Tokyo.
Một nhóm nghiên cứu từ Đại học Hoàng gia London đã phân tích các nghiên cứu sức khỏe có sẵn được tiến hành tại hơn 320 khu vực phát thải thấp trên khắp châu Âu và kết luận rằng đã có sự giảm thiểu về tỷ lệ mắc các bệnh liên quan đến hô hấp ở những khu vực đó.
Khi công bố những phát hiện của mình trên tạp chí The Lancet, nhóm nghiên cứu kết luận rằng, có "những lợi ích sức khỏe đáng chú ý từ các chương trình hạn chế phương tiện cá nhân trong thành phố". Họ cho biết thêm rằng ngoài việc giảm thiểu tác hại liên quan đến ô nhiễm, việc có ít xe hơn trong thành phố cũng làm giảm số ca tử vong do tai nạn giao thông.
Theo nhóm nghiên cứu, một trong những lợi ích sức khỏe lớn nhất từ các khu vực không khí sạch là giảm bệnh tim và tuần hoàn kèm theo ít cơn đau tim và đột quỵ hơn. Các vấn đề về huyết áp cũng giảm, với lợi ích lớn nhất cho người lớn tuổi.
Rosemary Chamberlain, thành viên nhóm nghiên cứu, chia sẻ với The Guardian rằng: "Bài đánh giá này cho thấy LEZ có khả năng cải thiện kết quả sức khỏe liên quan đến ô nhiễm không khí, bằng chứng nhất quán nhất đối với bệnh tim mạch, chẳng hạn như bệnh tim và đột quỵ" .
Mặc dù kết quả của các cuộc khảo sát đưa vào nghiên cứu có sự khác nhau, nhưng không có cuộc khảo sát nào cho thấy sức khỏe cộng đồng ở các khu vực có không khí trong lành bị suy giảm, các tác giả của báo cáo lưu ý.
Một nghiên cứu từ Khoa Kinh tế tại Đại học Bath (Anh) cũng chỉ ra rằng, việc áp dụng LEZ đã giúp giảm 13% lượng bụi mịn (PM10) ở London trong giai đoạn 2008-2013, so với mức trước khi áp dụng LEZ (2003-2007).
Không khí trong lành hơn trong thành phố do LEZ mang lại đã góp phần làm giảm 4,5% các vấn đề sức khỏe lâu dài và giảm 8% các vấn đề về hô hấp như hen suyễn và viêm phế quản. Hơn nữa, báo cáo kết luận rằng LEZ và ULEZ đã giúp tạo ra khoản tiết kiệm chi phí hơn 963 triệu bảng Anh ở Greater London.
Đáng chú ý, phân tích cho thấy, LEZ đã giúp giảm số ca nhập viện do các bệnh về đường hô hấp như COPD, tránh được 12 ca nhập viện do bệnh hô hấp và 2,88 ca nhập viện do bệnh hô hấp cấp tính trên 10.000 người ở khu vực London so với các khu vực khác ở Anh.
Còn Giáo sư Jill Belch OBE, chuyên gia về y học mạch máu tại Đại học Dundee, cho biết lợi ích sức khỏe của LEZ sẽ được nhìn thấy chỉ trong vòng hai năm.
Thúc đẩy giao thông đô thị bền vững
Các khu vực phát thải thấp cũng mang đến cơ hội cho các thành phố đạt được một loạt mục tiêu rộng hơn ngoài việc cải thiện chất lượng không khí, chẳng hạn như cải thiện khả năng tiếp cận, an toàn và công bằng, nếu LEZ được thiết kế tốt. LEZ cũng có thể xây dựng trên các dự án hiện có và thúc đẩy các nỗ lực mới để triển khai cơ sở hạ tầng đi bộ, đi xe đạp và quá cảnh chất lượng cao hơn, sử dụng đất đai nhỏ gọn và điện khí hóa phương tiện.
Về thực tiễn, các thành phố trên thế giới đã áp dụng LEZ và có được hiệu quả đáng ghi nhận.
Cụ thể, tại Nga, chính quyền Mátxcơva đã phê duyệt chương trình "Phát triển hệ thống giao thông". Cùng với chính sách môi trường của thành phố, mục tiêu của chương trình bao gồm: Tăng cường vận chuyển hành khách bằng phương tiện công cộng; Rút ngắn khoảng cách giao thông cho giao thông công cộng; Tăng cường tính bền vững môi trường của giao thông công cộng; Tối ưu hóa hệ thống đỗ xe tính phí ở trung tâm thành phố và các khu vực có mật độ giao thông cao; Giảm số lượng chuyến đi bằng ô tô đến trung tâm thành phố…
Kết quả quan trọng của Chương trình là giảm ô nhiễm thông qua nâng cấp phương tiện giao thông. Hiệu quả môi trường tổng thể của các biện pháp nhằm xanh hóa hệ thống giao thông được đánh giá bằng dữ liệu giám sát môi trường của Mátxcơva. Nồng độ các chất ô nhiễm gần đường cao tốc năm 2022 giảm 3,8 lần so với năm 2011 (các-bon monoxide, nitơ oxit, sulfur dioxide). Nitơ dioxide vẫn ở mức tương tự và nồng độ hạt bụi giảm 1,5 lần đối với PM2.5 và 1,4 lần đối với PM10 so với mức năm 2014. Trong 10 năm qua, việc đổi mới phương tiện vận tải TP và chuyển đổi sang xe buýt điện đã giúp giảm lượng khí thải CO2 xuống 130.000 tấn. Từ năm 2010 đến năm 2022, tỷ lệ ô tô đáp ứng các yêu cầu về môi trường Euro 4, Euro 5 và Euro 6 ở Mátxcơva đã tăng từ 30% lên 75%. Bên cạnh đó, sự phát triển hệ thống giao thông điện có tiềm năng đáng kể trong việc giảm phát thải các chất ô nhiễm chính từ giao thông đường bộ ở Mátxcơva. Hiện nay, hơn 50% các chuyến đi của hành khách trong TP được thực hiện bằng phương tiện điện, trong khi tỷ lệ sử dụng ô tô điện cá nhân còn thấp. Dịch vụ cho thuê xe đạp và xe máy điện ngắn hạn của thành phố đang tích cực phát triển.
Đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, xem xét và tôn trọng trong quá trình điều chỉnh mọi quyền lợi và nhu cầu của cộng đồng dân cư tại địa phương là tiêu chí và nguyên tắc mà các thành phố hướng tới khi áp dụng mô hình LEZ.
Ngoài việc bổ sung cho các chính sách trước đây, tại London, chính sách về vùng phát thải thấp (ULEZ) ngày càng mở rộng hơn, toàn diện hơn. Các biện pháp này bao gồm nâng cấp đội xe buýt công cộng, sử dụng taxi điện, ô tô điện, xe điện các loại, xây dựng cơ sở hạ tầng dành cho người đi xe đạp, mở cách làn đường ưu tiên cho người đi bộ và đóng cửa đường trong thời gian đón và trả học sinh. Kết quả là 3,2 triệu cư dân London được sống trong không khí sạch hơn, sử dụng xe công cộng chất lượng cao hơn và làn đường để di chuyển bằng xe đạp hay đi bộ. Số trường học phải đối mặt với ô nhiễm ở mức độ không an toàn đã giảm từ 455 vào năm 2016 xuống còn 14 vào năm 2019 đồng thời không gian riêng để đi xe đạp đã tăng gần gấp ba lần. Một nghiên cứu được thực hiện 10 tháng sau khi giới thiệu ULEZ cho thấy chỉ còn 49% phương tiện gây ô nhiễm tương đương với 44.100 phương tiện, được sử dụng trong trung tâm London mỗi ngày. Điều đó dẫn đến giảm khi lượng khí thải CO2 từ vận tải đường bộ là 6% và nồng độ NO2 là 44%.
Tại Thụy Điển, sự đổi mới đô thị cũng đang tạo ra làn sóng ở các vùng khác của đất nước này. Tại Karlshamn ở phía nam, thành phố hiện sử dụng xe đạp điện chở hàng cho một số chuyến hàng thay vì xe tải. Đó là một giải pháp mang lại lợi ích gấp đôi: thân thiện với môi trường hơn và an toàn hơn cho học sinh và người dân sống trong khu vực.
Ở Stockholm có khoảng 850.000 người sử dụng phương tiện giao thông công cộng vào một ngày bình thường. Toàn bộ hệ thống ngầm chạy bằng điện xanh và kể từ năm 2017, tất cả xe buýt đều chạy bằng nhiên liệu tái tạo, đây thực sự là mục tiêu cho năm 2025.
Có một số bài học kinh nghiệm có thể rút ra từ các LEZ đã đi vào hoạt động tại các thành phố châu Âu cũng như trên khắp thế giới trong những năm gần đây. Các LEZ có tiềm năng tạo ra doanh thu cho thành phố, tuy nhiên việc tạo ra doanh thu không nên là mục tiêu chính của LEZ và dữ liệu công khai về doanh thu từ các khu vực như vậy vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, bất kỳ khoản doanh thu nào cũng có thể được đầu tư để nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông công cộng, đi xe đạp và đi bộ bên ngoài khu vực, để đảm bảo khả năng di chuyển tốt hơn cho các cộng đồng thu nhập thấp và vùng ngoại vi. Nếu LEZ đủ lớn (tức là người lái xe không thể chỉ đơn giản đi một tuyến đường khác để tránh khu vực), họ cũng có thể khuyến khích việc sử dụng rộng rãi hơn các loại xe phát thải thấp và không phát thải. Một số chuyến đi vẫn cần phải thực hiện bằng xe cộ và những loại xe đó phải được chế tạo ít phát thải nhất có thể trên mọi phương diện.
Tại các nước phát triển như Đức, Anh hay Hà Lan, mô hình LEZ đã được áp dụng thành công nhờ vào cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, ý thức bảo vệ môi trường cao của người dân và sự hỗ trợ tài chính mạnh mẽ từ chính phủ.
Ngược lại, các nước đang phát triển như Ấn Độ, Philippines hay Indonesia gặp nhiều thách thức. Lý do chính là cơ sở hạ tầng giao thông còn hạn chế, người dân phụ thuộc nhiều vào phương tiện cá nhân và sự chênh lệch giàu nghèo lớn. Tại Manila (Philippines), việc cấm xe cũ theo lộ trình và từng loại xe cụ thể vào khu trung tâm thành phố từng gây ra nhiều phản ứng trái chiều, khi người thu nhập thấp không đủ khả năng nâng cấp phương tiện, tuy nhiên chính quyền thành phố vẫn triển khai và đã thu được những kết quả ban đầu.
Việc triển khai LEZ theo từng giai đoạn, bắt đầu với khu vực nhỏ và tăng dần phạm vi khi đã có đủ điều kiện, sẽ giúp người dân và các doanh nghiệp có thời gian thích nghi.
Mô hình LEZ sẽ mang lại lợi ích lớn cho các đô thị, nhưng để đạt được mục tiêu này đòi hỏi yêu cầu rất cao, từ sự đầu tư bài bản và chiến lược thực thi phù hợp, đến vốn đầu tư. Quan trọng hơn, sự đồng thuận cao của người dân và cam kết mạnh mẽ từ chính quyền sẽ là yếu tố then chốt đảm bảo thành công của LEZ, qua đó thúc đẩy giao thông đô thị xanh, bền vững trên phạm vi toàn cầu.
H.A