Thứ năm, 25/04/2024 00:28 (GMT+7)
Thứ tư, 24/02/2021 12:30 (GMT+7)

Ý tưởng hầm ngầm, cao tốc ngầm chạy dọc sông Tô Lịch liệu có khả thi?

Theo dõi KTMT trên

Các chuyên gia đặt nghi vấn về tính khả thi của việc xây dựng hầm chống ngập "khổng lồ" kết hợp cao tốc ngầm chống ùn tắc chạy dọc sông Tô Lịch.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) vừa đưa ra ý tưởng xây dựng cao tốc ngầm kết hợp cống chống ngập cho thủ đô. Công trình này nằm ở độ sâu 36 m bên dưới bờ kè sông Tô Lịch (TP.Hà Nội). Đây cũng chính là doanh nghiệp đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành "Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch" được TP.Hà Nội xem xét thời gian qua.

Ý tưởng hầm ngầm, cao tốc ngầm chạy dọc sông Tô Lịch liệu có khả thi? - Ảnh 1
Phối cảnh cao tốc ngầm và giếng ngầm gom nước mưa dọc sông Tô Lịch.

Theo đó, dự án này có chiều dài 11,65 km, đường kính hầm rộng 16,8 m, chạy dọc theo hữu ngạn sông Tô Lịch từ đầu đường Nguyễn Đình Hoàn, Quan Hoa, Nguyễn Khang... và kết thúc ở đoạn đường Kim Giang giao với Vành đai 3.

Dự án nếu được chấp thuận dự kiến sẽ xây dựng trong 5 năm, sử dụng nguồn vốn viện trợ từ phía Nhật Bản, không phải dự án BOT, nên người dân được dùng miễn phí.

Với mong muốn giải quyết 3 vấn đề dân sinh của Thủ đô Hà Nội, bao gồm: Ô nhiễm môi trường nước, ùn tắc giao thông nội đô xảy ra hàng ngày và úng ngập khi mưa bão, JVE Group (đơn vị từng thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản và khử mùi bãi rác Nam Sơn) và Tổng thầu Nhật Bản vừa đề xuất lập quy hoạch hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm chống ùn tắc chạy dọc sông Tô Lịch.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT JVE Group khẳng định: “Mình lập quy hoạch miễn phí, đến khi đấu thầu xây dựng có trúng hay không thì cứ theo đúng quy định pháp luật thôi. Quan trọng là ý tưởng của mình sẽ đăng ký bản quyền”.

Ý tưởng hầm ngầm, cao tốc ngầm chạy dọc sông Tô Lịch liệu có khả thi? - Ảnh 2
Mô hình “2 trong 1” vừa gom nước chống ngập vừa làm cao tốc ngầm dọc sông Tô Lịch.

Về vấn đề này, trao đổi với PV Tạp chí Kinh tế Môi trường, ông Thân Văn Thanh, chuyên gia giao thôngthẳng thắn đặt câu hỏi: “Mục tiêu phía sau của đơn vị đưa ra đề xuất dự án "hoang tưởng" này là gì? Họ muốn "nổi tiếng" hay là đang có sẵn một nước đi khác khi đề xuất dự án không khả thi như vậy?".

"Doanh nghiệp này đã từng đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành Công viên Lịch sử-Văn hóa-Tâm linh Tô Lịch trên đất chưa thực hiện được mà giờ muốn xây dựng công trình dưới lòng đất”, ông Thanh chia sẻ.

Cũng theo ông Thanh, nếu dự án này được chấp thuận thì nguồn tiền để xây dựng dự án đến từ đâu, tổ chức tài chính nào sẽ đứng ra cung cấp.

Trước đó, trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch JVE Group cho biết tổng mức đầu tư của dự án chưa thể tính được trong giai đoạn này vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, dự án sẽ sử dụng nguồn vốn viện trợ từ phía Nhật Bản, không phải dự án BOT nên sẽ không thu phí sử dụng của người dân.

Ý tưởng hầm ngầm, cao tốc ngầm chạy dọc sông Tô Lịch liệu có khả thi? - Ảnh 3
TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản giao thông.

TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản giao thông, người có hơn 30 năm nghiên cứu về giao thông đô thị TP.Hà Nội khi trao đổi với PV Tạp chí Kinh tế Môi trường nhận định, nếu như dự án này thực hiện được thì rất tốt vừa giải quyết triệt để được ngập úng và tắc đường tồn tại nhiều năm qua ở khu vực nội đô TP.Hà Nội. Tuy nhiên, ý tưởng này tỏ ra khá rất viển vông và khác xa thực tế.

TS Nguyễn Xuân Thủy phân tích, đây là ý tưởng viễn vông bởi vì tiền đâu mà làm, chi phí xây dựng cho dự án này rất lớn. Nếu như xây dựng một dự án cao tốc trên cao mất khoảng 10 đồng thì xây dựng dự án ngầm dưới đất sẽ mất 30 đồng thậm chí là hơn. Nếu như được viện trợ nguồn vốn từ phía Nhật Bản thì quá tốt tiện cho việc đi lại của người dân nhưng liệu rằng có thực hiện hóa được hay không?.

Trước đó, trả lời Kinh tế Môi trường, KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường trực ban chấp hành Hội Kiến trúc sư Hà Nội đã khuyến cáo bản chất dòng sông Tô Lịch là “công sản” nhưng được gia tăng giá trị bằng dự án thoát nước và xử lý nước thải của Hà Nội do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA tài trợ vốn tới 1,5 tỉ USD, đang gánh vác hai nhiệm vụ chính là thoát nước và xử lý nước thải của Thủ đô.

Do đó, cần làm rõ nhiều nội dung bao gồm việc các nhà đầu tư tiếp vào đó thì sẽ thành sở hữu của ai, vì lợi ích của ai? Hay dự án sau đó biến thành sở hữu tư nhân, đem lại lợi ích cho nhóm đầu tư giống như bài học xương máu của kênh thoát nước Nghĩa Đô và kênh phố Phan Kế Bính.

Cần nghiên cứu kỹ các dự án giao thông kết hợp thoát lũ

Theo các chuyên gia, nếu đầu tư dự án này với công nghệ hiện đại thì phải đầu tư số vốn rất lớn. Trong khi đó, trục đường Láng hiện chưa phải là rốn thoát lũ, nên hiệu quả sẽ không cao và chưa cần thiết. Do đó, cần phải đánh giá lại toàn bộ hồ và các sông thoát nước của Hà Nội trước khi xây dựng dự án. Đây là dự án giải quyết 3 bài toán là giảm ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và thoát lũ, nhưng tuyến này chưa cần thiết vì vấn đề thoát lũ và giao thông tại khu vực này đang ổn định.

Thùy An

Bạn đang đọc bài viết Ý tưởng hầm ngầm, cao tốc ngầm chạy dọc sông Tô Lịch liệu có khả thi?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới