Chủ nhật, 28/04/2024 13:54 (GMT+7)
Thứ năm, 09/11/2023 11:06 (GMT+7)

Ấn Độ gây cơn mưa nhân tạo để hạn chế ô nhiễm không khí đang “hoành hành”

Theo dõi KTMT trên

Chất lượng không khí tại Thủ đô New Delhi, Ấn Độ lại nằm ở mức báo động. Chính phủ phải cho đóng cửa trường học từ ngày 10/11 và lên kế hoạch gây mưa nhân tạo để hạn chế ô nhiễm không khí.

“Ngộ độc” vì hít thở 

Thủ đô New Delhi vốn nổi tiếng là thành phố chìm trong “sương khói” vì ô nhiễm không khí nặng về và gần như không có dấu hiệu cải thiện. Trong hai tuần qua đã ghi nhận nhiều trường hợp phải nhập viện vì khó thở gây nên cuộc khủng hoảng ô nhiễm nặng nề tại Thủ đô của Ấn Độ. Ngoài ra các ca bệnh liên quan đến phổi cũng tăng cao.  

Ngoài Thủ đô New Delhi, khu vực lân cận như bang Haryana, Uttar Pradesh và Punjab cũng phải trải qua đợt ô nhiễm không khí tồi tệ nhất trong tuần qua.

Chỉ số không khí (AQI) ghi nhận tối ngày 8/1 đã lên mức 500-700, trong khi chỉ số đạt 400 đã được coi là nguy hiểm khi thở. Dẫn lời Thời báo Ấn Độ, việc hít thở tại Thủ đô New Delhi tương đương với hút 50 điếu thuốc lá/ngày. Người già, trẻ em hay người mẫn cảm và có bệnh lý nền thì càng nguy hiểm hơn. 

Ấn Độ gây cơn mưa nhân tạo để hạn chế ô nhiễm không khí đang “hoành hành” - Ảnh 1
Chỉ số không khí của Thủ đô New Delhi nằm ở mức báo động. 

Theo một báo cáo, số người mắc bệnh đường hô hấp phải đi khám đã tăng 30% trong những ngày qua. Bệnh nhân hen suyễn cũng phải tăng liều lượng thuốc. 

Trước đó ngày 5/11, Thủ đô New Delhi được bình chọn là thành phố ô nhiễm nhất thế giới theo IQAir. Chỉ số chất lượng không khí đo được là 471, được xếp vào nhóm độc hại. 

Ô nhiễm không khí là vấn đề nan giải của Ấn Độ, nguyên nhân là do nhiệt độ giảm, tốc độ gió thấp, gió ứ động khiến việc phát tán ô nhiễm và tình trạng đốt rơm rạ. Hàng trăm ca tử vong sớm ở Ấn Độ cũng là do sương khói.  

Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Quảng Châu, Thượng Hải,... đa số vào các ngày có nhiệt độ chênh lệch nhiều giữa ngày và đêm, ít gió. Hà Nội cũng ghi nhận chỉ số không khí ở mức không tốt cho sức khỏe vào tối ngày 8/11. 

Gây mưa nhân tạo để hạn chế ô nhiễm không khí 

Phóng viên TTXVN tại Ấn Độ dẫn lời ông Gopal Rai, người đứng đầu cơ quan môi trường tại Thủ đô New Delhi cho biết, để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay sẽ cố gắng gây mưa nhân tạo thông qua biện pháp gieo hạt trên đám mây trong tháng này nhằm nỗ lực chống ô nhiễm không khí ở thành phố này.

Tuy nhiên kế hoạch này chỉ thực hiện được khi có hơi ẩm và mây trong khí quyển. Theo dự báo thời tiết, tình huống này có thể xảy ra vào khoảng ngày 20/11-21/11.

Đồng thời, Thủ đô New Delhi cũng cho đóng cửa các trường công và tư vào ngày 9-18/11 để nghỉ Đông sớm hơn dự kiến ban đầu là vào tháng 1. Động thái trên được cho là nhằm bảo vệ sức khỏe của học sinh, đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí. 

Tòa án Tối cao Ấn Độ ngày 7/11 đã ra lệnh cho các bang xung quanh New Delhi ngăn chặn nông dân đốt rác thải nông nghiệp. Dự báo sang tuần sau, chất lượng không khí sẽ trở nên tồi tệ hơn. 

Năm 2019, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá ô nhiễm không khí là một trong 10 nguy cơ đe dọa sức khỏe toàn cầu. Trên thế giới, cứ 9 người chết thì có 1 ca gây ra bởi các bệnh liên quan tới ô nhiễm không khí. Tác động nghiêm trọng của ô nhiễm không khí có thể khắc phục từ những hành động và việc làm rất nhỏ, trong đó bao gồm nâng cao ý thức và hiểu biết của các các bậc phụ huynh, trẻ em, phụ nữ có thai, người già và nhóm dễ bị tổn thương khác và công chúng về hiện trạng, các nguồn gây ô nhiễm và tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe của con người.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Ấn Độ gây cơn mưa nhân tạo để hạn chế ô nhiễm không khí đang “hoành hành”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới