Thứ năm, 25/04/2024 21:12 (GMT+7)
Thứ ba, 02/03/2021 06:00 (GMT+7)

Ý tưởng hầm, cao tốc ngầm dọc sông Tô Lịch: Có chồng chéo và lãng phí?

Theo dõi KTMT trên

Nhiều chuyên gia cho rằng, công trình theo đề xuất của JVE Group rất lớn nên việc đánh giá tác động môi trường là không thể bỏ qua và cần phải xem xét thận trọng.

Nhiều chuyên gia đặt nghi ngại nếu như dự án của Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE Group) được chấp thuận thì việc thu gom và xử lý nước thải tại hệ thống chống ngập "khổng lồ" bao gồm các giếng thu nước, hầm ngầm thoát nước (đặt phía dưới tầng cao tốc ngầm) sẽ được đưa đi đâu. Có xử lý trước không hay sẽ gom nước thải rồi chảy thẳng ra sông Nhuệ, sông Đáy?

Về vấn đề này, trao đổi với Tạp chí Kinh tế Môi trường, TS. Phan Lê Bình - Chuyên gia JICA, Giảng viên Chương trình Thạc sĩ Kỹ thuật Hạ tầng cho biết, sông Tô Lịch vốn bản thân nó không chỉ chứa nước mưa mà còn chứa nước thải sinh hoạt của rất nhiều hộ dân. Khi đến mùa mưa, nước mưa sẽ được hòa lẫn với nước thải sinh hoạt nếu không được xử lý hóa học mà xả thẳng ra sông Hồng, sông Đáy sẽ gây tác hại rất lớn đến môi trường. Công trình theo đề xuất của JVE Group lớn như vậy, việc đánh giá tác động môi trường là không thể bỏ qua và cần phải xem xét thận trọng.

Ý tưởng hầm, cao tốc ngầm dọc sông Tô Lịch: Có chồng chéo và lãng phí? - Ảnh 1
TS. Phan Lê Bình - Chuyên gia JICA, Giảng viên Chương trình Thạc sĩ Kỹ thuật Hạ tầng.

Khi được hỏi về tính khả thi của đề xuất xây dựng hầm, cao tốc ngầm dọc sông Tô Lịch, TS. Phan Lê Bình nêu rõ, có hay không phải dựa trên rất nhiều tiêu chí. Khả thi về mặt công nghệ, kỹ thuật hay khả thi về kinh tế, tài chính.

"Bởi vì khả thi hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như địa chất, đất chặt hay nhão, mực nước ngầm cao hay thấp. Mực nước ngầm cao cũng là rào cản rất lớn trong quá trình thi công đường hầm. Muốn tránh được nước ngầm chảy vào đường hầm gây thiệt hại tài sản và con người thì phải tốn rất nhiều công sức cũng như chi phí. Hơn nữa phần đáng lưu tâm là thường khi thi công đường hầm cần phải có bê tông đáy để cố định nhưng trong đề xuất của JVE phần đáng lẽ là chỗ chứa bê tông đáy lại là chỗ để chứa nước. Như vậy không có sức nặng để cố định đường hầm, dẫn đến việc đường hầm có thể bị đánh bật bởi nước ngầm”, TS. Phan Lê Bình nêu quan điểm.

TS. Phan Lê Bình nêu dẫn chứng cụ thể, ở Tokyo có công trình gần giống như đề xuất của JVE Group nhưng tuyến đường ngầm ở Tokyo không chạy trong nội đô thành phố. Điểm khác biệt ở đây là hầm tại Tokyo chỉ để chứa nước mà không có hầm ngầm dành cho phương tiện giao thông. “Ví dụ như đường hầm chứa nước của Tokyo chỉ đơn thuần là hầm chứa nước không mà đã tốn 1,5 tỉ USD ước chừng (35.000 tỉ đồng), thế nhưng theo đề xuất kèm thêm cao tốc ngầm của JVE thì quả thật rất tốn kém”,TS. Phan Lê Bình nhận định.

Ý tưởng hầm, cao tốc ngầm dọc sông Tô Lịch: Có chồng chéo và lãng phí? - Ảnh 2
Thu gom và xử lý nước thải tại hệ thống chống ngập "khổng lồ" có xử lý trước không hay sẽ gom nước thải rồi chảy thẳng ra sông Nhuệ, sông Đáy?

Theo các chuyên gia vấn đề lớn cần phải lưu tâm tại đề xuất của JVE Group là hiện tại hệ thống cống thu gom nước thải thuộc dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đang xây dựng và sắp tới đi vào hoạt động vậy đề xuất xây hầm, cao tốc ngầm có ảnh hưởng đến hệ thống thu gom nước thải Yên Xá hay không?

Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, khi thực hiện xây dựng hệ thống cống ngầm chống ngập thì việc thu, gom, xử lý nước thải sẽ được thực hiện như thế nào? Sẽ sử dụng hệ thống hạ tầng thoát nước của Hà Nội hay phải xây dựng hệ thống cống ngầm mới? Bởi không thể sử dụng hệ thống thoát nước nổi cho một dự án ngầm.

Trao đổi về vấn đề này, TS. Phan Lê Bình cho biết, đây là điểm cần phải cân nhắc, bởi vì có thể xảy ra việc chồng chéo và lãng phí tiền bạc. Có nhà máy xử lý nước thải Yên Xá rồi, hầm ngầm của JVE Group có thật sự cần thiết không?

Trao đổi với báo giới, Thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn, chuyên gia quy hoạch giao thông (Đại học GTVT) cho rằng ý tưởng kết hợp hệ thống thoát nước với đường giao thông ngầm là rất đáng quan tâm. Trên thực tế, Hà Nội chưa bao giờ có cái gọi là bản đồ quy hoạch không gian ngầm. Những ý tưởng như của JVE, dù trước mắt có khả thi hay không thì về lâu dài cũng cần được nghiên cứu đưa vào quy hoạch để có định hướng thực hiện trong tương lai.

Tuy nhiên, ông Tuấn lưu ý rằng mỗi giai đoạn cần ưu tiên dự án nào trước. Tiền ít thì phải biết phân bổ nguồn lực cho phù hợp. Giao thông công cộng cũng cần, hạ tầng cho xe cá nhân cũng cần. Vấn đề là phải kết hợp được với nhau tạo thành hệ thống đồng bộ.

"Từ nay đến 2030, theo tôi vẫn phải tập trung nguồn lực cho vận tải công cộng, đặc biệt là metro. Hiện chỉ có 1-2 tuyến metro như Cát Linh - Hà Đông hay Nhổn - Ga Hà Nội thì chưa thu hút được người dân sử dụng", Thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn nói và cho biết có thể nghiên cứu ý tưởng cao tốc ngầm trong giai đoạn 2030-2040.

Nhà máy xử lý nước thải có công suất 270.000 m3/ngày đêm

Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (thôn Yên Xá, huyện Thanh Trì, Hà Nội) được khởi công xây dựng từ đầu tháng 10/2016, dự kiến đưa vào hoạt động năm 2021 với tổng mức đầu tư hơn 800 triệu USD (hơn 16 nghìn tỉ đồng). Dự án này bao gồm một nhà máy xử lý nước thải có công suất 270.000 m3/ngày đêm và tuyến cống thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ.

Thùy An

Bạn đang đọc bài viết Ý tưởng hầm, cao tốc ngầm dọc sông Tô Lịch: Có chồng chéo và lãng phí?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.