Xây dựng Báo cáo hiện trạng chất thải nhựa năm 2022
Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ TN&MT) phối hợp cùng Tổ chức hợp tác quốc tế về Bảo tồn thiện nhiên (WWF) tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo tham vấn Báo cáo hiện trạng chất thải nhựa năm 2022.
Ngày 9/3, tại Hà Nội, Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ TN&MT) phối hợp cùng Tổ chức hợp tác quốc tế về Bảo tồn thiện nhiên (WWF) tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo tham vấn Báo cáo hiện trạng chất thải nhựa năm 2022.
Phát biểu tại hội thảo, ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm chia sẻ, lượng chất thải nhựa tại Việt Nam đang tăng lên theo từng năm, và Việt Nam cũng nằm trong nhóm các quốc gia nhập khẩu nhiều phế liệu trên thế giới, trong đó có phế liệu nhựa. Sự gia tăng chất thải nhựa khiến con người phải đối mặt với các vấn đề ô nhiễm môi trường, sức khỏe.
Hiện nay, Đảng và Nhà nước, Chính phủ đã có những hành động mạnh mẽ nhằm giảm ô nhiễm chất thải nhựa. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu CTN; Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn (trong đó có vi nhựa); Luật Bảo vệ môi trường 2020 với những quy định cụ thể liên quan đến giảm thiểu chất thải nhựa và chất thải nhựa đại dương, quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất... Trong ngành du lịch cũng đã có một số quy định về bảo vệ môi trường và giảm sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần.
Sắp tới, Việt Nam cùng với nhiều quốc gia trên thế giới sẽ cùng tham gia đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về chấm dứt ô nhiễm nhựa. Trong khuôn khổ hợp tác của Chương trình Đối tác hành động quốc gia về Nhựa tại Việt Nam (Chương trình NPAP), WWF Việt Nam đã phối hợp với Cục Kiểm soát ô nhiễm xây dựng Báo cáo hiện trạng chất thải nhựa năm 2022. Báo cáo nhằm làm rõ thực trạng sản xuất nhựa, tình hình phát sinh, thu gom, tái chế và xử lý CTN, đánh giá công tác quản lý và đề xuất một số giải pháp giảm thiểu ô nhiễm CTN trên toàn quốc. Đây cũng là căn cứ để Bộ TN&MT xây dựng báo cáo quốc gia trình Chính phủ, phục vụ công tác chuẩn bị tham gia đàm phán công ước.
Tại hội thảo, các chuyên gia của dự án đã giới thiệu quy trình và phương pháp ước tính các thành phần chất thải nhựa từ chất thải răn sinh hoạt; hiện trạng phát sinh, xử lý, tái chế và tái sử dụng CTN tại Việt Nam. Theo TS Lưu Việt Dũng, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhóm nghiên cứu đã khả sát thực địa 3 địa phương là Thái Bình, Phú Thọ và Hà Nội – đại diện cho vùng ven biển, trung du và miền núi và khu vực đô thị. Kết quả điều tra, khảo sát cho thấy, túi ni lông chiếm phần lớn thành phần CTN được thu thập tại 3 khu vực khảo sát. CTN phổ biến là nhựa dùng 1 lần, bao bì thực phẩm.
Nhóm nghiên cứu đã áp dụng các phương pháp tính toán và ước tính, CTN chiếm tỷ lệ khoảng 12% trong tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt. Tuy nhiên, lượng, CTN này bị nhiễm bẩn chéo từ các thành phần hữu cơ, gây khó khăn cho công tác tái chế và tái sử dụng. Sản phẩm tái chế từ nhóm nhựa này dự kiến cũng có chi phí cao.
PGS.TS Nguyễn Tài Tuệ, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, khối lượng CTN phát sinh tại Việt Nam khoảng 3 triệu tấn/năm (2021). Trong đó, riêng 28 tỉnh/TP ven biển phát sinh 1,6 triệu tấn. Tổng khối lượng CTN thất thoát vào môi trường là khoảng 0,6 triệu tấn, riêng thất thoát vào môi trường nước khoảng 0,08 triệu tấn.
Để giải quyết các khó khăn, thách thức về ô nhiễm nhựa, nhóm nghiên cứu đề xuất cần hoàn thiện cơ chế chính sách để giảm thiểu CTN, đó là thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và trung hòa nhựa; nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng trogn sản xuất, phân phối, sử dụng, thu gom, tái chế chất thải nhựa; tăng cường trao đổi, hợp tác quốc tế… Trong đó, trước mắt, cần ưu tiên xây dựng quy định kỹ thuật về đánh giá khối lượng CTN phát sinh, điều tra thành phần CTN trong chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương; áp dụng một số giải pháp thực hiện ngay như giảm sử dụng túi ni lông và nhựa dùng 1 lần…
Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Bộ Công Thương, các hội, hiệp hội, tổ chức quốc tế liên quan đến nhựa đã đóng góp ý kiến để hoàn thiện dự thảo báo cáo. Các chuyên gia đều đánh giá cao ý nghĩa, nội dung báo cáo sẽ giúp cung cấp thông tin cơ bản, làm nền tảng cho công tác quản lý và phát triển ngành nhựa, giảm ô nhiễm nhựa. Nhiều ý kiến đề nghị nhóm xây dựng báo cáo cần làm rõ sự khác biệt với các nghiên cứu đã có và cập nhật thêm số liệu để củng cố chắc chắn các kết quả hiện trạng đưa ra. Giải pháp đề xuất cần làm rõ thêm hàm ý chính sách có tác động đến những vấn đề thực tiễn, thúc đẩy công tác phân loại rác tại nguồn, tái chế tái sử dụng CTN và hạn chế nhựa dùng 1 lần…
Ông Phạm Mạnh Hoài, Quản lý Hợp phần Đối tác và Chính sách nhựa, WWF-Việt Nam cho biết, các ý kiến sẽ được tiếp thu nhằm hoàn thiện dự thảo Báo cáo chất thải nhựa năm 2022. Do nghiên cứu có phạm vi và mục đích nhất định nên không thể đáp ứng hết các yêu cầu chuyên sâu của ngành nhựa. Báo cáo sẽ đưa ra bức tranh tổng thể ô nhiễm môi trường do nhựa, tìm ra những nhu cầu thiết thực của ngành nhựa để đáp ứng tốt nhất các mục tiêu quản lý, thông tin cho cộng đồng, doanh nghiệp, đối tác quốc tế trong thời gian tới.
Khánh Ly