Australia: Không có mối liên hệ giữa cháy rừng và biến đổi khí hậu
Chính phủ Australia cho rằng không cần tích cực cắt giảm khí thải carbon thêm nữa để hạn chế tình trạng Trái Đất ấm lên, ngay cả sau hiện tượng hạn hán kéo dài 3 năm và các vụ cháy rừng chưa từng có.
Lực lượng cứu hỏa nỗ lực dập lửa cháy rừng tại Dargan, Australia. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Chính phủ Australia cho rằng không có mối liên hệ trực tiếp giữa biến đổi khí hậu và các vụ cháy rừng nghiêm trọng ở nước này, bất chấp sự phẫn nộ của người dân, sự đau khổ của các nạn nhân và những cảnh báo của giới khoa học.
Theo Thủ tướng Scott Morrison và Bộ trưởng Năng lượng Angus Taylor, Australia không cần tích cực cắt giảm khí thải carbon thêm nữa để hạn chế tình trạng Trái Đất ấm lên, ngay cả sau hiện tượng hạn hán kéo dài 3 năm và các vụ cháy rừng chưa từng có.
Thay vào đó, hai nhân vật này cho rằng Australia nên được khen thưởng vì đã đạt mục tiêu giảm phát thải đặt ra cho năm 2020.
Bộ trưởng Taylor nhấn mạnh khi nói đến việc giảm phát thải khí toàn cầu, "Australia phải làm và đang làm tất cả mọi điều, song cháy rừng là vấn đề mà các cộng đồng cần phải đoàn kết, thay vì chia rẽ".
Ông cho biết thêm việc đẩy mạnh các nỗ lực nhằm cắt giảm khí thải sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế quốc gia châu Đại Dương khi tác động tới hoạt động xuất khẩu than đá và khí đốt.
Trong năm ngoái, Australia đã "soán ngôi" của Qatar trở thành nhà xuất khẩu khí đốt hóa lỏng hàng đầu thế giới.
Trước đó, chia sẻ trên báo Australia hôm 31/12 vừa qua, Bộ trưởng Taylor cho rằng hầu hết các quốc gia đều "không thể chấp nhận" theo đuổi các chính sách giảm phát thải vì thực chất những chính sách này làm tăng chi phí sinh hoạt, giảm cơ hội nghề nghiệp, giảm thu nhập và kìm hãm tăng trưởng kinh tế.
Trái ngược quan điểm trên, giới khoa học nhấn mạnh biến đổi khí hậu là một yếu tố then chốt trong các vụ cháy rừng có sức tàn phá nghiêm trọng.
Giám đốc Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu tại Đại học Quốc gia Australia, Mark Howden, khẳng định nhiệt độ là một trong những nguyên nhân chính tác động tới cường độ cháy, tỉ lệ cháy lan rộng và diện tích cháy.
Thời gian gần đây chính Australia đã liên tục chứng kiến các mức nhiệt cao chưa từng có.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Biến đổi khí hậu thuộc Đại học Monash, ông David Holmes nhận định các vụ cháy rừng khủng khiếp gây hại gấp đôi cho môi trường khi không chỉ thải ra lượng lớn carbon mà còn phá hủy các bể chứa carbon, vốn sẽ cần nhiều thập kỷ mới có thể phục hồi lại.
Lượng phát thải khí carbon của Australia chiếm 1,3% tổng lượng phát thải trên toàn thế giới, song đây là quốc gia có lượng phát thải tính theo đầu người cao thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ.
Dựa trên dữ liệu thu được từ các vệ tinh của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), Giám đốc Dự án carbon toàn cầu Pep Canadell ước tính các vụ cháy rừng xảy ra tại Australia kể từ tháng Chín năm ngoái đến nay đã khiến 350 triệu tấn CO2 phán tán ra ngoài môi trường, tương đương 75% lượng khí thải hằng năm từ các nguồn do con người tạo ra tại nước này.
Ngoài ra, cháy rừng cũng đã khiến 25 người thiệt mạng, phá hủy hàng nghìn ngôi nhà và cháy lan trên diện tích lên tới hơn 8 triệu hecta đất.
Minh tâm