Thứ sáu, 26/04/2024 09:57 (GMT+7)
Thứ năm, 07/04/2022 07:00 (GMT+7)

Bà Rịa – Vũng Tàu: Làm rõ nguy cơ ảnh hưởng nguồn nước từ Trại chăn nuôi Hưng Việt

Theo dõi KTMT trên

Trại chăn nuôi Hưng Việt có diện tích 30 ha nằm trên địa bàn xã Quảng Thành, tiếp giáp suối Tầm Bó khiến nhiều người dân lo ngại sẽ làm ảnh hưởng tới nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn.

Người dân lo sợ ảnh hưởng nước sinh hoạt

Ngày 5/4/2022, ông Nguyễn Công Vinh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ký văn bản chỉ đạo Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, UBND huyện Châu Đức làm rõ nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án Trại chăn nuôi Hưng Việt trên địa bàn thôn Nhân Thành, xã Quảng Thành, do Công ty TNHH Chăn nuôi Hưng Việt làm chủ đầu tư.

Các đơn vị được ông Vinh chỉ đạo phải làm rõ được tính phù hợp của dự án (vị trí, loại hình chăn nuôi heo) so với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch tổng thể chăn nuôi trên địa bàn huyện Châu Đức, nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn nguồn nước phục vụ cho mục đích sinh hoạt.

Nội dung báo cáo phải trình UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu theo quy định trước ngày 20/4/2022.

Trước đó, Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có báo cáo, Trại chăn nuôi Hưng Việt hoạt động trên  địa bàn TP.  Bà Rịa. Năm 2017, UBND TP. Bà Rịa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bố trí địa điểm mới và có chính sách hỗ trợ di dời cơ sở ra khỏi khu vực địa bàn TP. Bà Rịa, với lý do trên địa bàn không có quy hoạch khu chăn nuôi tập trung vì nhu cầu phát triển đô thị của thành phố. 

Bà Rịa – Vũng Tàu: Làm rõ nguy cơ ảnh hưởng nguồn nước từ Trại chăn nuôi Hưng Việt - Ảnh 1
Trên khu đất 30 ha tại thôn Nhân Thành, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng một số công trình chuồng trại thuộc dự án chăn nuôi của Công ty TNHH Chăn nuôi Hưng Việt.

Ngày 8/1/2018, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có văn bản số 168/UBND-VP về việc bố trí địa điểm và thực hiện di dời Trại chăn nuôi Hưng Việt ra ngoài khu dân cư trên địa bàn TP. Bà Rịa.

Công ty TNHH Chăn nuôi Hưng Việt đề nghị được đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi trên diện tích đất khoảng 30 ha tại thôn Nhân Thành, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức và mong muốn sớm di dời để chấm dứt hoạt động chăn nuôi trên địa bàn TP. Bà Rịa nhằm ngăn ngừa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến khu dân cư xung quanh trại chăn nuôi hiện hữu.

Khu đất dự kiến thực hiện dự án đã được bà Lê Thị Long Tài là đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Chăn nuôi Hưng Việt thực hiện nhận chuyển nhượng của các hộ dân. Ngoài ra, Công ty cũng cam kết sẽ tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường có liên quan trong các giai đoạn triển khai thực hiện dự án.

Trước đề nghị trên, lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đồng ý chủ trương cho Công ty TNHH Chăn nuôi Hưng Việt đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện Châu Đức.

Tuy nhiên, nhiều người dân xã Quảng Thành cho rằng, vị trí xây dựng dự án Trại chăn nuôi Hưng Việt nằm tiếp giáp với suối Tầm Bó. Đây là khu vực rất nhạy cảm vì nguồn nước từ con suối này dẫn về hồ Đá Đen nơi cung cấp nước sinh hoạt cho cả tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Dự án đi vào hoạt động sẽ có quy mô gần 2.000 con heo bố mẹ, hậu bị, heo thịt... và 100 con bò cùng với lượng nước thải chăn nuôi phát sinh khoảng 158 m3/ngày, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến suối Tầm Bó.

UBND huyện Châu Đức cũng từng có quan điểm không ủng hộ dự án Trại chăn nuôi Hưng Việt được xây tại vị trí gần suối Tầm Bó. Bởi nếu có mưa kéo dài nhiều ngày thì nguy cơ xảy ra sự cố rò rỉ, tràn nước thải ra suối Tầm Bó là điều khó tránh.

“Huyện cũng khuyến khích, không cấm chăn nuôi nhưng quan điểm của huyện ủy, Ủy ban chủ trương không phát triển trại chăn nuôi mới mà ưu tiên dành không gian này để di dời 48 trang trại chăn nuôi của huyện Châu Đức. Ở đâu về đây cũng được nhưng phải đúng quy hoạch, địa điểm phải phù hợp còn địa điểm này huyện không ủng hộ, đừng làm nguy hại đến môi trường ảnh hưởng đến tương lai”, một lãnh đạo UBND huyện Châu Đức từng nêu quan điểm.

Về vị trí xây dựng Trại chăn nuôi Hưng Việt, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng từng có ý kiến: Khu đất thuộc quy hoạch “khu chăn nuôi gà tập trung và đất trồng cây hàng năm khác”. Do đó, việc sử dụng đất để đầu tư dự án nêu trên là chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.

Vị trí dự kiến triển khai dự án có giáp ranh của khu đất nằm sát suối Tầm Bó, thuộc lưu vực thượng nguồn hồ chứa nước Sông Ray. Theo quyết định của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về phân vùng phát thải khí thải, xả nước thải theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trên địa bàn tỉnh suối Tầm Bó và hồ Sông Ray có mục đích cấp nước sinh hoạt. Mặt khác suối Tầm Bó là một trong những nhánh chính dẫn nước sinh hoạt về hồ Sông Ray.

“Do vị trí khu đất dự kiến triển khai dự án không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và có nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Đề nghị Sở KH&ĐT giới thiệu địa điểm khác cho doanh nghiệp”, Sở TNMT  Bà Rịa - Vũng Tàu từng kiến nghị.

Được biết, vào tháng 10/2019, dù chưa có giấy phép xây dựng dự án, chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng Công ty TNHH Chăn nuôi Hưng Việt đã tiến hành thi công Trại chăn nuôi Hưng Việt trên địa bàn xã Quảng Thành.

Bà Rịa – Vũng Tàu: Làm rõ nguy cơ ảnh hưởng nguồn nước từ Trại chăn nuôi Hưng Việt - Ảnh 2
Công trình chuồng trại thuộc dự án chăn nuôi của Công ty TNHH Chăn nuôi Hưng Việt đã xây dựng.

Kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy , trên khu đất khoảng 30 ha tại thôn Nhân Thành, Công ty TNHH Chăn nuôi Hưng Việt đã xây dựng công trình trại chăn nuôi có diện tích 3.404 m2 và hồ xử lý nước thải hơn 592 m khi chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý.

Ngày 14/10/2019, UBND huyện Châu Đức đã ra quyết định xử phạt vi phạm về trật tự xây dựng, buộc dừng thi công và phạt số tiền 20 triệu đồng.

Chăn nuôi không quản lý tốt sẽ gây hậu quả lớn

Theo thông tin từ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây nên chủ yếu từ các nguồn chất thải rắn, chất thải lỏng, bụi, tiếng ồn, xác gia súc, gia cầm chết chôn lấp, tiêu hủy không đúng kỹ thuật. Một kết quả kiểm tra mức độ nhiễm khuẩn trong chuồng nuôi gia súc cho thấy, tổng số vi khuẩn trong không khí ở chuồng nuôi cao gấp 30 - 40 lần so với không khí bên ngoài.

Đối với các cơ sở chăn nuôi, các chất thải gây ô nhiễm môi trường có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, làm giảm sức đề kháng vật nuôi, tăng tỷ lệ mắc bệnh, năng suất bị giảm, tăng các chi phí phòng trị bệnh, hiệu quả kinh tế của chăn nuôi không cao, . . .. Sức đề kháng của gia súc, gia cầm giảm sút sẽ là nguy cơ gây nên bùng phát dịch bệnh. 

Theo tính toán thì lượng chất thải rắn mà các vật nuôi có thể thải ra (kg/con/ngày) là: Bò 10, trâu 15, lợn 2, gia cầm 0,2, do vậy hàng năm, đàn vật nuôi Việt Nam thải vào môi trường khoảng 73 triệu tấn chất thải rắn (phân khô, thức ăn thừa) và 25 - 30 triệu khối chất thải lỏng (phân lỏng, nước tiểu và nước rửa chuồng trại).

Trong đó, khoảng 50 % lượng chất thải rắn (36,5 triệu tấn), 80 % chất thải lỏng (20 - 24 triệu m3) xả thẳng ra môi trường, hoặc sử dụng không qua xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ước tính một tấn phân chuồng tươi với cách quản lý, sử dụng như hiện nay sẽ phát thải vào không khí khoảng 0,24 tấn CO2 quy đổi thì với tổng khối chất thải nêu trên sẽ phát thải vào không khí 17,52 triệu tấn CO2. Các nhà nghiên cứu đã ước tính được rằng chăn nuôi gây ra 18 % khí gây hiệu ứng nhà kính làm cho nhiệt độ trái đất tăng lên (biến đổi khí hậu toàn cầu), lớn hơn cả phần do giao thông vận tải gây ra.

Năm 2018, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - Phùng Đức Tiến cho biết, hiện lượng chất thải từ khu vực chăn nuôi tập trung khá lớn nhưng chỉ có 20% được sử dụng vào mục đích khí sinh học, phân bón, thức ăn cho thủy sản... số còn lại chưa có giải pháp xử lý. Qua khảo sát cho thấy, các cơ sở chăn nuôi đều không tuân thủ quy định về xử lý chất thải chăn nuôi do giá thành xử lý quá cao. Bên cạnh đó, việc xác tiêu chí quản lý môi trường chăn nuôi giữa ngành nông nghiệp và tài nguyên môi trường còn chưa đồng nhất (một ngành tính theo đầu cob, một ngành tính theo diện tích chuồng nuôi).

Trưởng Bộ môn Môi trường chăn nuôi, Viện Chăn nuôi - Nguyễn Thành Trung cũng cho biết, hoạt động chăn nuôi hàng năm tạo ra khoảng 13 tỉ tấn chất thải mỗi năm. Trong khi đó, một phần trong số này được tái sử dụng, số chất thải còn lại được thải ra ngoài môi trường nên có thể gây ra các vấn đề môi trường rất lớn. Phân động vật là một mối nguy hiểm cho môi trường do chứa nồng độ cao các chất gây ô nhiễm như: Nitrate, Phosphate, Kali và Amoniac. 

Thức ăn chăn nuôi có thể chứa các kim loại nặng để kích thích tăng trưởng như đồng và kẽm, khi thải ra ngoài môi trường, chúng bị lưu giữ vào đất nên cũng có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe của con người và động vật. Quá trình phân hủy của phân có thể phát thải trực tiếp một số thành phần gây ô nhiễm vào nguồn nước bề mặt thông qua quá trình rửa trôi hoặc có thể được lọc qua đất để nhiễm vào nước ngầm qua quá trình thẩm thấu. Những quá trình này dẫn đến hiện tượng phú dưỡng ở hệ sinh thái nước ngọt, ven biển và làm ô nhiễm nguồn nước ngầm, đe dọa đến chất lượng nước và gây thiệt hại cho các hệ sinh thái thủy sinh và đất ngập nước. 

Ông Thành cũng cho biết, các quốc gia trên thế giới hiện nay đều đã có những quy định hay luật liên quan đến vấn đề xử lý chất thải chăn nuôi, bảo vệ môi trường từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng. Tại Việt Nam cũng cần phải có những quy định cụ thể để quản lý môi trường chăn nuôi cũng như xử lý chất thải từ hoạt động chăn nuôi

Đặc biệt, điều chỉnh các loại phí tài nguyên và phí xử lý chất thải sao cho sao hợp lý cả về mặt kinh tế và môi trường; xoá bỏ các hình thức trợ cấp phi lý trong ngành chăn nuôi, thanh toán các dịch vụ môi trường, đặc biệt là các dịch vụ liên quan đến hệ thống chăn thả quảng canh như phục hồi đất, khôi phục cảnh quan thiên nhiên và môi trường sống cho các loài hoang dã, cố định cacbon, trồng rừng... Đồng thời, cần tăng cường hiểu biết và kiến thức về những rủi ro môi trường có thể xảy ra do hoạt động của ngành chăn nuôi cho các nhà hoạch định chính sách, các cán bộ quản lý, những người chủ trang trại cũng như những người chăn nuôi ở quy mô hộ gia đình.

Quang Thanh

Bạn đang đọc bài viết Bà Rịa – Vũng Tàu: Làm rõ nguy cơ ảnh hưởng nguồn nước từ Trại chăn nuôi Hưng Việt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới