Thứ tư, 27/11/2024 07:48 (GMT+7)
Thứ tư, 09/02/2022 08:00 (GMT+7)

Amazon: Khu rừng bị đầu độc bằng thuốc trừ sâu

Theo dõi KTMT trên

Thuốc trừ sâu được phun từ máy bay, thậm chí cả trực thăng trong nhiều năm như một phương pháp dọn sạch các khu vực xa xôi và khó tiếp cận của rừng nhiệt đới Amazon. Khu rừng này đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi hóa chất.

Phá rừng Amazon bằng hóa chất

Là khu rừng nhiệt đới sở hữu đa dạng sinh học bậc nhất và lớn nhất thế giới nhưng Amazon đang đứng trước mối đe dọa nghiêm trọng từ nạn phá rừng, không phải bằng máy móc hạng nặng mà bằng các loại hóa chất, thuốc trừ sâu độc hại.

Thuốc trừ sâu được phun từ máy bay, thậm chí cả trực thăng trong nhiều năm như một phương pháp dọn sạch các khu vực xa xôi và khó tiếp cận của rừng nhiệt đới Amazon. Phương thức này được sử dụng thường xuyên hơn kể từ năm 2018, tuy mất nhiều thời gian hơn (có thể mất tới vài năm để khiến rừng bị suy thoái) so với việc chặt phá rừng bằng máy móc hạng nặng nhưng quá trình này có lợi cho các nhóm tội phạm vì khả năng bị bắt rất thấp; Mọi thiệt hại chỉ bị phơi bày khi rừng đã trống trơn. Mặt khác, việc sử dụng thuốc trừ sâu không thể được phát hiện qua hình ảnh vệ tinh theo thời gian thực.

Amazon: Khu rừng bị đầu độc bằng thuốc trừ sâu - Ảnh 1
Sự phát tán các chất hóa học trong rừng tự nhiên là giai đoạn đầu của quá trình phá rừng. (Ảnh minh họa)

Theo Cơ quan môi trường Brazil, IBAMA, sự phát tán các chất hóa học trong rừng tự nhiên là giai đoạn đầu của quá trình phá rừng, lá cây sau đó sẽ rụng dần, toàn bộ vật liệu khô bị đốt cháy, riêng những cây tươi còn sống sót thì bị dời đi bằng cưa và máy kéo.

“Một khu rừng chết dễ loại bỏ hơn một khu rừng sống. Một số loại thuốc trừ sâu thực tế chỉ để lại những cây lớn. Bước tiếp theo, các nhóm tội phạm sẽ thả hạt cỏ bằng máy bay. Đây là chiêu bài tinh vi của việc chiếm đất bởi để bán đất trái phép như một trang trại “đang hình thành”, đất phải được phủ đầy cỏ”, nhà chức trách IBAMA cho biết.

Các loại thuốc Glyphosate, carbosulfan (bị cấm phun trên không) và 2,4D (thành phần chất độc màu da cam vốn được sử dụng ồ ạt trong Chiến tranh Việt Nam gây hệ lụy dị tật bẩm sinh) đã được IBAMA tìm thấy trong Khu vực Amazon hợp pháp (bao gồm các bang có phần lãnh thổ nằm trong lòng rừng nhiệt đới Amazon).

“Gây suy thoái rừng thông qua thuốc trừ sâu là một hành động xâm hại lớn đến môi trường, đơn cử thuốc diệt cỏ 2,4D có khả năng đầu độc các cây lớn và thuốc trừ sâu carbosulfan có độc tính cao – cả hai đều có thể khiến thảm thực vật bị chết và gây nhiễm độc cho động vật khi ăn phải lá và trái cây rừng, càng nguy hiểm cho bất kỳ ai ở gần khu vực bị rải thuốc”, Eduardo Malta, nhà sinh vật học thuộc tổ chức Instituto Socioambiental (ISA) cho biết.

Theo tài liệu từ IBAMA, trong khi đi kiểm tra các khu đất nông nghiệp sát bìa rừng, các thanh tra viên phát hiện một khoảnh đất có diện tích khoảng 2 ha với thảm thực vật khô, màu nâu, bên dưới khu đất chứa hàng chục can thuốc diệt cỏ Planador XT rỗng đã được phun theo yêu cầu của chủ sở hữu. Mặc dù loại thuốc này được phép sử dụng trên máy bay nông nghiệp nhưng chúng hoàn toàn bị cấm trong các khu rừng tự nhiên, chưa kể chúng bị ném bừa bãi và không được rửa sạch hoặc xử lý đúng cách nên có thể tiềm ẩn nguy cơ đối với cả con người và động, thực vật ở trang trại.

Đáng chú ý là không chỉ những đối tượng chiếm đất tiến hành phun rải thuốc trừ sâu để phá rừng mà những người nông dân cũng làm như vậy trên chính tài sản của mình. Trước sự gia tăng tình trạng sử dụng thuốc trừ sâu, IBAMA bắt đầu lập bản đồ các khu vực bị phun rải hóa chất thông qua hệ thống cảnh báo suy thoái rừng của INPE (Cơ quan vũ trụ Brazil). Khi đối chiếu dữ liệu, IBAMA phát hiện nhiều khu vực bị phá nằm ngay trong các trang trại thu mua thuốc trừ sâu, chủ yếu ở bang Mato Grosso. Những khu đất này vốn là trang trại chăn nuôi chứ không phải nông nghiệp, vì vậy việc mua các loại hóa chất đó là bất hợp lý.

Một trong những khó khăn của IBAMA trong việc giám sát và xử lý vi phạm là phạm vi quản lý quá rộng cùng sự sụt giảm nhân sự. Năm 2010, đơn vị có khoảng 1.131 cán bộ thực địa nhưng con số này đã giảm 55% xuống còn 591 cán bộ vào năm 2019.

Nhằm giảm thiểu các hoạt động phá rừng bằng hóa chất, thời gian tới, các bên cần nỗ lực phối hợp nâng cao nhận thức và tập huấn cho người dân về sản xuất an toàn, bền vững tại các khu vực nông thôn, góp phần bảo vệ môi trường sống cho con người và động, thực vật Amazon.

Rừng Amazon tăng lượng khí thải carbon lên "mức báo động" do nạn phá rừng

Tổ chức Giám sát Khí hậu cho biết, trái ngược với lượng khí thải carbon dioxide (CO2) giảm mạnh trên phạm vi toàn cầu trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, lượng khí thải CO2 của Brazil trong năm 2020 đạt mức kỷ lục kể từ năm 2006. Nguyên nhân chủ yếu được nhận định là do nạn tàn phá rừng Amazon.

Theo báo cáo, trong năm ngoái, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Brazil đă tăng lên mức 2,16 tỉ tấn, cao hơn 9,5% so với năm 2019. Điều này trái ngược so với mức giảm lượng khí thải 7% ghi nhận trên phạm vi toàn thế giới trong năm 2020.

Amazon: Khu rừng bị đầu độc bằng thuốc trừ sâu - Ảnh 2
Rừng Amazon tăng lượng khí thải carbon lên 'mức báo động' do nạn phá rừng. (Ảnh minh họa)

Các nhà nghiên cứu cho biết, lượng khí thải ra từ hoạt động nông nghiệp và đặc biệt là từ "những thay đổi trong việc sử dụng đất", bao gồm cả nạn phá rừng, đã gia tăng mạnh trong thời gian qua.

Cụ thể, lượng khí CO2 thải ra từ tình trạng sử dụng đất rừng Amazon để sản xuất nông nghiệp trong năm ngoái đạt mức 988 triệu tấn, tăng 24% so với năm 2019.

Theo Viện Nghiên cứu không gian quốc gia Brazil (INPE), nạn phá rừng tại quốc gia Nam Mỹ này trong năm 2020 đã tăng lên 10.851 km2 - một khu vực rộng hơn gần 7 lần so với London và 13 lần diện tích của thành phố New York. 

Khoảng 60% lãnh thổ Brazil hợp nhất với rừng Amazon và bao gồm khu vực của 8 bang Acre, Amapa, Amazonas, Mato Grosso, Para, Rondonia, Roraima và Tocantins và một phần của bang Maranhao. Diện tích rừng Amazon là hơn 5 triệu km2, lớn hơn cả Ấn Độ, quốc gia lớn thứ 8 trên thế giới. 

INPE đã theo dõi tình hình phá rừng ở Brazil từ năm 2015 thông qua một hệ thống quan sát vệ tinh, tổ chức giám sát các khu vực rừng bị tàn phá hoàn toàn và đang trong quá trình suy thoái, địa điểm xảy ra tình trạng khai thác gỗ lậu, cháy rừng và những khu vực rừng khác. 

Nhiều nhà bảo vệ môi trường, tổ chức phi Chính phủ đã chỉ trích Chính phủ, Quốc hội Brazil và Tổng thống nước này Jair Bolsonaro về những thất bại trong quản lý môi trường cũng như bảo vệ rừng Amazon.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Amazon: Khu rừng bị đầu độc bằng thuốc trừ sâu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.

Tin mới

Masan 2024: Tích cực với mảng cốt lõi tiêu dùng bán lẻ
Năm 2024 là một năm đầy thách thức đối với nền kinh tế xã hội Việt Nam, mặc dù được đánh giá tốc độ phục hồi không quá nhanh nhưng thị trường tiêu dùng bán lẻ đã bước đầu có những tín hiệu khả quan và dự báo có tiềm năng bứt phá hơn trong thời gian tới.