Thứ bảy, 23/11/2024 16:32 (GMT+7)
Thứ ba, 23/07/2024 14:00 (GMT+7)

Xuân Trường - Nam Định: Nghề đóng tàu "vững vàng vượt sóng"

Theo dõi KTMT trên

Từng trải qua biết bao thăng trầm sóng gió của nền kinh tế Việt Nam, có thời điểm tưởng chừng rơi vào ngõ cụt…Tuy nhiên, mấy năm gần đây, ngành đóng tàu Xuân Trường (Nam Định) đã có những tín hiệu “vượt sóng” phát triển mạnh mẽ.

Được quy hoạch thành cụm công nghiệp cơ khí đóng tàu Xuân Trường từ năm 2006, ngành đóng tàu Xuân Trường (Nam Định) từng trải qua biết bao thăng trầm sóng gió của nền kinh tế Việt Nam, có thời điểm tưởng chừng rơi vào ngõ cụt…Tuy nhiên, mấy năm gần đây, ngành cơ khí đóng tàu tại huyện đã có những tín hiệu “vượt sóng” phát triển mạnh mẽ.

Xuân Trường - Nam Định: Nghề đóng tàu "vững vàng vượt sóng" - Ảnh 1
Một cơ sở đóng tàu chật kín tàu đóng mới và sửa chữa.

Điểm đến đáng tin cậy cho chủ tàu trong và ngoài tỉnh

Men theo QL21A về hướng Đông Bắc cách TP. Nam Định khoảng 30km, huyện Xuân Trường được bao bọc bởi 3 dòng sông lớn, màu mỡ là sông Hồng, sông Ninh Cơ, sông Sò cùng ưu thế giáp các cửa biển như Ba Lạt, Lạch Giang, Cửa Đáy là lợi thế lớn cho việc di chuyển tàu thuyền thông thương qua lại và phát triển ngành cơ khí đóng tàu của huyện.

Dạo bước dưới những bóng cây bằng lăng nở tím ngắt mọc dọc triền đê chân cầu Lạc Quần, chúng ta có thể bắt gặp hàng chục xưởng đóng tàu lớn nhỏ, tấp nập xe tải và xe đầu kéo vận chuyển hàng hoá chở vật liệu ra vào. Tiếng quại búa đanh thép, tiếng máy móc rầm rập hoạt động cùng tiếng cười nói của công nhân tạo nên một bức tranh kinh tế với niềm tin về sự phát triển và thịnh vượng của ngành sửa chữa và đóng tàu mới nơi đây.

Anh Nguyễn Văn Dũng chủ cơ sở đóng tàu Việt Đức toạ lạc tại tổ 17 TT. Xuân Trường cho biết, bãi đóng tàu của anh hoạt động từ năm 2006 là cơ sở đóng tàu lớn thứ 2 của huyện, hiện là nơi tạo công ăn việc làm mang lại thu nhập cho gần 200 công nhân trên địa bàn.

“Trải qua những năm kinh tế khủng hoảng, các doanh nghiệp đóng tàu địa phương lao đao vì rơi vào đình trệ, nhiều đơn vị không trụ được áp lực phải giải thể. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của doanh nghiệp, sự đầu tư cơ sở vật chất hiện đại hơn và các chính sách phát triển mới của Nhà nước ngành đóng tàu đã từng bước khởi sắc, phát triển trở lại. Đặc biệt, từ năm 2021 tới nay, ngành đóng tàu nơi đây lại có sự phát triển rõ rệt và vượt bậc khi số lượng tàu đóng mới tăng lên nhiều, các lốt đóng tàu tại công ty tôi luôn kín, thậm chí nhiều chủ tàu phải đợi vài tháng mới có lốt. Mấy tháng trước, cơ sở của tôi còn vừa đóng xong và bàn giao chiếc tàu du lịch lớn nhất Nam Định đang được đưa vào hoạt động tại Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ (Nam Định)”,anh Dũng vui vẻ chia sẻ.

Anh Đinh Văn Tưởng, một thợ kỹ thuật đã gắn bó với nghề hơn 30 năm cho biết:Đa số tàu đóng tại đây là tàu vận tải đường sông trọng tải khoảng 2000 tới 3000 tấn, tàu chạy biển cũng có nhưng số lượng không nhiều. Ngày trước, tàu làm hoàn toàn bằng sự tưởng tượng hết, làm xong rồi mới nhìn để vẽ lại nhưng bây giờ thì khác; con tàu khi hoàn thiện phải đạt chất lượng, đảm bảo kỹ thuật như bản vẽ đã trình lên Cục đăng kiểm đồng ý trước khi thi công.

Anh Tưởng chia sẻ : “Tôi làm nghề này từ năm 1992. Thời gian đầu mới vào nghề, tiêu chí đầu tiên để được nhận vào làm việc là phải biết quại búa, đánh búa hay mỗi lần sơn tàu phải đánh rỉ bằng tay có hôm về phỏng rộp hết cả bàn tay. Bây giờ thì vẫn vất vả nhưng đỡ hơn nhiều nhờ có sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, người thợ không phải đánh búa cắt sắt mà dùng máy hàn điện cắt vừa nhanh vừa đẹp hay nhờ công nghệ bắn cát chỉ một lúc là sạch rỉ có thể sơn tàu ngay được,....”

Xuân Trường - Nam Định: Nghề đóng tàu "vững vàng vượt sóng" - Ảnh 2
Công nhân đang gia cẩu phần mạn tàu đặt vào vị trí để cố định thân tàu với mạn tàu. 

Nổi tiếng với sự uy tín trong lĩnh vực đóng tàu, cùng với ưu thế về ngành nghề cơ khí phát triển lâu đời, lại có vị trí địa lí thuận lợi là lí do anh Đinh Tiến Đức, chủ tàu người Vĩnh Phúc chọn Xuân Trường là nơi đóng con tàu của mình mà không phải một địa phương khác.

Anh Đức chia sẻ: “Ngày nay, cùng với sự phát triển của các ngành công nghiệp thì yêu cầu để một chiếc tàu hoạt động cũng phải cao hơn, tàu xuất xưởng phải đáp ứng được yêu cầu khắt khe của bản thiết kế và đo đạc chính xác của Cục đăng kiểm. Những con tàu đóng tại Xuân Trường đều đáp ứng được các điều kiện đó cộng thêm vốn kinh nghiệm đóng tàu lâu năm, người thợ Xuân Trường luôn nắm bắt, tiếp thu ý kiến và sở thích của chủ tàu, đóng những con tàu vừa ý theo mong muốn nên cũng dễ hiểu vì sao không chỉ Vĩnh Phúc nhà anh mà các chủ tàu ở Hải Dương, Hưng Yên, Phú Thọ,… lại chọn Xuân Trường là điểm đến hàng đầu khi quyết định đóng mới và sửa chữa tàu”. 

Không chỉ với những lý do trên, một trong những yếu tố nữa thu hút các chủ tàu đến với Xuân Trường bởi nơi đây tập trung nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng công nghiệp. Chính vì vậy, nguồn nguyên liệu để phục vụ công việc đóng tàu luôn sẵn có từ sắt thép, sơn tàu, máy móc tới các linh kiện,…đều rất phong phú.

Chị Dương Thanh Nhàn, chủ hãng sơn tàu thuỷ công nghiệp Con Kiến ANT trên địa bàn TT. Xuân Trường chia sẻ, trước đây chị chủ yếu cung cấp sơn ở ngoài Hải Phòng, do nhìn thấy tiềm năng phát triển, chị đã quyết định đầu tư và mở rộng thị trường ở đây được hơn một năm nay. May mắn, những năm gần đây, nhờ sự phát triển của ngành công nghiệp đóng tàu địa phương dẫn tới nhu cầu sử dụng sơn tăng nên doanh nghiệp của chị cũng có một chút doanh số năm qua.

“Mỗi chiếc tàu trung bình sử dụng từ khoảng 500 triệu tới 1 tỷ tiền sơn các loại từ sơn chống rỉ, tới sơn phủ bên ngoài tàu,… Ngày nay sơn công nghiệp cho tàu thuyền sử dụng loại sơn 2 thành phần nên chất lượng và độ kết dính tốt hơn rất nhiều so với ngày xưa. Nhờ ngành công nghiệp đóng tàu Xuân Trường phát triển mà ngành của chị cũng phát triển theo tạo công việc, thu nhập cho rất nhiều công nhân đang làm việc trong công ty", chị Nhàn nói.

Xuân Trường - Nam Định: Nghề đóng tàu "vững vàng vượt sóng" - Ảnh 3
Người thợ đang dùng công nghệ bắn cát làm sạch lớp rỉ trước khi sơn.

Mong muốn gỡ rối khó khăn tạo cơ sở phát triển bền vững

Trong quá trình kinh doanh, sản xuất các doanh nghiệp đóng tàu được Nhà nước và địa phương quan tâm về chính sách, cơ chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, để phát triển tiệm cận với công nghệ cao và hiện đại, sản xuất được những con tàu lớn đạt tiêu chuẩn Quốc gia và Thế giới, các doanh nghiệp đóng tàu mong muốn đề xuất được cải tạo bến bãi, dựng nhà xưởng để chuyên môn hoá các khâu như xưởng cắt CNC, khu xưởng bắn cát, khu xưởng phun sơn,… Hạn chế việc bị động công việc do phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên.

Trước đây, nhờ sự can thiệp bởi công nghệ nên năng suất công việc tăng lên đáng kể nhưng song hành với điều đó là sự đầu tư lớn khi một xưởng đóng tàu phải trang bị 40 tới 50 máy hàn mig trị giá mỗi máy từ 25 tới 30 triệu đồng, hay để đẩy nhanh tiến độ không thể thiếu những chiếc xe cẩu và giá trị của những chiếc xe này cũng lên tới cả tỷ đồng. Do vậy, vấn đề nguồn vốn luôn được các doanh nghiệp quan tâm, mong muốn tiếp cận những gói vay ưu đãi và lâu dài.

Nguồn lao động dồi dào, giá rẻ không còn là lợi thế đối với ngành công nghiệp đóng tàu tại Xuân Trường. Bởi tính chất công việc vất vả, thêm đó làm những công việc nặng dưới thời tiết khắc nghiệt, chính vì vậy nguồn nhân công trẻ hiện nay rất ít, chủ yếu trong độ tuổi từ 35 tới 50 tuổi.

“Trước đây, nhiều gia đình đưa con em tới xin việc hoặc các em các cháu sau khi đi bộ đội về cũng chọn tham gia vào lực lượng đóng tàu tại quê hương. Tuy nhiên, những năm gần đây số lượng lớp trẻ muốn làm công việc này thấy giảm mạnh dù thu nhập của nghề này cũng không thấp”, đó là nhận định của anh Nguyễn Văn Hồng, một công nhân hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề đóng tàu.

Vì lý do trên, các doanh nghiệp đóng tàu mong muốn nhà nước và chính quyền địa phương quan tâm hơn tới việc giáo dục và định hướng nghề cho thanh niên làm việc tại quê hương như mở các trung tâm đào tạo và dạy nghề, định hướng công việc sau khi giải ngũ,…Để ngành đóng tàu tại Xuân Trường tiếp tục đi lên, phát triển vì sự nghiệp chung của tỉnh nhà và Quốc gia.

Theo báo cáo số liệu về các doanh nghiệp đóng tàu trên địa bàn của Phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện Xuân Trường, năm 2023 ngành công nghiệp đóng tàu của địa phương đã có những tín hiệu khả quan khi các doanh nghiệp đều có sự uy tín nhân được nhiều đơn hàng đóng mới và sữa chữa. Cụ thể như Công ty CP Hoàng Vinh năm 2023 đóng mới tổng 21 tàu, con tàu có tải trọng lớn nhất gần 20 nghìn tấn. Công ty TNHH Việt Tiến đóng mới tổng 17 tàu, Công ty TNHH Long Hải và Công ty TNHH TM Tổng hợp An Phát Lộc đều đóng mới 12 tàu tạo công ăn việc làm cho hàng trăm công nhân trên địa bàn huyện trái ngược hẳn so với số liệu những năm trước. Dựa và sự tiên đoán tình hình kinh tế và nhu cầu sử dụng, theo dự kiến, con số đóng mới và sửa chữa của các doanh nghiệp đóng tàu trong năm 2024 còn tiếp tục tăng trưởng.

Việt Cường

Bạn đang đọc bài viết Xuân Trường - Nam Định: Nghề đóng tàu "vững vàng vượt sóng". Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP
Mới đây, 2 trang trại lớn của Mavin đã chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P. Đây là kết quả của quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ của Mavin trong việc xây dựng một hệ thống chăn nuôi hiện đại, bền vững và tiêu chuẩn quốc tế.

Tin mới