Thứ tư, 15/01/2025 18:16 (GMT+7)
Thứ sáu, 16/07/2021 08:31 (GMT+7)

Anh quốc bỏ than, chuyển sang NLTT như thế nào? Kỳ 2: Vì sao quốc gia này rời bỏ than?

Theo dõi KTMT trên

Việc Anh rời khỏi than là không còn đường lùi trong bối cảnh cạn kiệt trữ lượng than, mức phát thải CO2 cao, cũng như áp lực của EU về giảm phát CO2 và khuyến khích phát triển NLTT theo Chỉ thị NLTT EU2001 được ban hành bởi Hội đồng châu Âu năm 2001.

KỲ 2: VÌ SAO VƯƠNG QUỐC ANH RỜI BỎ THAN?

PGS.TS NGUYỄN CẢNH NAM [*]

Vương quốc Anh từng giàu có về tài nguyên than và khuyến khích phát triển dầu và khí đốt ở Biển Bắc từ những năm 1960, phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch cho phần lớn nguồn cung năng lượng. Thập niên những năm 1990, nước này đã phát triển nhanh chóng nhiệt điện khí bằng cách tận dụng lợi thế nguồn dầu khí ở Biển Bắc. Sản lượng dầu mỏ và khí đốt ở vùng này đạt đỉnh vào nửa sau thập niên 1990 và giảm dần những năm sau đó do cạn kiệt trữ lượng. Đến năm 2004 Anh trở thành nước nhập khẩu ròng năng lượng. Vì vậy, việc lựa chọn năng lượng trở nên phức tạp khi nước này bắt đầu ưu tiên chính sách cho biến đổi khí hậu.

Theo [3] tỉ trọng nhiệt điện than đã đạt cao 65% vào năm 1990, đạt đỉnh 65,8% năm 1991, và sụt giảm xuống 34,1% vào năm 2001, tiếp theo duy trì ở mức trên 30% cho tận tới năm 2014, nhưng đã sụt giảm mạnh sau đó, đến năm 2019 tỉ trọng nhiệt điện than chỉ còn 2,4%.

Ngược lại, tỉ phần điện năng lượng tái tạo (NLTT) đã tăng từ 2,7% năm 2000 lên 37,1% năm 2019. Sản lượng điện NLTT đã tăng khoản 12 lần từ 9,970 TWh lên 119,334 TWh. Trong đó, điện gió đã có sự tăng trưởng đáng kể, tỉ phần của nó trong tổng sản lượng điện NLTT (bao gồm thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện địa nhiệt, điện năng lượng đại dương) đã tăng từ 0,15% năm 1990 lên 9,5% năm 2000 và 53,7% năm 2019. Tỉ phần điện sinh khối đã tăng từ 12,2% năm 1990 lên 30,6% năm 2019 và tỉ phần điện mặt trời đã tăng từ gần 0 lên 10,6%.

Vì sao Vương quốc Anh rời bỏ than?

1. Tiềm năng trữ lượng nguồn năng lượng hóa thạch:

Tiềm năng và sự biến động trữ lượng các loại năng lượng hóa thạch (dầu mỏ, khí đốt và than) của Anh trong giai đoạn từ 1990 đến 2019 như sau [1]:

Là một quốc gia tương đối giàu tài nguyên than, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Tài nguyên than có nhiệt trị cao (trên 6.100 kCal/kg) đã được khai thác liên tục kể từ thế kỷ 17, đặc biệt là từ thời Cách mạng Công nghiệp ở Anh (1760 - 1830) dẫn đến tình trạng nguồn năng lượng này cạn kiệt dần. Bước sang thế kỷ 21, trữ lượng than của Anh còn lại không đáng kể và đến nay đã cạn kiệt. Cụ thể là (triệu tấn): 2001: 1.500; 2010: 228; 2019: 26.

Anh từng là cường quốc về than, sản lượng than đã giảm theo sự cạn kiệt của trữ lượng, từ 55,8 triệu TOE (khoảng 91 triệu tấn) năm 1991 xuống 19,0 triệu TOE (khoảng 31 triệu tấn) năm 2000, và đến năm 2019 còn 1,43 triệu TOE (khoảng 2,2 triệu tấn). Hiện nay, Anh là một trong 20 thành viên “Liên minh chống sử dụng than đá” (PPCA) được thành lập theo sự khởi xướng của Vương quốc Anh, Canada và quần đảo Marshall. Theo các cam kết ban đầu, Anh sẽ dừng dùng than từ năm 2023.

Trữ lượng dầu mỏ (tỉ thùng): 1990: 4,0; 1995: 4,5; 2000: 4,7; 2005: 3,9; 2010: 2,8; 2015: 2,8; 2019: 2.7 (chiếm khoảng 0,2% tổng trữ lượng dầu thế giới). Trữ lượng khí đốt (nghìn tỉ m3): 1990: 0,5; 1995: 0,7; 2000: 1,2; 2005: 0,5; 2010: 0,3; 2015: 0,2; 2019: 0,2 (chiếm 0,1% tổng trữ lượng khí đốt của thế giới).

Tóm lại, với tình hình tiềm năng tài nguyên năng lượng hóa thạch trong nước ngày càng cạn kiệt, ở Anh sản lượng dầu, khí đốt, than khai thác nội địa đều không đáp ứng nhu cầu, phải nhập khẩu ròng năng lượng từ năm 2004, bao gồm cả dầu, khí đốt và than.

2. Tình hình phát thải khí CO2:

Phát thải CO2 của Anh từ 2009 - 2019 (triệu tấn CO2):

Anh quốc bỏ than, chuyển sang NLTT như thế nào? Kỳ 2: Vì sao quốc gia này rời bỏ than? - Ảnh 1
Nguồn: BP Statistical Review of World Energy, 2020. Tấn CO2/người do tác giả tính.

Qua bảng trên cho thấy, khối lượng phát thải CO2 tại Vương quốc Anh về cơ bản là xu hướng giảm, nhất là từ năm 2012 giảm tương đối mạnh, bình quân từ 2009 - 2019 giảm 2,73%/năm. Đến năm 2019, lượng phát thải CO2 của Vương quốc Anh chiếm khoảng 1,1% tổng mức phát thải CO2 của toàn thế giới, trong khi tiêu dùng năng lượng sơ cấp (NLSC) của quốc gia này chiếm 1,3% tổng tiêu dùng NLSC của thế giới.

Như vậy, hỗn hợp NLSC tiêu dùng của Vương quốc Anh có phần sạch hơn so với bình quân chung của thế giới. Điều đó cũng được thể hiện rõ rệt qua mức phát thải CO2 bình quân trên đơn vị EJ NLSC tiêu dùng, bình quân của thế giới năm 2019 là (tấn/EJ): 58,52; OECD: 51,46; Ngoài OECD: 63,22; EU: 48,4, còn của Anh: 49,37, thấp hơn 15,6% so với bình quân thế giới.

Tuy nhiên, tổng mức phát thải CO2 của nước này vẫn còn cao thể hiện qua mức phát thải CO2 bình quân đầu người. Năm 2019 bình quân đầu người của thế giới là (tấn/người): 4,43; OECD 9,19; Ngoài OECD 3,46; EU 6,50, còn của Anh là 5,83. Nguyên nhân chính là do mức tiêu dùng NLSC bình quân đầu người cao như đã nêu trên. Song có thể nói mức phát thải CO2 bình quân đầu người của Anh đến nay đã thấp hơn đáng kể so với bình quân đầu người của OECD.

Qua những điều nêu trên cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến Vương quốc Anh rời bỏ than theo cảm nhận của người viết: Trước hết là do cạn kiệt nguồn tài nguyên than trong nước. Vì rằng, như trên đã nêu Vương quốc Anh vẫn duy trì tỉ trọng nhiệt điện than ở mức trên 30% cho tận tới năm 2014 và chỉ giảm mạnh sau khi thực sự cạn kiệt trữ lượng than trong nước, mặc dù là một trong những nước có mức phát thải CO2 cao trước năm 2010. Hơn nữa, mãi tới năm 2000 Anh mới khởi động xây dựng thể chế cho phát triển NLTT (chậm hơn Đức gần 10 năm).

Ngoài ra, còn được thể hiện ở mục tiêu thứ hai trong “Sách trắng Năng lượng - Tương lai Năng lượng của chúng ta - Xây dựng nền kinh tế carbon thấp” phát hành tháng 2/2003: “Việc ổn định cung cấp năng lượng phải được bảo đảm sẵn sàng cho trường hợp cạn kiệt nguồn tài nguyên trong nước”.

Như vậy, việc Vương quốc Anh rời khỏi than là không còn đường lùi trong bối cảnh cạn kiệt trữ lượng than, mức phát thải CO2 cao, cũng như áp lực của EU về giảm phát CO2 và khuyến khích phát triển NLTT theo Chỉ thị NLTT EU2001 được ban hành bởi Hội đồng châu Âu năm 2001, trình độ phát triển kinh tế đạt mức siêu giàu, chấp nhận được mức giá điện cao.

Đặc biệt, đi đôi với thay thế than bằng phát triển NLTT, Vương quốc Anh đã khôn ngoan chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trên cơ sở tăng tỉ trọng các lĩnh vực sử dụng ít năng lượng và giảm tỉ trọng các lĩnh vực tiêu hao nhiều năng lượng, nhờ thế kinh tế không ngừng tăng nhưng tiêu dùng năng lượng (cả NLSC và điện năng) lại không ngừng giảm. Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng tạo điều kiện giúp cho Anh rời bỏ than.

Trong kỳ tới, chúng tôi sẽ đề cập quá trình xây dựng và thực hiện thể chế chuyển dịch từ hệ thống dựa trên nhiên liệu than sang hệ thống dựa trên NLTT trong ngành điện của Vương quốc Anh.

Kỳ tới: Thể chế chuyển dịch từ hệ thống dựa trên nhiên liệu than sang hệ thống dựa trên NLTT của Vương quốc Anh

[*] HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM; KHOA QUẢN LÝ CÔNG NGHIỆP VÀ NĂNG LƯỢNG - EPU

Tài liệu tham khảo:

[1] BP Statistical Review of World Energy, 2020, 2016, 2011, 2002.

[2] Niên giám thống kê Việt Nam 2019, 2012.

[3] Akiko Sasakawa: Transition to Renewable Energy Society in Germany and United Kingdom: Historical Paths to FIP and CfD Introduction and Implications for Japan. IEEJ: April 2021 ©IEEJ2021.

[4] “OPEC: World proven crude oil reserves by country, 1960-2011”.

[5] https://www.globalpetrolprices.com/electricity_prices/

[6] World Economic Outlook Database-October 2017,Quỹ Tiền tệ Quốc tế, accessed on 18 January 2018.

[7] https://vi.wikipedia.org/wiki/ Kinh_tế_Vương_quốc_Liên_hiệp_Anh_và_Bắc_Ireland.

(Theo Tạp chí Năng lượng Việt Nam)

Bạn đang đọc bài viết Anh quốc bỏ than, chuyển sang NLTT như thế nào? Kỳ 2: Vì sao quốc gia này rời bỏ than?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới