Thứ ba, 23/04/2024 16:18 (GMT+7)
    Thứ năm, 30/12/2021 09:00 (GMT+7)

    10 sự kiện Giao thông vận tải nổi bật năm 2021

    Theo dõi KTMT trên

    Những sự kiện GTVT được chọn là nổi bật nhất trong năm 2021: Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể bốn ngành giao thông, Đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành thương mại, Hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam khai thác bay thường lệ tới Mỹ...

    1. Khai thác thương mại tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước

    Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chính thức ký bàn giao dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông để đưa vào vận hành khai thác ngày ngày 6/11.

    Là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thủ đô và của cả nước, phương thức vận tải khách công cộng khối lượng lớn này hứa hẹn sẽ góp phần giảm tắc nghẽn giao thông tại Hà Nội. Tuyến đường có tổng chiều dài 13 km, toàn bộ đi trên cao với 12 ga (điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối là ga Yên Nghĩa) và 13 đoàn tàu.

    Dự án sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc với tổng mức vốn đầu tư là 18.000 tỷ đồng, tăng thêm 57% so với dự toán ban đầu.

    10 sự kiện Giao thông vận tải nổi bật năm 2021 - Ảnh 1
    Sau 10 năm khởi công (tháng 10/2011), dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã chính thức vận hành thương mại vào ngày 6/11/2021.

    Dự án đã trải qua 10 năm thi công với nhiều lần lỡ hẹn hoàn thành (tháng 10/2011), dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã chính thức vận hành thương mại vào ngày 6/11/2021. Sau khi tiếp nhận bàn giao có điều kiện và đưa vào vận hành tuyến đường sắt này, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã cho tàu chạy ngay và miễn phí 15 ngày đầu cho tất cả hành khách trước khi thực hiện vận hành thương mại.

    1. Quy hoạch tổng thể 4 ngành giao thông được Chính phủ phê duyệt

    Chính phủ đã phê duyệt nhiều quy hoạch ngành giao thông trong năm 2021 như: Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

    10 sự kiện Giao thông vận tải nổi bật năm 2021 - Ảnh 2
    Ngày 1/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1454/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quy hoạch chuyên ngành đầu tiên được phê duyệt, được đánh giá có quy mô, phạm vi và sức ảnh hưởng lớn trong 37 quy hoạch chuyên ngành quốc gia của cả nước.

    Hệ thống cảng biển Việt Nam theo quy hoạch có 3 loại. Trong đó, cảng biển đặc biệt là cảng biển Hải Phòng và cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu. Cảng biển loại I có 15 cảng biển, cảng biển loại II có 6 cảng biển, cảng biển loại III có 13 cảng biển. Nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 313.000 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa), được huy động chủ yếu từ nguồn ngoài ngân sách, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác.

    Về đường sắt, đến năm 2030 sẽ quy hoạch 9 tuyến đường sắt mới, tổng chiều dài 2.362 km. Mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2050 được quy hoạch bao gồm 25 tuyến với chiều dài 6.354 km. Tổng nhu cầu vốn đến năm 2030 khoảng 240.000 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.

    Về đường bộ, đến năm 2030, cả nước có khoảng 5.004 km đường bộ cao tốc (tăng khoảng 3.841 km so với với năm 2021), đến năm 2050 mạng lưới đường bộ cao tốc cơ bản hoàn thiện với 41 tuyến, tổng chiều dài khoảng 9.014 km.

    Về đường thủy nội địa, quy hoạch 55 tuyến vận tải chính trên 140 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 7.300 km (trong đó khai thác đồng bộ theo cấp kỹ thuật đạt khoảng 5.000 km), gồm: miền Bắc có 18 tuyến chính trên 49 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 3.028 km; miền Trung có 11 tuyến chính trên 28 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 1.229 km và miền Nam có 26 tuyến chính trên 63 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 3.043 km.

    1. Dự án cảng hàng không Quốc tế Long Thành khởi công xây dựng

    Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 được khởi công vào ngày 5/1/2021 tại Đồng Nai. Đây là một trong top 16 dự án sân bay được mong chờ nhất thế giới vì quy mô và sức ảnh hưởng của nó. Đây cũng là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn với sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

    Tuy đã khởi công được gần 1 năm nhưng dự án này cũng đang gặp phải những khó khăn về giải phóng mặt bằng hay tiến độ. Mới đây, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu chậm nhất 31/12/2021 hoàn thành bàn giao, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất toàn bộ 1.810 ha và bàn giao 722 ha khu vực đổ đất dự trữ của dự án này.

    10 sự kiện Giao thông vận tải nổi bật năm 2021 - Ảnh 3
    Phối cảnh Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.

    Kế hoạch đưa ra, đến tháng 1/2025 sẽ hoàn thành các hạng mục chính như đường băng, nhà ga và hoàn thành toàn bộ dự án, đưa công trình vào sử dụng trong 6 tháng đầu năm 2025.

    1. Mở đường bay thẳng thường lệ Việt – Mỹ

    Như vậy, sau nhiều năm chuẩn bị, Việt Nam đã có đường bay thẳng tới San Francisco (Hoa Kỳ) đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử thương mại và hàng không 2 quốc gia.

    Từ tháng 12/2021, Hãng Hàng không quốc gia Vietnam Airlines sẽ khai thác thường lệ đường bay thẳng giữa TP.HCM và San Francisco với tần suất 2 chuyến/tuần, sau đó sẽ tăng lên 7 chuyến/tuần sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và Chính phủ Việt Nam cho phép mở lại các đường bay quốc tế thường lệ. Các chuyến bay được thực hiện bằng đội tàu bay thân rộng Boeing 787 và Airbus A350.

    10 sự kiện Giao thông vận tải nổi bật năm 2021 - Ảnh 4
    Chuyến bay thẳng thường lệ đầu tiên của Vietnam Airlines đến Mỹ hôm 29/11.

    Kế hoạch mở đường bay thẳng Việt – Mỹ được Vietnam Airlines triển khai từ năm 2000. Để đạt chứng nhận khai thác thường lệ đường bay tới Mỹ, hãng đã phải làm việc với 9 cơ quan của Mỹ với nhiều thủ tục khắt khe.

    Ngoài Vietnam Airlines, hãng hàng không Bamboo Airways cũng công bố kế hoạch sẽ mở đường bay thẳng mới Mỹ và đã có chuyến bay charter đầu tiên.

    1. Thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

    Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã chính thức thông tuyến ngày 4/1 sau nhiều năm trì trệ. Đây là dự án có vai trò đặc biệt quan trọng kết nối khu vực đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

    Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài hơn 50 km đi qua vùng đầm lầy, sông nước thuộc tỉnh Tiền Giang. Dự án có tổng vốn hơn 14.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2013. Tuy nhiên, do nhà đầu tư thiếu năng lực nên công trình bị đình trệ. Sau nhiều lần thay đổi chủ đầu tư và thay đổi cơ quan quản lý dự án từ Bộ Giao thông Vận tải về UBND Tiền Giang, vốn dự án được điều chỉnh còn hơn 12.000 tỷ đồng.

    10 sự kiện Giao thông vận tải nổi bật năm 2021 - Ảnh 5
    Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đoạn giao nhau với cao tốc TP.HCM - Trung Lương tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành, Tiền Giang) nhìn từ trên cao.

    Vừa qua, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng đã có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo nhà đầu tư dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và các đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án; đồng thời chủ động quyết định thời gian hoàn thành dự án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, an toàn.

    1. Chuyển các Dự án PPP sang đầu tư công

    Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với 2 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư là đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu qua Thanh Hoá và Nghệ An vào tháng 1/2021.

    Đây là 2 dự án cuối cùng trong số 11 dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam hoàn thành việc quyết định chủ trương đầu tư, chọn nhà đầu tư và khởi công dự án.

    10 sự kiện Giao thông vận tải nổi bật năm 2021 - Ảnh 6
    Tổng chiều dài 9 đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông là 552 km với tổng mức đầu tư 114.088 tỷ đồng.

    Như vậy, trong số 11 dự án thành phần của tuyến cao tốc này chỉ có 3 dự án được đầu tư theo hình thức PPP và có tới 8 dự án đầu tư theo hình thức đầu tư công. Trong khi mục tiêu ban đầu là 8 dự án PPP và chỉ có 3 dự án đầu tư công.

    Toàn bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam hiện nay đã được lựa chọn nhà thầu và khởi công dự án với mục tiêu hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2023.

    1. Vận tải hàng hóa đường sắt tăng trưởng giữa đại dịch

    Ngành đường sắt  năm 2021 đã chuyển hướng sang ưu tiên vận chuyển hàng hóa nhằm đem lại doanh thu trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến lượng khách đi tàu giảm sâu, theo đó, dự kiến cả năm 2021, hàng liên vận quốc tế xuất qua cả hai ga cửa khẩu Lào Cai và Đồng Đăng đạt hơn 508.000 tấn, tăng khoảng 32% so cùng kỳ 2020, doanh thu tăng khoảng 2%. Chiều hàng nhập liên vận quốc tế dự kiến đạt hơn 635.000 tấn, tăng hơn 38% so cùng kỳ 2020, doanh thu tăng khoảng 16%.

    10 sự kiện Giao thông vận tải nổi bật năm 2021 - Ảnh 7
    Vận tải hàng hóa tăng trưởng là kết quả từ các giải pháp chuyển dịch cơ cấu vận tải, tập trung thúc đẩy vận tải hàng hóa.

    Mặc dù vậy, vận tải hành khách, dự kiến chỉ vận chuyển được hơn 1.391.000 người, bằng 36,7% cùng kỳ 2020; Doanh thu hành khách bằng 40,5% cùng kỳ 2020. Tổng doanh thu vận tải cả năm 2021 dự kiến chỉ bằng 77,3% năm 2020.

    1. Dừng hoạt động GTVT trong giai đoạn giãn cách xã hội

    Một trong những sự kiện nổi bật trong năm 2021 là việc hàng chục tỉnh, thành phố đều phải dừng hầu hết hoạt động giao thông vận tải trong giai đoạn xã hội.

    Ở thời điểm này, các phương tiện vận tải hàng hoá phải được cấp mã nhận diện QR "luồng xanh" mới được phép lưu thông. Điều này gây ra hàng hoạt bất cập trong hoạt động vận tải hàng hoá khiến hàng chục nghìn phương tiện phải tạm dừng, hoặc chờ đợi để cấp mã kiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

    10 sự kiện Giao thông vận tải nổi bật năm 2021 - Ảnh 8
    Tài xế trình giấy xác nhận luồng xanh có mã QR cho lực lượng chức năng kiểm tra tại Trạm thu phí Pháp Vân- Cầu Giẽ. (Ảnh: Ngọc Thành)

    Tuy nhiên, ngay sau đó, Bộ GTVT đã phối hợp cùng các địa phương để giải quyết và khôi phục lại hệ thống giao thông vận tải.

    1. Đề xuất nhập 37 toa tàu cũ từ Nhật Bản gây tranh cãi

    Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đề xuất cho phép đơn vị nhập khẩu và khai thác 37 toa xe tự hành diesel DMU đã qua sử dụng khoảng 40 năm của Nhật Bản. Các toa xe này được đối tác của VNR là Tổng công ty Đường sắt Đông Nhật Bản sẵn sàng chuyển giao miễn phí nếu có nhu cầu và Việt Nam sẽ chịu các chi phí liên quan đến nhập khẩu, cải tạo toa xe phù hợp với quy định của Việt Nam.

    Đề xuất này của VNR sau đó gây nhiều tranh cãi trong dư luận.

    10 sự kiện Giao thông vận tải nổi bật năm 2021 - Ảnh 9

    37 toa xe loại Kiha 40 và Kiha 48 được Nhật Bản sản xuất giai đoạn 1979-1982 do Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản (JR East) sử dụng, hiện đã ngừng khai thác mà VNR xin nhập.

    Liên quan đến đề xuất này, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Lê Văn Thành về đề xuất nhập khẩu và khai thác 37 toa xe tự hành DMU đã qua sử dụng của Nhật Bản, theo đó, Phó thủ tướng không đồng ý nhập khẩu và khai thác 37 toa xe như ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải.

    1. Sai phạm tại Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi

    Đầu tháng 12/2021, Toà án Nhân dân Hà Nội đã công bố bản án với 36 bị cáo trong vụ án sai phạm xảy ra tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Cả 36 bị cáo được xác định phạm vào tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng".

    Trong đó, 2 cựu Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) gồm Nguyễn Mạnh Hùng 7 năm tù; Lê Quang Hào 6 năm tù.

    10 sự kiện Giao thông vận tải nổi bật năm 2021 - Ảnh 10

    Kết quả trưng cầu giám định tư pháp tại 7/7 gói thầu, cơ quan chức năng phát hiện lớp nền, móng và mặt đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật.

    33 bị cáo khác bị tuyên phạt từ 2 năm tù treo đến 8 năm 6 tháng tù giam. Riêng bị cáo nước ngoài, toà miễn trách nhiệm hình sự với ông này do tuổi cao, khai báo thành khẩn. Các bị cáo này bị cáo buộc gây thất thoát hơn 811 tỷ đồng.

    Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài gần 140 km trong đó giai đoạn 1 của dự án dài 65 km từ TP.Đà Nẵng tới TP.Tam Kỳ (Quảng Nam); giai đoạn 2 dài hơn 74 km với tổng số vốn đầu tư hơn 34.500 tỷ đồng. Dự án được khởi công năm 2013 và từ tháng 9/2018 đã đưa vào sử dụng 65 km của giai đoạn 1.

    Bùi Hằng (T/h)

    Bạn đang đọc bài viết 10 sự kiện Giao thông vận tải nổi bật năm 2021. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới

    Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
    Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.