3,1 tỉ người dân mới thải khí carbon bằng 1% 'giới thượng lưu'?
Theo một báo cáo mới của Oxfam được trình bày tại các cuộc đàm phán về khí hậu COP26, 1% những người giàu nhất thế giới sẽ phải chịu trách nhiệm cho 16% lượng khí thải carbon toàn cầu vào năm 2030.
Trách nhiệm của 1% những người giàu nhất thế giới
Mặc dù lượng khí thải carbon đã giảm mạnh do đại dịch, thế giới vẫn đang trên đà ấm lên vài độ trong thế kỉ này, đe dọa các quốc gia nghèo và đang phát triển khi phải hứng chịu hàng loạt thảm họa thiên nhiên.
Theo một báo cáo mới của Oxfam, mức tiêu thụ carbon của những người giàu nhất thế giới sẽ tiếp tục dẫn đến lượng khí thải carbon cao.
DW dẫn báo của Oxfam và Viện Môi trường Stockholm cho hay, 1% những người giàu nhất thế giới sẽ phải chịu trách nhiệm cho 16% lượng khí thải carbon toàn cầu vào năm 2030. Mức phát thải như vậy có thể làm tăng nguy cơ làm nóng hành tinh quá 1,5 độ C theo thỏa thuận khí hậu Paris.
“Việc duy trì vết carbon cao như vậy của những người giàu nhất thế giới sẽ dẫn đến hoặc phần còn lại của dân số thế giới phải cắt giảm lượng khí thải sâu hơn hoặc nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng quá 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp. Không có lựa chọn nào khác”, theo báo cáo.
Sự bất bình đẳng carbon
Báo cáo đã được trình bày tại các cuộc đàm phán về khí hậu COP26 đang diễn ra ở Glasgow, Scotland.
Báo cáo cũng xem xét sự bất bình đẳng carbon và vai trò của những người giàu nhất trên thế giới đối với sự nóng lên toàn cầu.
Theo ước tính, từ năm 1990-2015, lượng phát thải carbon của 1% người giàu nhất thế giới gấp 2 lần so với 1/2 dân số nghèo nhất toàn cầu cộng lại.
Theo báo cáo, lượng khí thải carbon của khoảng 80 triệu người thuộc tầng lớp thượng lưu giàu nhất thế giới sẽ cao hơn 25% vào năm 2030 so với năm 1990. Nó cũng sẽ cao hơn 30 lần so với mức phát thải được phép theo bình quân đầu người đã được thỏa thuận trong thỏa thuận Paris năm 2015.
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 cam kết các quốc gia phải hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 2 độ C so với mức trước thời kỳ công nghiệp hóa.
Tuy nhiên, lượng khí thải vẫn tiếp tục tăng cao kể từ đó và một số phân tích đã cảnh báo rằng nếu nền kinh tế toàn cầu ưu tiên tăng trưởng xanh, cùng với việc giảm ô nhiễm do dịch Covid-19, quá trình biến đổi khí hậu sẽ chậm lại đáng kể.
Nguyễn Linh (T/h)