Thứ hai, 09/09/2024 22:05 (GMT+7)
Thứ bảy, 03/06/2023 06:55 (GMT+7)

10 phát ngôn ấn tượng trong tuần làm việc thứ hai Kỳ họp thứ 5

Theo dõi KTMT trên

Tại tuần làm việc thứ hai của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, nhiều đại biểu Quốc hội đã có những phát ngôn đáng chú ý liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước.

10 phát ngôn ấn tượng trong tuần làm việc thứ hai Kỳ họp thứ 5 - Ảnh 1

Phát biểu tại chương trình Kỳ họp thứ 5, ngày 29/5, Quốc hội thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định: "Quốc hội đánh giá việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế, cơ sở y tế dự phòng thời gian vừa qua luôn được Đảng, Nhà nước, địa phương, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội quan tâm và đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tích cực góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân trong giai đoạn dịch bệnh. Đồng thời, đã đóng góp rất quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.

Quốc hội khẳng định quyết tâm chung sức, đồng lòng, tinh thần đoàn kết, đại đoàn kết của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố quyết định để đất nước ta chiến thắng đại dịch COVID-19. Sự nỗ lực của Chính phủ, của chính quyền địa phương, của cả hệ thống chính trị, của cấp ủy các cấp, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, tổ chức xã hội, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp, sự giúp đỡ nhiệt tình, trách nhiệm của các quốc gia, các tổ chức quốc tế và của cộng đồng quốc tế. Cùng với sự tự giác chấp hành và hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau trong toàn dân, tất cả các tổ chức xã hội đã đóng góp rất quan trọng, ý nghĩa vào thành công trong phòng chống đại dịch. Coi đây là sự chiến thắng của toàn thể Nhân dân ta, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ.

Quốc hội tôn vinh, ghi nhận, trân trọng cảm ơn sự đóng góp to lớn cả về trí tuệ, tài sản, vật chất, công sức, tinh thần của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ tuyến đầu của ngành y tế, lực lượng vũ trang và các lực lượng trực tiếp tại cơ sở trong phòng, chống dịch bệnh, sự tham gia đông đảo của các tầng lớp Nhân dân, các tổ chức xã hội. Trong đó nhiều người đã hy sinh cả sức khỏe, quyền lợi của bản thân, quyền lợi của gia đình, thậm chí hy sinh xương máu và tính mạng vì sự nghiệp phòng chống đại dịch, vì sức khỏe của Nhân dân. Nhiều người đã ra đi mãi mãi không bao giờ trở lại. Đó là những tấm lòng cao cả, những đóng góp công lao vô cùng to lớn mà cả nước ta, Nhân dân ta luôn ghi nhớ và tôn vinh, đó cũng là truyền thống đạo lý tốt đẹp, ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam, đất nước Việt Nam." 

10 phát ngôn ấn tượng trong tuần làm việc thứ hai Kỳ họp thứ 5 - Ảnh 2

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình: "Nếu không giải quyết dứt điểm điểm nghẽn trong vấn đề sợ trách nhiệm thì dù có đầy đủ hệ thống quy định vẫn không thể thúc đẩy tăng trưởng. Tình trạng địa phương gặp khó khăn khi gửi công văn xin hướng dẫn chỉ đạo từ Bộ, ngành không phải là hiếm gặp trong bối cảnh Luật và các văn bản dưới Luật còn chồng chéo.

Tình trạng này càng trở nên phổ biến khi các địa phương xin hướng dẫn thì được phúc đáp theo kiểu trích dẫn khoản nọ, điều kia. Nhiều địa phương cùng hỏi một nội dung khiến cho việc trả lời chiếm không ít thời gian của một bộ phận chuyên môn từ các Bộ, ngành. Điều này đã đặt ra một yêu cầu cấp thiết, nên chăng thành lập tổ công tác liên ngành tập hợp các đầu mối nhằm tháo gỡ vướng mắc địa phương", phát biểu trong phiên thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023 ngày 31/5.

10 phát ngôn ấn tượng trong tuần làm việc thứ hai Kỳ họp thứ 5 - Ảnh 3

Cũng phát biểu tại phiên thảo luận ngày 31/5, đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, theo quy hoạch TP. Hà Nội có 417km đường sắt đô thị, 10 tuyến với tổng mức đầu tư khoảng 40 tỷ USD; còn TP. Hồ Chí Minh có 220km đường sắt đô thị, 8 tuyến, tổng mức đầu tư khoảng 25 tỷ USD.

Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai hình thành các tuyến theo quy hoạch rất chậm. Các dự án metro thường kéo dài 10 - 20 năm mới hoàn thành. Đáng kể, nguồn lực đầu tư rất lớn, vốn từ ODA hạn chế và ngân sách nhà nước eo hẹp. Thực tế triển khai các dự án đường sắt đô thị trong thời gian qua cho thấy khá nhiều bất cập.

Với cách thức và thực trạng triển khai hiện nay việc hoàn thành gần 600km đường sắt đô thị còn lại, gồm tại Thủ đô 400km và TP. Hồ Chí Minh gần 200km trong vòng 12 năm tới là khó khả thi, nếu không muốn nói là bất khả thi về triển khai thực hiện cũng như huy động nguồn lực.

10 phát ngôn ấn tượng trong tuần làm việc thứ hai Kỳ họp thứ 5 - Ảnh 4

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị): "Những quy định chưa hợp lý, siết chặt quá mức trong phòng cháy, chữa cháy, những ách tắc trong các kiểm định phương tiện giao thông đường bộ, lãi suất tiền cho vay ở mức cao như là những cú bồi khiến cho doanh nghiệp “knock out” ngay trên sân nhà của chính mình.

10 phát ngôn ấn tượng trong tuần làm việc thứ hai Kỳ họp thứ 5 - Ảnh 5

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Đoàn DdaBQH tỉnh Bạc Liêu: "Chủ trương là luôn khẳng định khuyến khích đầu tư năng lượng tái tạo. Trong thực tiễn đầu tư thì lĩnh vực năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, doanh nghiệp phải có chi phí đầu tư cao hơn so với các lĩnh vực khác. Nhưng việc định giá để mua điện gió, điện mặt trời lại thấp hơn so với giá từ điện than, điện chạy dầu diesel.

Mặt khác, trong khi mua chưa hết công suất của điện gió, điện mặt trời trong nước thì lại đi nhập khẩu điện từ các nước lân cận, gây ra tình trạng bức xúc trong doanh nghiệp lĩnh vực này vì không đảm bảo quyền lợi chính đáng."

10 phát ngôn ấn tượng trong tuần làm việc thứ hai Kỳ họp thứ 5 - Ảnh 6

Phát biểu tại thảo luận đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023, ngày 1/6, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho biết: "Nhiều cử tri phản ánh việc đưa thịt lợn vào mặt hàng bình ổn giá là khó khả thi. Vì so với các thực phẩm khác, thịt lợn không phải là mặt hàng thiết yếu nhất, xu hướng tiêu dùng của người Việt đã có sự thay đổi đa dạng hơn, có sự chuyển dịch sang tiêu thụ nhiều hơn sản phẩm thủy sản, trứng, thịt gia cầm và thịt bò.

Trong khi đó, rất khó để tính giá thành chăn nuôi lợn, do thực trạng chăn nuôi ở nước ta chủ yếu quy mô nhỏ lẻ với hàng triệu hộ chăn nuôi, năng suất chăn nuôi còn thấp. Dịch tả lợn châu Phi vẫn là thách thức tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng lớn đến các chỉ tiêu chính như tỷ lệ tiêu tốn thức ăn, tỷ lệ chết rất cao. Phần lớn khoảng 80% thịt lợn được bán tại các chợ truyền thống nên việc áp dụng chính sách tính toán giá thành, hỗ trợ nguồn vốn dự phòng, hỗ trợ giá khi giá bán dưới giá thành, can thiệp vào giá là rất khó.

Bên cạnh đó, để thực hiện chính sách bình ổn giá đối với hàng hóa như thịt lợn thì cần nguồn kinh phí khá lớn, trong khi ngân sách đang rất khó khăn. Qua nghiên cứu cho thấy trên thế giới cũng chưa có quốc gia nào đưa thịt lợn vào mặt hàng bình ổn giá."

10 phát ngôn ấn tượng trong tuần làm việc thứ hai Kỳ họp thứ 5 - Ảnh 7

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH TP.HCM: "Mỗi lần sai phạm xảy ra, chúng ta lại nghĩ: Có lẽ luật pháp chưa được chặt chẽ chăng? Thế là chúng ta lại đặt thêm ra một số quy định. Luật Phòng cháy, chữa cháy có mấy chục năm rồi, có phải là thiếu không?

Chúng ta mang tư duy này áp lên tất cả các lĩnh vực, từ phá rừng, khai thác cát trái phép, chống tình trạng say rượu lái xe… Tất cả những cái này có phải do luật không có hoặc không đủ hay không?

Tôi đã có những thực tiễn cho thấy có những người có tiền, trước thay vì phạt 3 triệu, 5 triệu, thì bây giờ phạt 15, 20 triệu, thậm chí 30, 40 triệu. Họ sẵn sàng chung chi và có những cảnh sát giao thông tiêu cực sẵn sàng nhận khoản tiền đó để bỏ qua.

Thực chất "cái gốc" vẫn là con người. Chúng ta phải xác định rõ như vậy thì mới khắc phục được. Còn nếu không sẽ có vô số vòng kim cô cho doanh nghiệp và cho xã hội nhưng không khắc phục được yếu kém của chúng ta."

10 phát ngôn ấn tượng trong tuần làm việc thứ hai Kỳ họp thứ 5 - Ảnh 8

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng: "Điều hành lãi suất cần được xem xét trong tổng thể điều hành chính sách kinh tế vĩ mô để đảm bảo được đại cục ổn định kinh tế vĩ mô tiền tệ, đặc biệt là đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Năm 2022 có 2 lý do rất quan trọng để chúng ta phải chấp nhận mặt bằng lãi suất cao hơn. Thứ nhất, lãi suất quốc tế đồng loạt tăng nhanh và mạnh. Trong nước, lạm phát trong năm 2022 bình quân tăng 3,15% (Tuy là thấp so với mục tiêu nhưng vẫn cao hơn so với mức 1,84% năm 2021 và đặc biệt là trong nửa cuối năm 2022, lạm phát đang có xu hướng tăng nhanh từng tháng, cuối năm lạm phát so với cùng kỳ đã ở mức 5%; lạm phát cơ bản bình quân đã khoảng 5%, cao hơn nhiều so với mức bình quân lạm phát cơ bản năm 2021). Chính vì vậy, việc điều hành không thể chủ quan với lạm phát;

Thứ hai, áp lực mất giá của đồng Việt Nam rất lớn trong năm 2022 khi các nước thắt chặt chính sách tiền tệ và đồng Đô la tăng giá mạnh. Vào thời điểm tháng 9 – tháng 10/2022, áp lực mất giá của đồng Việt Nam lên đến 9-10%, nếu không có các giải pháp linh hoạt, đồng bộ thì khó có thể ổn định được mức tỷ giá chỉ mất giá 3,5% trong năm 2022.

10 phát ngôn ấn tượng trong tuần làm việc thứ hai Kỳ họp thứ 5 - Ảnh 9

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: "Tôi xin khẳng định một lần nữa trước Quốc hội là đến nay đã thực hiện phân cấp, phân quyền triệt để, giao tất cả các quyền cho Bộ, ngành, địa phương, từ khâu lựa chọn dự án đến lập dự án, chuẩn bị dự án, giải ngân đầu tư công, việc điều chỉnh dự án, giải phóng mặt bằng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ làm công tác tổng hợp, rà soát.

Thực tế, cùng mặt bằng pháp lý nhưng địa phương này thực hiện tốt, địa phương khác chưa thực hiện tốt, vấn đề do khâu tổ chức thực hiện.

Chính vì thế, đề nghị các đại biểu HĐND các cấp quan tâm và giám sát địa phương mình, ngành mình, cùng với Chính phủ tạo chuyển biến tích cực hơn trong vấn đề giải ngân đầu tư công trong thời gian tới.
"

Nội dung: Hà Lan

Thiết kế: Trường Vũ

Bạn đang đọc bài viết 10 phát ngôn ấn tượng trong tuần làm việc thứ hai Kỳ họp thứ 5. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam đang ở đâu trong cuộc đua NetZero? (Bài 1)
Với những nỗ lực của mình nhằm đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực. Trong đó, ngành giao thông vận tải-một trong những ngành có nguồn phát thải lớn cũng đang nỗ lực trong tiến trình xanh hóa.

Tin mới

Chủ xe VF 6: “Hoàn toàn tự tin đi xuyên Việt“
Sau hành trình du lịch từ Hà Nội vào Gia Lai bằng VinFast VF 6, anh Đỗ Hoàng Thái Bảo (Hà Nội) nhận thấy chiếc xe hoàn toàn có thể chạy xuyên Việt dễ dàng nhờ động cơ mạnh mẽ, hệ thống ADAS an toàn và phạm vi hoạt động vượt kỳ vọng.