Yên Bái: Xử phạt 240 triệu đồng đối tượng mua và tàng trữ gỗ Pơ mu trái phép
Một cá nhân và đơn vị mua và tàng trữ gỗ Pơ mu trái phép bị UBND tỉnh Yên Bái xử phạt tổng số tiền 240 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 9 tháng.
UBND tỉnh Yên Bái vừa xử phạt một đơn vị và một cá nhân tổng số tiền 240 triệu đồng do mua, tàng trữ lâm sản không có hồ sơ hợp pháp thuộc danh mục quý hiếm nhóm IIA.
Cụ thể, ngày 19/7/2022, Đội quản lý thị trường số 3 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái lập biên bản xử lý vi phạm đối với ông Vũ Xuân Chiến - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc Hợp tác xã Thành Công và ông ông Nguyễn Việt Hưng do mua và tàng trữ gỗ pơ mu trái phép, vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Tại cơ sở chế biến lâm sản của Hợp tác xã Thành Công (địa chỉ tại Tổ 4, phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái), cơ quan chức năng phát hiện 5.302 thanh tâm gỗ pơ mu xẻ (nhóm IIA), có khối lượng đo đếm là 4,2 m3. Còn tại cơ sở nhà ông Nguyễn Việt Hưng (địa chỉ tại Tổ 6, phường Cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ) có khối lượng gỗ là 9.690 thanh tấm pơ mu xẻ, tương đương với 3,7m3.
Với hành vi vi phạm trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái - Nguyễn Thế Phước đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Việt Hưng là 80 triệu đồng, đối với Hợp tác xã Thành Công số tiền 160 triệu đồng. Đồng thời, tịch thu toàn bộ khối lượng gỗ pơ mu theo quy định pháp luật. Riêng đối với Hợp tác xã Thành Công bị đình chỉ hoạt động cưa xẻ, bào gỗ, bảo quản gỗ, sản xuất đồ gỗ và sản xuất sản phẩm khác từ gỗ trong thời hạn 9 tháng.
UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu Hợp tác xã Thành Công và ông Nguyễn Việt Hưng nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành xử phạt theo quy định.
Quyết định số 524/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 1/4/2021 đã chỉ rõ, đến hết năm 2025, cả nước trồng được 1 tỷ cây xanh, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.
Theo đánh giá của nhiều nhà khoa học, đề án 1 tỷ cây xanh (690 triệu cây phân tán ở đô thị và nông thôn, 310 triệu cây ở rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng mới rừng sản xuất…) chính là một trong những tiền đề quan trọng để Việt Nam hướng đến phát triển bền vững, mang lại lợi ích môi trường và kinh tế.
Về mặt kinh tế, 690 triệu cây xanh trồng phân tán tại khu vực đô thị và nông thôn, ngoài tác dụng cảnh quan, giải trí, các cây đa tác dụng còn cho sản phẩm là hoa, quả, thực phẩm dược liệu,... góp phần tạo thu nhập tăng thêm từ lâm sản ngoài gỗ phục vụ cho tiêu dùng thông qua các mô hình nông lâm ngư kết hợp cho người dân tham gia trồng và bảo vệ cây xanh.
Bên cạnh đó, với 180.000 ha rừng trồng tập trung trong đó có 150.000 ha rừng trồng sản xuất, ước tính tạo ra được khoảng 15 triệu m3 gỗ, củi phục vụ cho tiêu dùng và chế biến, ngoài ra với tổng diện tích 180.000 ha rừng tập trung được trồng mới, dự kiến sẽ hấp thụ khoảng 9 triệu tấn CO2 tương đương, tương ứng với giá trị 4,5 triệu USD.
Đức Mậu