Bạc Liêu: Kỳ vọng du lịch năm 2022 thu về 3.300 tỉ đồng
Chỉ tiêu trọng tâm được đề ra trong kế hoạch thực hiện chương trình về phát triển du lịch tỉnh Bạc Liêu năm 2022 là phấn đấu doanh thu du lịch và dịch vụ đạt khoảng 3.000 tỉ đồng.
Trong năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên một số chỉ tiêu về du lịch không đạt so với kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, triển khai thực hiện các dự án du lịch trên địa bàn tỉnh được Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh quan tâm, trong đó tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch, phát triển du lịch Bạc Liêu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Hoàn chỉnh việc xây dựng và triển khai các quy hoạch chi tiết một số khu, điểm du lịch làm cơ sở để kêu gọi, thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh đến đầu tư vào du lịch Bạc Liêu; Tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cấp từng bước hoàn thiện các điểm du lịch hiện có để kết nối tour, tuyến thu hút khách du lịch…
Và để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, đồng thời, tận dụng tối đa những cơ hội, điều kiện thuận lợi để du lịch Bạc Liêu phát triển, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh đã đề ra các chỉ tiêu chủ yếu phấn đấu đạt trong chương trình hành động về phát triển du lịch tỉnh Bạc Liêu năm 2022.
Cụ thể, doanh thu du lịch - dịch vụ đạt khoảng 3.000 tỉ đồng (tăng khoảng 136% so với năm 2021); Lượng khách du lịch đạt khoảng 3,3 triệu lượt (tăng khoảng 128% so với năm 2021); Khách sử dụng dịch vụ lưu trú khoảng 1,6 triệu lượt khách (tăng 176% so với năm 2021); Phấn đấu công nhận từ 1- 2 điểm du lịch và đề nghị Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long công nhận là điểm du lịch tiêu biểu của vùng; Công nhận từ 1 - 3 khách sạn đạt chuẩn từ 3 sao trở lên.
Có thể thấy, Bạc Liêu rất quan tâm đầu tư, nâng cấp từng bước hoàn thiện các điểm du lịch hiện có để kết nối tour, tuyến thu hút khách du lịch.
Điển hình một số địa điểm du lịch được đông đảo du khách thường xuyên ghé đến, như khu Phật Bà Nam Hải: Nơi đây, mỗi năm, có hàng chục nghìn lượt du khách từ khắp nơi đến tham quan, thưởng ngoạn và bày tỏ lòng thành kính của mình. Điểm thu hút ở nơi này chính là tượng Phật bà Quan Âm cao 11m, nhìn về hướng biển như đang bảo vệ cho những ngư dân đang mưu sinh ngoài biển khơi.
Hay điểm đến Nhà hát Cao Văn Lầu được mệnh danh là cái nôi của đờn ca tài tử Nam Bộ, nổi tiếng với bản Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sỹ Cao Văn Lầu – người được vinh danh tưởng niệm qua công trình nhà hát Cao Văn Lầu.
Ngoài ra, còn có khu nhà thờ Cha Diệp. Theo truyền miệng của người dân kể lại, sở dĩ nhà thờ Cha Diệp trở nên nổi tiếng là do sự linh thiêng của Cha Diệp đem lại, “ai đến khấn đều gì cũng đều được”.
Nhà thờ Cha Diệp (nhà thờ Tắc Sậy) – nơi gắn liền với một nhân vật nổi tiếng – cha Trương Bửu Diệp, vị linh mục được xem như một vị thánh bởi sự linh thiêng, thi ân giáng phúc cho những ai tin tưởng nguyện cầu.
Huỳnh Mai