“Xanh hóa” bao bì thực phẩm, nói dễ khó làm!
“Xanh hóa” bao bì thực phẩm không chỉ là xu hướng mà còn là sự chuyển đổi chiến lược của các doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu về môi trường. Tuy nhiên, quá trình xanh hóa đòi hỏi nguồn vốn, thời gian, cũng như nâng cao trình độ nguồn nhân lực.
Bên lề hội thảo “Bao bì thực phẩm – Kiểm soát chất lượng và nắm bắt xu hướng” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) phối hợp với Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng tổ chức ngày 7/5, bà Liêu Ngọc Minh Tuyến, Giám đốc Công ty TNHH SX – DV Minh Phát, đơn vị chuyên sản xuất và cung cấp túi tự hủy sinh học, túi tinh bột thân thiện môi trường… chia sẻ doanh nghiệp bà gặp nhiều khó khăn bởi những quy định trong sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này.
“Để sản xuất bao bì thực phẩm theo hướng thân thiện môi trường, tự hủy sinh học… bắt buộc doanh nghiệp phải thay đổi, đầu tư trang thiết bị, đội ngũ nhân sự có chuyên môn, kỹ thuật”, bà Minh Tuyến nói, trong đó chi phí để thực hiện cũng là vấn đề lớn của doanh nghiệp.
Đối với sản phẩm bao bì, túi tinh bột tự hủy, mà nguyên phụ liệu để sản xuất thành phẩm là bột khi phân hủy sẽ không để lại vi chất nhựa trong môi trường tự nhiên, thành phẩm sản xuất ra để được thị trường (chủ yếu là thị trường quốc tế, xuất khẩu đi các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu) đón nhận, bên cạnh yêu cầu chứng nhận nguyên phụ liệu để sản xuất (nguyên liệu đảm bảo an toàn thực phẩm, điều kiện đầu vào của sản phẩm – PV), các đơn vị nhập khẩu còn yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp phải có chứng nhận sản phẩm đầu ra cũng phải đáp ứng đủ điều kiện.
Nghĩa là doanh nghiệp, ngoài cung cấp giấy chứng nhận nguyên liệu sản xuất đủ điều kiện (đầu vào) của túi tự hủy, còn cần phải cung cấp chứng nhận sản phẩm thành phẩm cũng đủ điều kiện. “Giấy chứng nhận này, doanh nghiệp phải tự kiểm định ở tổ chức nước ngoài với mức phí khoảng 1 tỷ đồng và thời gian hiệu lực cũng chỉ khoảng 2 - 3 năm, cùng thời gian sản phẩm tự hủy ngoài môi trường”, bà Tuyết buồn rầu nói, doanh nghiệp khó có thể đáp ứng vì chi phí quá cáo.
Ngoài ra, cũng theo bà Tuyến, một trong những nguyên nhân khiến sản phẩm tự hủy sinh học, túi tinh bột thân thiện môi trường khó tiếp cận thị trường tiêu thụ trong nước là vì giá thành tương đối cao, khoảng 120.000 - 140.000 đồng/kg, trong khi túi nhựa nilong chỉ khoảng 40.000 đồng/kg.
Dù khẳng định xanh hóa bao bì thực phẩm không chỉ là một xu hướng mà còn là sự chuyển đổi chiến lược của các doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu về môi trường. Nhưng để thực hiện điều này, các doanh nghiệp phải đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ, sử dụng nguyên liệu xanh, và áp dụng các phương pháp sản xuất bền vững. Quá trình “xanh hóa” đòi hỏi phải có tiềm lực nguồn vốn, thời gian và nỗ lực lớn, cũng như nâng cao trình độ nguồn nhân lực.
Vì thế, Giám đốc Công ty TNHH SX – DV Minh Phát cho rằng, cần phải có sự chung tay của nhiều cơ quan có thẩm quyền, thậm chí “doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này nên nhận được sự ưu đãi về phí môi trường”, bà Tuyến đề xuất.
Các doanh nghiệp sản xuất bao bì thực phẩm hiện nay tập trung vào việc sử dụng vật liệu bao bì thân thiện với môi trường, dễ tái chế, và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Điều này dần trở thành tiêu chuẩn mới trong việc phát triển kinh tế trên toàn cầu, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu.
Võ Chí Kiên