Anh chính thức cấm nhiều đồ nhựa sử dụng 1 lần
Nước Anh chính thức cấm sử dụng nhiều loại đồ nhựa sử dụng 1 lần như ống hút, bông ngoáy tai, dụng cụ khuấy đồ uống...
Đây là bước đi tiếp theo trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa cũng như thực hiện cam kết bảo vệ đại dương và môi trường cho các thế hệ tương lai của Chính phủ Anh.
Theo lệnh cấm này, các cửa hàng bán những loại đồ nhựa sử dụng 1 lần là bất hợp pháp.
Lẽ ra luật cấm các loại đồ nhựa sử dụng 1 lần có hiệu lực từ tháng 4 nhưng đã bị trì hoãn do sự bùng phát của dịch COVID-19.
Ước tính mỗi năm, nước Anh thải ra môi trường 5 tỉ ống hút nhựa, 1,8 tỉ chiếc bông ngoáy tai và 316 triệu dụng cụ khuấy đồ uống bằng nhựa.
Theo báo cáo Liên hợp quốc về môi trường, hàng năm, có tới 5.000 tỉ chiếc túi nhựa đã được sử dụng trên thế giới. Nếu xếp chúng cạnh nhau có thể bao trùm một khu vực rộng gấp đôi diện tích nước Pháp. Mỗi năm, thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, gần tương đương với trọng lượng của toàn bộ dân số toàn cầu.
Hiện thế giới đang phải đối mặt với khoảng hơn 9,1 tỉ tấn rác thải nhựa tích tụ trên Trái đất. Chất thải nhựa kể cả được thu gom đưa đi chôn lấp lẫn vào đất vẫn tồn tại hàng trăm năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, ngăn cản oxy đi qua đất, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng…
Nhiều loại túi nilon được làm từ dầu mỏ nguyên chất khi chôn lấp sẽ ảnh hưởng tới môi trường đất và nước, còn đốt sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch, vô sinh..
Rác thải nhựa chiếm 10% tổng lượng chất thải hiện đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế và sức khỏe con người.
Trong 50 năm qua, lượng nhựa được tiêu dùng đã tăng gấp 20 lần và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới. Một chiếc túi nilon, nhiều khi được sử dụng trong 5 phút, chỉ mất 5 giây để sản xuất và cần 1 giây để vứt bỏ, song để phân hủy cần từ 500 - 1.000 năm.
Nhật Hạ