Xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia 'tiến thêm một bước'
Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với Định hướng sẽ không còn tình trạng các cấp hành chính từ xã đến tỉnh đều tham gia làm quy hoạch, tràn lan chồng lấn nhau mà không tính đến sự khả thi.
Tập trung vào phát triển các hành lang kinh tế và vùng động lực
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) sáng 22/2, đã tổ chức Hội thảo xin ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học về Báo cáo Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trước khi dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10.
Theo Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia được xây dựng dựa trên cơ sở quy định tại Luật Quy hoạch (2017) và tham khảo kinh nghiệm về lập quy hoạch không gian của nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia có điều kiện tương đồng với Việt Nam trong khu vực như Malaysia, Hàn Quốc.
Đây là quy hoạch cấp quốc gia, mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời; hệ thống đô thị và nông thôn; kết cấu hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Trên cơ sở quy hoạch tổng thể quốc gia, hàng loạt quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch không gian biển mới được lập sau đó.
Nội dung chính của Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia hướng tới hình thành và phát triển các hành lang kinh tế và vùng động lực trong điều kiện nguồn lực cho phát triển có hạn, với kỳ vọng khắc phục những yếu kém của công tác quy hoạch thời kỳ trước, hướng tới sự cải cách toàn diện để quy hoạch thực sự đồng bộ, tích hợp, gắn với nhu cầu sử dụng, cân nhắc đến nguồn lực thực hiện, đạt hiệu quả thiết thực, thực sự trở thành động lực của phát triển.
Liên quan đến nội dung phát triển các hành lang kinh tế, dự kiến tập trung hình thành và phát triển hành lang kinh tế Bắc – Nam và các hành lang kinh tế Đông – Tây.
Trong đó, 2 hành lang Bắc – Nam bao gồm hành lang phía Đông gắn với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Quốc lộ 1A từ Lạng Sơn đến Cà Mau và hành lang phía Tây gắn với đường Hồ Chí Minh và đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây từ Cao Bằng đến Kiên Giang – Cà Mau. Định hướng chỉ rõ trong giai đoạn đến năm 2030, ưu tiên phát triển Hành lang kinh tế phía Đông và phát triển dải ven biển.
Về hành lang kinh tế Đông - Tây, ưu tiên hình thành các hành lang kinh tế có các điều kiện thuận lợi như: Có trục giao thông quan trọng, gắn với các đầu mối giao thương quan trọng như cảng biển, cửa khẩu quốc tế, sân bay quốc tế… tại các địa phương có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị. Trong đó ưu tiên các hành lang có khả năng liên kết với các hành lang kinh tế khu vực và quốc tế.
Liên quan đến nội dung phát triển các vùng động lực, Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia dự kiến lựa chọn một số địa bàn có vị trí thuận lợi nhất, có sân bay quốc tế cửa ngõ và cảng biển cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển, có tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao trong số 4 vùng kinh tế trọng điểm quốc gia hiện nay để hình thành các vùng động lực.
Sau khi xác định các hành lang kinh tế ưu tiên, các vùng động lực, dự kiến bố trí không gian phát triển các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, mạng lưới kết cấu hạ tầng, hệ thống đô thị, phát triển các vùng gắn với các hành lang kinh tế và hình thành, phát triển các vùng động lực.
Tổng quan, Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng tới kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững. Trong đó hình thành được các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn.
Từ đó tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời thúc đẩy thực hiện các mục tiêu tham vọng xa hơn như đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao...
Hoàn thiện quy hoạch tổng thể quốc gia, vạch ra lộ trình phát triển
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng đánh giá công tác quy hoạch rất quan trọng vì làm gì cũng cần có quy hoạch. Do đó "quy hoạch phải đi trước một bước, phải có tính tổng thể, toàn diện, bao quát, có tính định hướng”.
Phải có quy hoạch mới có dự án, có dự án mới tạo được động lực phát triển kinh tế, vậy nên lập quy hoạch là vạch ra lộ trình cho phát triển. Điều này yêu cầu phải có tầm nhìn xa, tư duy chiến lược thì mới tạo được đột phá trong phát triển và việc hoàn thiện quy hoạch tổng thể quốc gia đang là vấn đề cấp thiết.
Cấp thiết nhưng không thể vội vàng. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng từng phát biểu trước đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 quốc hội khóa XV rằng đây là lần đầu tiên chúng ta thực hiện quy hoạch tổng thể theo phương pháp tích hợp. Chưa bao giờ chúng ta làm quy hoạch tổng thể, chỉ làm quy hoạch từng ngành, do đó việc "đi chậm" cũng có một phần khách quan.
Từng bước trong trong quá trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia cần thiết được cấp thẩm quyền cho ý kiến và thông qua, bao gồm cả những định hướng lớn như quan điểm, mục tiêu, khung định hướng tổ chức lãnh thổ quốc gia, các định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, các vùng... sao cho hoàn thiện nhất, để thực sự tạo được đột phá trong công tác quy hoạch.
Khi có quy hoạch tổng thể rồi, khâu tổ chức thực hiện phải đúng, phải nghiêm ngặt thì Quy hoạch tổng thể quốc gia thực sự trở thành một công cụ để quản lý phát triển đồng bộ, phát huy tổng thể sức mạnh liên kết vùng, ngành, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bùi Hằng (T/h)