Xuất siêu tăng mạnh trong 7 tháng đầu năm, ước đạt 15,23 tỷ USD
7 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 15,23 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,58 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 27,81 tỷ USD.
Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2023.
Theo đó, tính chung 7 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 15,23 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,34 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,58 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 27,81 tỷ USD.
Riêng tháng 7, ước tính cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 2,15 tỷ USD. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2023 ước đạt 29,68 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,76 tỷ USD, giảm 1,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 21,92 tỷ USD, tăng 1,7%.
Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7 giảm 3,5%. Tính chung 7 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 194,73 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 51,5 tỷ USD, giảm 10,2%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 143,23 tỷ USD, giảm 10,8%, chiếm 73,6%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2023 ước đạt 27,53 tỷ USD, tăng 4,4% so với tháng trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,73 tỷ USD, tăng 14,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 16,8 tỷ USD, giảm 1%.
Trong khi đó, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7 giảm 9,9%; trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 0,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 15,4%.
Tính chung 7 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 179,5 tỷ USD, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 64,1 tỷ USD, giảm 16,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 115,4 tỷ USD, giảm 17,7%.
Theo Tổng cục Thống kê, dù có xu hướng cải thiện so với tháng trước, nhưng xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn đang tiếp tục đối mặt với những khó khăn rất lớn. Theo đó, trong tháng 7, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 57,21 tỷ USD, tăng 2,5% so với tháng trước, nhưng vẫn giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 374,23 tỷ USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu giảm 10,6%; nhập khẩu giảm 17,1%. Do nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu, nền kinh tế tiếp tục có thặng dư thương mại.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 52,4 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 58,6 tỷ USD.
Trong 7 tháng năm 2023, xuất siêu sang Mỹ ước đạt 44.3 tỷ USD giảm 24.1% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 16.4 tỷ USD, giảm 11.9%; xuất siêu sang Nhật Bản 0.9 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 0.4 tỷ USD); nhập siêu từ Trung Quốc 27 tỷ USD, giảm 35.2%; nhập siêu từ Hàn Quốc 15.5 tỷ USD, giảm 35.1%; nhập siêu từ ASEAN 5 tỷ USD, giảm 35.3%.
Việt Nam liên tục nằm trong nhóm nước, vùng lãnh thổ có trị giá xuất khẩu hàng hóa lớn trên phạm vi toàn cầu. Ngoài tăng trưởng kim ngạch, một số nhóm ngành hàng đã chiếm thị phần ngày càng cao trên thị trường thế giới với tốc độ gia tăng thị phần cao như đồ điện tử (20%/năm), da giày, dệt may, Cao su (10%/năm), đồ gỗ và gỗ chế biến (7%/năm).
Để khắc phục tình trạng sụt giảm đơn hàng, thúc đẩy xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề xuất, cần khẩn trương triển khai các chính sách tài khóa tiền tệ, cải cách thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất.
Chú trọng đổi mới và nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại; thúc đẩy thương mại điện tử, đặc biệt thương mại điện tử xuyên biên giới và đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp khai thác ưu đãi của các FTA mà Việt Nam là thành viên.
Đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết các FTA mới với các nước, khu vực còn tiềm năng, như: Israel, sớm kết thúc đàm phán trong quý 4/2023 với UEA, Mercosur… để mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Lan Anh