Xây phòng lạnh để nuôi lợn, anh nông dân thu lãi tiền tỷ mỗi năm
Liều vay cả chục tỷ đồng, anh nông dân Lê Quốc Tân ở huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đầu tư hệ thống chuồng trại hiện đại, khép kín và chú trọng việc bảo vệ môi trường giúp anh thu về tiền tỷ mỗi năm.
Với chủ trương chuyển đổi ruộng đất, anh Lê Quốc Tân (SN 1976) trú tại xã Hưng Nghĩa, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã mạnh dạn vay vốn, bắt đầu xây dựng trại lợn với mô hình nuôi lợn thịt. Tuy nhiên, chỉ vì chưa có kinh nghiệm, dịch bệnh nhiều, giá cả thị trường cũng bấp bênh nên lứa lợn đầu tiên của anh gặp không ít khó khăn. Có những năm chuẩn bị xuất chuồng thì giá lợn lại rơi thê thảm, anh đành chấp nhận bán lỗ để có tiền đầu tư vào lứa lợn tiếp theo.
Trải qua những năm đầu không thành công, anh Tân cũng không nản chí, tiếp tục đi học hỏi kinh nghiệp từ các lớp sơ cấp về thú y, tìm hiểu thêm nhiều kiến thức mới từ các chủ trang trại đi trước, từ đó tích góp kinh nghiệm cho bản thân. Đồng thời, anh Tân mạnh dạn vay vốn, mở rộng chuồng trại, đào ao thả thêm nhiều giống cá có thể đem lại lợi ích kinh tế cho gia đình.
Sau khi nắm vững các kiến thức được học và áp dụng thành công vào quá trình chăn nuôi, cuối cùng anh Tân cũng thu lại được “quả ngọt”. Cứ mỗi lần bán được lứa lợn mới, anh lại bắt đầu phát triển đàn lên. Đồng thời, để tăng thêm thu nhập, anh còn làm thêm dịch vụ cung cấp cám cho các hộ nuôi lợn trong vùng, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật, hỗ trợ các hộ chăn nuôi có nhu cầu để cùng nhau phát triển kinh tế.
Anh Lê Quốc Tân chia sẻ: “Cuối năm 2016, tôi mạnh dạn nhận gần 7 ha đất, lập đề án xây dựng trang trại lợn nái công nghệ cao kết hợp nuôi cá, trồng cây. Sau khi cân nhắc, tôi đã quyết định đánh liều vay ngân hàng gần 10 tỷ đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại, công nghệ. Trải qua nhiều năm chăn nuôi, nay mình đã có kinh nghiệm, được hỗ trợ kỹ thuật, quy trình chuẩn thì sẽ thành công. Nhưng nói thật, khi đó vay ngân hàng gần 10 tỷ ai cũng bảo tôi quá mạo hiểm”.
Để phát triển theo định hướng lâu dài, bền vững, anh Tân liền chuyển hướng sang xây dựng trang trại công nghệ cao, vừa phát triển kinh tế nhưng cũng cần gắn liền với việc bảo vệ môi trường. Với số tiền 10 tỷ đồng, anh xây dựng 6 dãy chuồng được đầu tư hiện đại, với hệ thống làm mát vào mùa hè, sưởi ấm vào mùa đông. Bên cạnh đó, anh còn đầu tư thêm hệ thống xử lý chất thải chỉn chu để bảo vệ môi trường.
Sau khi xây dựng thành công chuồng trại, anh liền đào ao thả các loại cá quanh khu vực trang trại là như cá chép, trắm, mè… với mật độ thích hợp. Diện tích còn lại anh Tân cải tạo để trồng các loại cây ăn trái, vừa tăng thêm thu nhập, tạo cảnh quan, lại tận dụng được các loại chất thải làm phân bón. Đến năm 2019, mô hình nuôi lợn, gà và nuôi trồng thủy sản của anh Tân chính thức được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Ý thức được tầm quan trọng về công tác phòng bệnh, anh Tân bắt đầu xây dựng mô hình phòng dịch 3 lớp với quá trình kiểm soát nghiêm ngặt. Anh Lê Quốc Tân chia sẻ: "Để thành công trong việc chăn nuôi, ngoài việc có kinh nghiệm, kiến thức việc ngăn chặn dịch bệnh phải được đặt lên hàng đầu, nếu xảy ra rồi thì coi như mất trắng. Tôi cấp vôi bột, hỗ trợ địa phương thuốc sát trùng để phun khử khuẩn, các vùng quanh khu vực trang trại cũng được rải vôi bột để phòng dịch. Đồng thời, kiểm soát chặt người đến, "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Anh em công nhân, kỹ thuật khi về nhà trở lại trang trại ngoài việc khử khuẩn còn phải cách ly đảm bảo hơn 24 giờ, sau đó tiếp tục khử khuẩn mới được vào làm việc.".
Trong những năm vừa qua, bình quân mỗi năm anh Tân thu về khoảng hơn 10 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí anh lãi ròng khoảng 1,5 tỷ đồng. Số nợ 10 tỷ giờ cũng đã dần được thanh toán, trang trại lại tạo công ăn việc làm ổn định cho 6 lao động với thu nhập bình quân từ 6 -7 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, vào năm 2021 khi giá lợn lên cao, anh thu về khoảng 18 tỷ đồng, trừ các chi phí anh lãi ròng 3 tỷ đồng/năm.
Sau cú liều lịch sử, anh nông dân Lê Quốc Tân đã trở thành một ông chủ thực sự, hiện thực hóa giấc mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Anh Tân cũng là 1 trong 7 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2022. Hiện nay, anh cũng là chi hội trưởng chi hội chăn nuôi tại xã Hưng Nghĩa và thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật, hỗ trợ các thành viên trong chi hội phát triển kinh tế.
Tuấn Quỳnh