Bắc Giang: Chăn nuôi lợn và gia cầm bền vững theo tiêu chuẩn VietGAP
Tỷ lệ chăn nuôi lợn và gia cầm theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đang có xu hướng tăng cao. Việc nâng tỷ lệ chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm xây dựng nền nông nghiệp của tỉnh này theo hướng hiện đại, bền vững.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang), tỷ lệ tổng đàn chăn nuôi lợn và gia cầm theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh này tăng cao so với nhiều năm trước. Đến nay, tỷ lệ chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP trên toàn tỉnh đạt 47,6% (tăng 3,6% so với năm 2021); tỷ lệ tổng đàn chăn nuôi gia cầm theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 51% (tăng 5% so với năm 2021).
Theo dự kiến, đến hết năm 2024, tỷ lệ tổng đàn chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh đạt 48%, tỷ lệ tổng đàn gia cầm tiêu chuẩn VietGAP đạt 52%. Việc nâng tỷ lệ chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm xây dựng nền nông nghiệp tỉnh Bắc Giang theo hướng hiện đại, bền vững; sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Các sản phẩm chăn nuôi của Bắc Giang không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh mà còn xuất bán 60% ra nhiều địa phương trong nước. Những năm gần đây, lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm (trọng tâm là gà lông màu, vịt đẻ trứng) và gia súc ăn cỏ (dê, ngựa), giảm tỷ trọng đàn trâu, bò và lợn.
Hiện tổng đàn gia cầm toàn tỉnh đạt hơn 19,2 triệu con (tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước); đàn dê đạt hơn 28,7 nghìn con (tăng 0,04% so với cùng kỳ năm 2023). Trong khi đó, so với cùng kỳ năm trước, đàn trâu giảm 3,6%, đàn bò giảm 1,8% và đàn lợn giảm 2,8%.
Những năm gần đây lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh này phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa và tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, góp phần quan trọng trong công tác bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học và nâng chất lượng sản phẩm.
Sông Hồng