Thứ sáu, 19/04/2024 17:37 (GMT+7)
Thứ hai, 08/06/2020 09:08 (GMT+7)

Bắc Bộ và Trung Bộ tiếp tục nắng nóng gay gắt diện rộng

Theo dõi KTMT trên

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của rìa đông nam vùng áp thấp nóng phía tây kết hợp với hiệu ứng phơn cho nên ngày 8-6, các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ phổ biến từ 35 đến 38°C, có nơi hơn 38°C; riêng vùng núi Bắc Trung Bộ có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất hơn 39°C. Đợt nắng nóng này có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới, nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở các tỉnh Trung Bộ. Cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: cấp 1.

Bắc Bộ và Trung Bộ tiếp tục nắng nóng gay gắt diện rộng - Ảnh 1
Lực lượng chức năng và người dân huyện Tân Kỳ (Nghệ An) phát đường băng cản lửa phòng, chống cháy rừng tại khu vực rừng Hổ Trù thuộc địa bàn xã Nghĩa Bình. (Ảnh: Như Lành)

Ngày 7/6, tại xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, Tỉnh đoàn Nghệ An phối hợp Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức lễ phát động phòng, chống cháy rừng, phát quang đường băng cản lửa, thu gom thực bì. Đây là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cho lực lượng đoàn viên, thanh niên và người dân trong công tác phòng, chống cháy rừng. Các cơ quan, đơn vị bổ sung thêm lực lượng, phương tiện và dự phòng, triển khai các phương án phòng cháy, chữa cháy tại các khu vực rừng có nguy cơ cao xảy ra cháy...

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành phương án tổ chức chỉ đạo, chỉ huy và điều động lực lượng, phương tiện ứng cứu chữa cháy rừng khi có cháy lớn xảy ra trong năm 2020. Theo đó, khi có cháy rừng xảy ra trên địa bàn huyện, thành phố, thị xã với cấp dự báo cháy rừng ở cấp IV và cấp V (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm), tốc độ lan đám cháy rất nhanh, lực lượng chữa cháy rừng cấp huyện không khống chế được thì Chủ tịch UBND cấp huyện kịp thời báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh tăng cường lực lượng, phương tiện ứng cứu chữa cháy rừng. Thủ trưởng các đơn vị và lực lượng theo phương án huy động nêu trên phải chủ động chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ chữa cháy cần thiết, bảo đảm quân số thực hiện chế độ thường trực trong thời gian cao điểm nắng nóng, sẵn sàng ứng cứu khi được huy động...

Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai (PCTT) vừa đến tỉnh Lào Cai kiểm tra công tác PCTT năm 2020. Từ đầu năm đến nay, đã có 138 trong số 385 hộ đã được tỉnh di chuyển ra khỏi khu vực thiên tai nguy hiểm và bố trí chỗ ở. Làm việc với lãnh đạo tỉnh, đại diện lãnh đạo đoàn công tác đề nghị tỉnh tiếp tục tăng cường triển khai công tác PCTT bài bản; thường xuyên chỉ đạo, rà soát, kiểm tra các vị trí tắc nghẽn dòng chảy trên sông, suối; xây dựng các phương án bảo đảm an toàn hạ du khi xả lũ khẩn cấp...

Theo Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Cao Bằng, mưa to, lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn đã làm một người dân ở xóm Nà Thôm, xã Vĩnh Phong, huyện Bảo Lâm chết. Ở xã Thạch Lâm, một người bị thương, hai nhà bị thiệt hại (một hộ phải sơ tán khẩn cấp); một số điểm tại quốc lộ 34, tuyến đường liên thôn, liên xã bị sạt lở, bồi lấp gây ách tắc giao thông, hiện nay đã khắc phục và thông xe; một số diện tích hoa màu bị vùi lấp và cuốn trôi...

Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, vụ hè thu năm nay, diện tích đất trồng lúa có khả năng bỏ đất trống không sản xuất do thiếu nước khoảng 44,3 nghìn hecta, trong đó tỉnh Bình Thuận khoảng 26,7 nghìn hecta, Ninh Thuận 10,8 nghìn hecta, Bình Định khoảng 5 nghìn hecta... Tại tỉnh Nghệ An có khoảng 1.780 ha diện tích gieo trồng bị hạn hán, thiếu nước và có 750 ha lúa chưa thể gieo cấy do thiếu nước, cần phải có điều chỉnh giãn vụ hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Theo kế hoạch, vụ hè thu 2020, tỉnh Quảng Ngãi gieo trồng 58.143 ha (lúa 35.170 ha, màu và cây trồng khác 22.973 ha) nhưng do hạn hán, thiếu nước tưới, nên các địa phương trong tỉnh đã chủ động không sản xuất 1.854 ha, chuyển đổi cây lúa sang cây trồng cạn 710 ha.

Tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 2.700 ha không chủ động nguồn nước tưới của vụ hè thu, các địa phương đã có kế hoạch chủ động chuyển đổi sang các loại cây trồng khác 522 ha; diện tích còn lại hơn 2.000 ha phải bỏ hoang, tập trung chủ yếu vùng bán sơn địa, gò đồi. Từ nay đến cuối vụ hè thu năm 2020, diện tích lúa đã gieo cấy có khả năng thiếu nước khoảng gần 1.700 ha. Công ty TNHH quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh sẽ tưới hơn 1.000 ha, diện tích còn lại do các hợp tác xã đảm nhiệm.

Hiện lượng nước các hồ đập ở tỉnh Quảng Trị chỉ đạt bình quân hơn 63% so với thiết kế, thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ hơn 10 triệu m3 nước. Để chủ động cho công tác tưới vụ hè thu năm 2020, Công ty TNHH Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị đã xây dựng kế hoạch tưới cho 15.602 ha, trong đó có 3.237 ha đủ tưới nhưng cần phải sử dụng biện pháp bơm tưới hỗ trợ. Diện tích thiếu nước tưới cần phải chuyển đổi cây trồng là 719,7 ha...

Huyện Nông Sơn (Quảng Nam) có hơn 1.123 ha đất lúa và 729 ha đất sản xuất rau màu. Vào mùa khô, diện tích lúa nước chủ động nguồn tưới chỉ khoảng 696 ha, còn phần lớn diện tích cây màu của huyện phụ thuộc vào nước trời. Hiện, huyện đã chuyển đổi hơn 17 ha sản xuất lúa không chủ động nguồn tưới sang trồng các loại cây như đậu, bắp, trồng cỏ nuôi bò...; vụ hè thu 2020 tiếp tục chuyển đổi 35 ha đất lúa sang cây trồng cạn.

Tỉnh Quảng Ninh có khoảng 80.000 ha sản xuất lúa, hoa màu, cây ăn quả. Để chủ động nguồn nước ngọt phục vụ tưới tiêu, bên cạnh tận dụng nguồn nước từ các ao, hồ, sông suối tự nhiên, các địa phương trên địa bàn đang sử dụng nguồn nước ngọt ở 25 hồ, đập, với dung tích hơn 200 triệu m3. Đến nay, nguồn nước tích trữ từ các hồ này cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho khoảng 65.000 ha, chiếm khoảng 82% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng.

Tổng cục Thủy lợi cho biết, đến nay, một số khu vực ở Trung Bộ và Tây Nguyên có lượng mưa thiếu hụt lớn so với trung bình nhiều năm nên đã xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước ở một số địa phương. Hiện có 34.724 hộ dân đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Cụ thể, Quảng Bình 3.300 hộ, Quảng Ngãi 1.625 hộ, Phú Yên 1.100 hộ, Ninh Thuận 2.399 hộ, Bình Thuận 26.300 hộ...

Khắc phục sự cố vỡ đập Bara Đô Lương đang thi công

Ngay sau khi sự cố đập Bara Đô Lương tại hai xã Tràng Sơn và Đặng Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) bị vỡ khi đang thi công, chiều 7/6, Đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu dẫn đầu đã đến hiện trường chỉ đạo đơn vị thi công là Công ty TNHH Hòa Hiệp tập trung phương tiện và lực lượng để đến ngày 11/6, phải khắc phục xong sự cố.

Trước đó, vào khoảng 8 giờ ngày 6/6, khoang số 10, số 11 tại đập Bara Đô Lương nằm trên sông Lam, đã bị gãy sập hoàn toàn. Sự cố nghiêm trọng gây nên hiện tượng tụt mực nước đầu kênh dẫn dòng và không đủ lượng nước theo yêu cầu chảy vào kênh chính, dẫn đến nước vào hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An bị thiếu hụt từ 50 đến 70%, gây khô hạn vùng Yên Thành, Quỳnh Lưu và Diễn Châu; hàng nghìn hecta lúa đã gieo cấy bị ảnh hưởng.

PV và CTV

Bạn đang đọc bài viết Bắc Bộ và Trung Bộ tiếp tục nắng nóng gay gắt diện rộng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sắp đón mưa lớn
Theo Dự báo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn quốc gia, đêm nay (17/4) Hà Nội sẽ đón mưa rào rải rác và có nơi có dông.

Tin mới

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .