Thứ tư, 17/04/2024 05:41 (GMT+7)
Thứ năm, 08/10/2020 14:00 (GMT+7)

Xử phạt vi phạm lĩnh vực môi trường: Đã đến lúc phải mạnh tay

Theo dõi KTMT trên

Nhiều chuyên gia cho rằng cần có những bước đột phá trong việc xử phạt vi phạm môi trường, tránh tình trạng “nhờn luật, lách luật”.

Trách nhiệm bảo vệ môi trường là của mọi cá nhân, tổ chức và cần sự chung tay của cả cộng đồng. Nghị định 155/2016/NĐ - CP (Nghị định 155) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã tạo chuyển biến trong việc bảo vệ môi trường, tuy nhiên nhiều người vẫn cho rằng việc xử phạt như hiện tại chưa đủ sức răn đe, vẫn có nhiều cá nhân, tổ chức vẫn bất chấp vi phạm.

Xử phạt vi phạm lĩnh vực môi trường: Đã đến lúc phải mạnh tay - Ảnh 1
Sự cố đổ trộm dầu thải vào nguồn nước sông Đà năm 2019 khiến một khu vực lớn của Hà Nội gặp khủng hoảng trầm trọng. (Ảnh: VnExpress)

Xung quanh vấn đề này, PV Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với Luật gia Nguyễn Thu Hà thuộc Hội Luật gia TP. Hà Nội.

PV:Trong năm 2019, Công an huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) đã ra quyết định khởi tố vụ án đổ dầu thải xuống suối. Sự việc này gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Đà khiến hàng chục nghìn người dân bị ảnh hưởng. Hay như vụ công an Phú Thọ khởi tố vụ án một doanh nghiệp vận chuyển, chôn lấp trái phép chất thải nguy hại. Ngoài ra, còn nhiều vụ cơ quan chức năng đã ra quyết định xử lý hành chính. Bà đánh giá việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường trong thời gian qua như thế nào?

Luật gia Thu Hà: Tôi cho rằng, việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường trong 2 năm trở lại đây đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vụ việc đổ dầu thải mà Công an huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình khởi tố vụ án hay Công an Phú Thọ khởi tố chủ doanh nghiệp vận chuyển, chôn lấp chất thải nguy hại trái phép… chỉ là bề nổi của các sự việc liên quan đến môi trường.

Việc xử lý vi phạm môi trường bằng hình thức xử lý hành chính được áp dụng theo quy định của pháp luật. Song, việc xử lý hành chính nhiều như thời gian vừa qua đã dẫn tới đối tượng gây ô nhiễm môi trường “nhờn luật, lách luật”. Việc xử lý hành chính các vi phạm pháp luật về môi trường diễn ra nhiều cũng một phần do năng lực, kiến thức về môi trường, pháp luật của cán bộ thực thi nhiệm vụ còn hạn chế. Đôi lúc, họ chủ quan do nhận thức về các tác hại liên quan đến môi trường còn manh mún, cục bộ, thực dụng.

Khởi tố vụ án hình sự liên quan đến vi phạm pháp luật về môi trường còn ít bởi cơ chế và thủ tục tố tụng liên quan đến pháp luật về môi trường của chúng ta hiện còn nhiều chồng chéo, chưa cụ thể, chưa có những trang thiết bị để kiểm nghiệm, xét nghiệm hiện đại phục vụ quá trình tố tụng được nhanh, minh bạch.

Thời gian qua, những vụ bị khởi tố thường là sự ảnh hưởng có nó đến môi trường đã rất nghiêm trọng, gây thiệt hại về kinh tế, sức khỏe của nhân dân và đặc biệt để lại hậu quả nghiêm trọng đến môi trường sống, đến hoạt động đầu tư kinh tế của địa phương đó.

PV:Đầu tháng 9, Công an TP. Hà Nội bắt quả tang xe của hai đơn vị chuyên về môi trường nhưng lại có hành vi xả thải ra môi trường không đúng quy định pháp luật trên tuyến đường Đại lộ Thăng Long (địa phận huyện Quốc Oai, Hà Nội). Vậy, hành vi này có đáng lên án, xử lý và trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sẽ như thế nào?

Luật gia Thu Hà: Hành vi này đáng lên án. Thứ nhất, họ là nhân viên hoạt động trong lĩnh vực về môi trường nên họ hiểu hơn ai hết tầm quan trọng phải bảo vệ môi trường và xả thả ra môi trường sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho môi trường như thế nào? Nhân viên này không những bị lên án mà còn cần phải chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan công an xem xét, xác minh, điều tra, nếu đủ căn cứ, cần khởi tố vụ án và khởi tố bị can vì đã có hành vi xâm phạm đến môi trường.

Xử phạt vi phạm lĩnh vực môi trường: Đã đến lúc phải mạnh tay - Ảnh 2
Nước sạch ở Hà Nội có mùi lạ do nhiễm dầu thải ở đầu nguồn. Ảnh: Sơn Bách.

Thủ trưởng của cơ quan môi trường, có nhân viên xả thải ra môi trường chắc chắn bị xem xét xử lý theo các quy định của pháp luật. Tùy mức độ vi phạm của nhân viên thì thủ trưởng cơ quan phải chịu trách nhiệm tương ứng với vi phạm đó. Trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan là trách nhiệm của người lãnh đạo, quản lý, chứ không phải xử lý trách nhiệm hành vi cụ thể.

PV:Theo bà, để các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật về môi trường tại thời điểm này, chúng ta phải làm gì?

Luật gia Thu Hà: Những cán bộ thực thi pháp luật về môi trường phải thực sự hiểu biết về môi trường, về pháp luật, hiểu được tầm quan trọng của môi trường nói chung và môi trường sống nói riêng đối với sự tồn tại và phát triển của con người. Phải hiểu được các quy định của pháp luật về môi trường và những hạn chế, khó khăn khi thực hiện để kiến nghị, bổ sung các hành vi vào luật cho phù hợp với sự vận động của đời sống xã hội.

Các trang thiết bị cho việc làm các xét nghiệm cần được bổ sung hiện đại hơn. Thủ tục để xem xét giải quyết vụ việc liên quan đến môi trường cần cụ thể và rõ ràng hơn. Các chỉ số liên quan đến môi trường cần phải cập nhật, tiệm cận với các quốc gia tiên tiến.

Hiện nay, Bộ luật Hình sự cũng đã có điều khoản quy định về các hành vi vi phạm về môi trường. Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể, chi tiết để áp dụng các điều luật này chưa được ban hành hoặc chưa có sự thống nhất. Đặc biệt, trên thực tế giám định viên tư pháp về lĩnh vực môi trường chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tế. Chính những vướng mắc này đã khiến cho công tác xử lý các vụ vi phạm về môi trường còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

PV: Xin cảm ơn bà.

Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ đầu năm đến 25/6/2020, đường dây nóng của Tổng cục Môi trường đã nhận được hơn 1.520 thông tin phản ánh về ô nhiễm môi trường.

Trong đó nhiều vụ việc đã được kiểm tra, xác minh nhanh như vụ việc đổ trộm các thùng phuy tại địa bàn xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì (Hà Nội); Công ty Cổ phần Quản lý công trình đô thị Hải Dương sử dụng tro lò đốt rác thải để san lấp mặt bằng; thông tin ô nhiễm nước thải công nghiệp nhuộm chưa xử lý tại một số xã thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam chảy thẳng ra sông Hồng gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Ngoài ra còn một số vụ tiêu biểu như đốt rác thải khu vực đường vào Chùa Phật tích ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh; người dân tại một số xã ở huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương phản ánh nhà máy xử lý rác gây mùi ô nhiễm…

Trước thực trạng phổ biến như trên, dư luận có quyền đặt câu hỏi: trách nhiệm của các địa phương và các sở, ngành liên quan đến đâu?

Yêu cầu đặt ra là cần mạnh tay hơn trong quản lý và xử lý vi phạm. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ trên địa bàn; kiên quyết xử phạt, ngăn chặn hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật.

Quang Huy

Bạn đang đọc bài viết Xử phạt vi phạm lĩnh vực môi trường: Đã đến lúc phải mạnh tay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023