Yên Bái: Xã hội hóa nguồn lực góp phần đẩy nhanh xây dựng nông thôn mới
Việc xây dựng nông thôn mới không chỉ sử dụng nguồn lực từ ngân sách Nhà nước mà việc huy động xã hội hóa cũng góp phần đẩy nhanh xây dựng nông thôn mới tại một số địa phương trong tỉnh Yên Bái.
Trong thời gian qua, xây dựng nông thôn mới trong tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả tích cực, điều đó được thể hiện ở diện mạo nông thôn các địa có sự thay đổi tích cực, toàn diện, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường, dân chủ ở cơ sở được phát huy, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, vai trò làm chủ và vị thế của người dân ngày càng được nâng cao trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Đối với xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn cũng góp phần rất lớn cho công cuộc xây dựng nông thôn mới nhằm tạo ra diện mạo, bộ mặt mới cho nông thôn. Để đạt được điều đó, ngoài nguồn kinh phí từ Nhà nước là chủ lực thì nguồn đầu tư từ Nhân dân, nguồn xã hội hóa từ các đơn vị rất có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng nông thôn mới tại các thôn, bản.
Tiêu biểu trong việc vận động nguồn kinh phí xã hội hóa có thể kể tới thôn Cống Đá, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái là thôn đã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua, nhiều tài sản, hoa màu và đặc biệt là một số tuyến đường giao thông nông thôn bị ngập và hư hỏng nặng ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân và cảnh quan.
Không “đứng yên trước số phận”, Nhân dân thôn Cống Đá đã họp bàn và kêu gọi xã hội hóa kinh phí để làm đường giao thông nông thôn, qua đó được các nhà hảo tâm và người con xa quê hỗ trợ kinh phí.
Trao đổi với Chủ tịch UBND xã Âu Lâu - Nguyễn Quốc Huy cho biết: “Chúng tôi đã trình UBND thành phố Yên Bái và đã được duyệt chủ trương, phương án xây dựng đường giao thông tại thôn Cống Đá bị hư hỏng do cơn bão số 3 với 100% kinh phí xã hội hóa. Kinh phí từ Nhà nước không còn nên để tiến hành làm xây dựng được thì chỉ có xã hội hóa từ việc vận động người dân quê hương góp phần xây dựng nông thôn mới”.
Ông Nguyễn Quang Sáng - Trưởng thôn Cống Đá chia sẻ: “Cơn bão số 3 khiến cho tuyến đường bị ngập nước và cuốn trôi hư hỏng nhiều đoạn đường giao thông nông thôn của bà con trong thôn, chính vì vậy, để khôi phục đường giao thông cho bà con đi lại thuận tiện sau bão lũ và chuẩn bị đón Tết Nguyên đán 2025, thôn chúng tôi đã đề xuất với UBND xã Âu Lâu triển khai thực hiện con đường này, tuy nhiên kinh phí từ Nhà nước không còn.
Chúng tôi đã kêu gọi bà con người dân trong thôn và những người con làm ăn xa quê góp tiền để cùng xây dựng đoạn đường giao thông vào thôn này. Với chiều dài gần 170 mét, chiều ngang mặt đường là 3 mét có lề đường. Chúng tôi rất cảm ơn đơn vị tài trợ là gia đình anh Lê Anh Tuấn - Chủ cửa hàng xe máy Tuấn Hà (Lào Cai) đã góp phần lớn tiền và công sức để hoàn thành con đường mới cho bà con”.
Anh Lê Anh Tuấn chia sẻ: “Tôi là một công dân ở thôn Cống Đá làm ăn xa quê. Sau khi Trưởng thôn Cống Đá đặt vấn đề hỗ trợ cho bà con có tuyến đường đi, tôi đồng ý ngay và hỗ trợ cho bà con kinh phí làm đường với tổng giá trị 230 triệu đồng. Ngoài việc hỗ trợ bà con làm đường ở đây, tôi cũng hỗ trợ tiền mặt và sửa xe miễn phí cho bà con ở huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Với việc xuất phát từ tâm, tôi mong muốn góp một phần nhỏ để xây dựng quê hương khang trang, sạch đẹp hơn, hoàn thành các tiêu chí đảm bảo xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Công cuộc xây dựng nông thôn mới ngoài kinh phí từ ngân sách Nhà nước là chủ yếu, thì nguồn đầu tư xã hội hóa từ doanh nghiệp, cá nhân và bà con Nhân dân cũng rất cần thiết nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới tại các địa phương trong tỉnh Yên Bái.
Đức Mậu