Thứ ba, 19/03/2024 18:40 (GMT+7)
Thứ ba, 21/03/2023 08:42 (GMT+7)

Xử lý các dự án "treo": Cận cảnh dự án hàng chục năm dang dở ở Phú Thọ (Bài 6)

Theo dõi KTMT trên

Những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã tập trung huy động nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực để thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, một số dự án triển khai tiến độ còn chậm, đã và đang ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện đang tồn tại nhiều dự án với tổng vốn đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng, nhưng thi công chậm tiến độ. Điều này làm ảnh hưởng phần nào đến đời sống, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương, gây lãng phí tài nguyên đất đai, làm làm ảnh hưởng đến việc thu hút các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm.

Xử lý các dự án "treo": Cận cảnh dự án hàng chục năm dang dở ở Phú Thọ (Bài 6) - Ảnh 1

Dự án khách sạn Đại Hà mới chỉ dừng lại ở phần xây thô một tầng hầm và hai tầng nổi

Điển hình như Dự án khách sạn Đại Hà, nằm vị trí đắc địa khu đất “vàng” thuộc phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ 10/3/2011, với diện tích sử dụng hơn 3.100 m2, quy mô xây dựng tòa nhà 10 tầng, tổng mức đầu tư 162 tỷ đồng. Sau hàng chục năm “ngủ quên”, dự án mới xây dựng được phần thô gồm một tầng hầm và ba tầng nổi. Khi chúng tôi có mặt tại vị trí này chỉ thấy tường của ngôi nhà đã bạc phếch sau thời gian dãi nắng, dầm mưa, hoàn toàn không có dấu hiệu của việc thi công xây dựng.

Tương tự, dự án Nhà máy cán thép Sông Hồng (TP Việt Trì) thuộc Công ty cổ phần Thép Sông Hồng được UBND tỉnh Phú Thọ chấp thuận đầu tư năm 2002, có diện tích hơn 10ha, tổng mức đầu tư 234,058 tỷ đồng, công suất 180.000 tấn/năm.

Xử lý các dự án "treo": Cận cảnh dự án hàng chục năm dang dở ở Phú Thọ (Bài 6) - Ảnh 2
Dự án nhà máy cán thép Sông Hồng bị bỏ hoang gây lãng phí đất đai nguồn lực đầu tư.

Đến năm 2009, công ty đã hoàn thành giai đoạn một, đi vào hoạt động. Do hoạt động thua lỗ, năm 2012, công ty tạm dừng hoạt động dự án. Hiện nay, dự án không có khả năng triển khai tiếp tục.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự chậm trễ tiến độ thi công các dự án: Sử dụng đất sai mục đích, chưa giải quyết vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; không đủ năng lực tài chính thực hiện; nợ thuế, nợ ngân hàng, tài sản bị thế chấp…

Theo báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Phú Thọ, hiện toàn tỉnh có 18 dự án chậm tiến độ, gặp khó khăn vướng mắc kéo dài thuộc diện Thường trực Tỉnh ủy quản lý.

Trên cơ sở xem xét, kiểm tra các vấn đề tồn tại có liên quan và đối chiếu với các quy định của pháp luật, đồng thời đảm bảo quyền và nghĩa vụ liên quan, UBND tỉnh Phú Thọ đưa ra các biện pháp mạnh để giải quyết dứt điểm những dự án chậm tiến độ, vướng mắc kéo dài nhiều năm.

Cụ thể, trong năm 2022 tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các đơn vị liên quan giải quyết 11 dự án (kiên quyết thu hồi 6 dự án; tập trung giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn, tồn tại khác của 5 dự án).

Cụ thể, ngày 02/10/2021 UBND tỉnh Phú Thọ đã ký Quyết định về việc gia hạn sử dụng đất cho Công ty TNHH Đại Hà để thực hiện dự án Khách sạn Đại Hà trên diện tích 3.132,2 m2 đất thương mại, dịch vụ tại phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì. Thời gian gia hạn là 24 tháng, kể từ ngày UBND tỉnh ký quyết định gia hạn.

Hết thời gian gia hạn mà Công ty TNHH Đại Hà chưa đưa đất vào sử  dụng theo mục đích của dự án đầu tư được cơ quan có thẩm quyền duyệt (hoặc chấp thuận) thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất đai và tàn sản gắn liền với đất.

Nhà máy cán thép Sông Hồng, tỉnh cũng giao cho các đơn vị liên quan xem xét thống nhất hoàn thiện hồ sơ thưc hiện theo luật phá sản doanh nghiệp; đồng thời chấm dứt dự án, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi dự án, cho xử lý tài sản theo quy định.

Quan điểm của tỉnh Phú Thọ, việc giải quyết vướng mắc, tồn tại của các dự án chậm tiến độ kéo dài sẽ thực hiện đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên có liên quan. Việc thu hồi dự án chậm tiến độ sẽ không kéo dài, trì hoãn và không xem xét đến các lý do có liên quan.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Tổng thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng, dự án “treo” gây thiệt hại nhiều mặt về cả lĩnh vực kinh tế và xã hội. Cách tiếp cận tính toán thiệt hại kinh tế bằng tiền tệ nêu trên là hướng cần được quan tâm, xem xét, đưa vào áp dụng làm rõ mức độ thiệt hại/lãng phí của các dự án “treo”.

Theo GS. Cơ, các chủ dự án và cơ quan quản lý dự án cần tiến hành tính toán thiệt hại để cùng tìm biện pháp khắc phục. Các cơ quan báo chí cũng có thể áp dụng phương pháp chi phí/lợi ích tựa cơ hội để ước tính và cảnh báo mức thiệt hại khi đất đai bị bỏ hoang, không sử dụng đúng mục đích. Nếu có cơ sở dữ liệu về giá trị đất đai do cơ quan nhà nước hoặc ngoài nhà nước xây dựng thì ước tính này só tính thuyết phục cao hơn và cảnh báo, đánh giá về dự án treo sẽ có tác dụng hơn.

Phạm Đăng

Bạn đang đọc bài viết Xử lý các dự án "treo": Cận cảnh dự án hàng chục năm dang dở ở Phú Thọ (Bài 6). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Quảng Nam: Thu hút hơn 20.000 tỉ đồng đầu tư 16 dự án
Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Quảng Nam đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thoả thuận nghiên cứu địa điểm đầu tư cho các nhà đầu tư của 16 dự án.