Bắc Cực chuyển sang trạng thái khí hậu mới
Nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứ, khí hậu Bắc Cực hiện đã ấm lên đáng kể.
Nhiệt độ tăng đến mức sự thay đổi hàng năm đang vượt quá giới hạn của bất kỳ biến động nào trong quá khứ, báo hiệu sự chuyển đổi sang một Bắc Cực có trạng thái khí hậu mới hoàn toàn.
Sau một thời gian nghiên cứu, quan sát về điều kiện khí hậu Bắc Cực từ năm 1940 đến nay và các mô phỏng tới năm 2100, nhà khoa học Laura Landrum cùng đồng nghiệp phát hiện ra rằng, mặc dù hình thái thời tiết ở các vĩ độ trên luôn thay đổi theo từng năm (tùy thuộc lượng băng biển nhiều hơn hoặc ít hơn, mùa đông lạnh hơn hoặc ấm hơn, và các mùa mưa dài hơn hoặc ngắn hơn), nhưng tốc độ thay đổi trạng thái khí hậu tại Bắc Cực lại diễn ra rất nhanh trong vài thập kỷ.
Bắc Cực là một trong những khu vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa: Internet) |
Vùng cực Bắc đang ấm lên nhanh hơn so với các vùng ở vĩ độ thấp là do một quá trình được gọi là "khuếch đại Bắc Cực". Điều này xảy ra do băng biển tan chảy đáng kể trong những thập kỷ gần đây. Băng biển màu sáng phản xạ nhiệt trở lại không gian được thay thế bằng nước biển sẫm màu hơn, giữ nhiệt nhiều hơn.
Nhiệt độ không khí vào mùa thu và mùa đông cũng ấm hơn, đến mức ngay cả một năm lạnh giá bất thường cũng sẽ không còn lượng băng biển như giữa thế kỷ 20 nữa.
Theo National Geographic, hằng năm, vào mùa Đông, vùng biển Bắc Băng Dương quanh Bắc Cực thường đóng băng. Đến khoảng tháng 3, băng bao phủ gần như toàn bộ đại dương này với diện tích trên 15,5 triệu km2. Đến mùa Hè, băng ở đây bắt đầu tan chảy. Tuy nhiên, đến cao điểm vào tháng 9, nhiều lớp băng vẫn còn trên đất liền hay những tảng băng trôi vẫn xuất hiện trên Bắc Băng Dương.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu được một nhóm các nhà khoa học quốc tế thực hiện, qua thu thập dữ liệu vệ tinh trong 40 năm qua, diện tích băng ở Bắc Cực vào mùa Hè giảm đều theo thời gian. Mùa Hè năm 1980, lượng băng ở đây khoảng 10 triệu km2. Từ đó đến nay, trung bình mỗi năm, Bắc Cực mất đi 70.000 km2 băng vào mùa Hè.
Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), tổng lượng khí thải CO2 tại Bắc Cực theo ước tính kể từ tháng 1/2020 đến nay là cao nhất trong 18 năm qua. Bắc Cực đang nóng lên nhanh chóng với tốc độ gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu. Ước tính mùa Hè ở Bắc Cực hiện đã nóng hơn so với thời kỳ tiền công nghiệp từ 4-5 độ C.
Bắc Cực là một trong những khu vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trên thế giới, với nhiệt độ tăng mạnh, băng tan và các tác động khác bên cạnh băng biển suy giảm.
“Mọi người đều biết Bắc Cực đang thay đổi. Chúng tôi muốn định lượng xem đây có phải là khí hậu mới hay không. Bắc Cực đã thay đổi quá nhiều và nhanh đến mức không thể dự đoán được khí hậu mới ở đây sẽ như thế nào” - Tiến sĩ Laura Landrum, đồng tác giả nguyên cứu, lo ngại.
Bà Landrum nói rằng các cộng đồng ở Bắc Cực đang phải hứng chịu hậu quả của những thay đổi trên. Theo đó, một số làng thổ dân Alaska đang phải cân nhắc di dời chỗ ở khi các bờ biển ngày càng bị xói mòn, trong khi các loài động vật tại khu vực có nguy cơ bị chết đói.
Đáng lo ngại, các chuyên gia tại Đại học Helsinki (Phần Lan) cảnh báo, các loại côn trùng ở Bắc Cực đang biến đổi do biến đổi khí hậu. Họ đã hợp tác với các nhóm nghiên cứu đến từ Đan Mạch, Canada, Nga, Na Uy, Phần Lan và Iceland để so sánh các khu vực nơi mà khí hậu đã thay đổi với tốc độ và theo những cách khác nhau trong mấy thập kỷ gần đây.
Trong khi đó, các đám cháy bùng phát dọc theo Vòng Bắc Cực vào mùa hè năm nay đã khiến các thành phố ở Siberia chìm trong khói và là mùa cháy bất thường thứ 2 liên tiếp. Mùa cháy kết thúc hồi cuối tháng trước đã thải ra 244 triệu tấn khí carbon dioxide (CO2), tăng 35% so với năm ngoái. Các chuyên gia nói rằng “thủ phạm” có thể là các vùng đất than bùn đang bị đốt cháy.
Nhật Hạ