Thaco Industries: Cải tiến thành công dây chuyền in bao bì 5 màu
Nhà máy Sản xuất bao bì (Thaco Industries) đã thực hiện thành công đề tài Cải tiến dây chuyền in 5 màu.
Cùng với đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, nhà máy đặc biệt chú trọng sáng kiến cải tiến trong sản xuất nhằm giảm chi phí, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Mới đây nhất, nhà máy đã thực hiện thành công đề tài Cải tiến dây chuyền in 5 màu.
Cùng với đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, nhà máy đặc biệt chú trọng sáng kiến cải tiến trong sản xuất nhằm giảm chi phí, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Mới đây nhất, nhà máy đã thực hiện thành công đề tài Cải tiến dây chuyền in 5 màu.
Hiện nay, Nhà máy Bao bì sản xuất kinh doanh đa dạng sản phẩm bao bì carton với công suất 40.000 tấn giấy mỗi năm, phục vụ đóng gói nông sản, linh kiện phụ tùng, hóa chất, áo ghế, thực phẩm, nước giải khát, may mặc, giày da… cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm được sản xuất trên hệ thống dây chuyền hiện đại như: dây chuyền cán sóng tự động liên hoàn, dây chuyền in, bế tự động liên hoàn… sử dụng công nghệ tiên tiến: công nghệ nối giấy tự động, công nghệ in Flexo…
Năm 2023, nhà máy có nhiều đề tài được áp dụng vào sản xuất, mang lại hiệu quả thiết thực ở các dây chuyền: Chuyền Cán sóng (Cải tiến cơ cấu phanh hãm đối trọng nâng/hạ băng tải thu phôi; Cải tiến băng tải con lăn xích thu phôi); Chuyền In 1 màu (Cải tiến băng tải thu phôi)… trong đó nổi bật là Cải tiến tại dây chuyền in 5 màu.
Dây chuyền in 5 màu gồm 2 máy chính: máy in và máy bó dây. Máy in tốc độ bình quân 150 tấm/phút, máy bó dây tốc độ 8 bó/phút (tương đương 120 tấm/phút). Công nghệ bó 2 dây (bó dọc) liên tục, sử dụng 2 mắt cảm biến, thường xảy ra hiện tượng lỗi tín hiệu, hoạt động không ổn định. Tổng thể dây chuyền được bố trí kiểu chữ “L”, không thuận tiện trong sản xuất và di chuyển, không đảm bảo mỹ quan trong layout tổng thể của nhà máy.
Để khắc phục các lỗi trên, các nhân sự tại xưởng sản xuất của nhà máy đã phối hợp nghiên cứu và cải tiến lại dây chuyền. Cụ thể: cải tạo băng tải từ hình chữ “L” sang đường thẳng, giảm thời gian di chuyển cho sản phẩm. Cài đặt biến tần, lắp thêm cảm biến điều khiển băng tải, để sản phẩm nối đuôi nhau liên tục vào máy bó, tốc độ máy bó tăng 35%, từ 8 lên 11 bó/phút (tương đương 120 lên 165 tấm/phút, đáp ứng được tốc độ sản xuất bình quân của máy in; đồng thời lắp thêm tay vỗ khí nén để sắp xếp sản phẩm theo hướng ngang một cách gọn gàng; điều chỉnh máy bó theo phương pháp bó 1 dây (bó ngang), giúp giảm thời gian gia công tại công đoạn.
Đề tài đã mang lại hiệu quả thiết thực, gia tăng năng lực sản xuất toàn chuyền lên 25% (tương đương từ 120 lên 150 tấm/phút); tiết kiệm chi phí lên đến hơn 830 triệu đồng theo kế hoạch sản xuất năm 2024 và 750 triệu đồng chi phí đầu tư thiết bị mới; đồng thời mang lại mỹ quan và thuận tiện trong công việc cho nhân sự.