Thứ ba, 16/04/2024 13:02 (GMT+7)
    Thứ tư, 23/02/2022 10:00 (GMT+7)

    Xác định mô hình đô thị Trung tâm Tài chính Quốc tế tại TP.HCM

    Theo dõi KTMT trên

    Nhiệm vụ nghiên cứu và thiết lập cơ chế đặc thù thúc đẩy phát triển TP.HCM theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra trở thành trung tâm tài chính quốc tế, trong đó theo các chuyên gia việc đầu tiên là cần xác định "hình hài" trung tâm này như thế nào.

    Như vậy, cùng với TP.HCM, Chính phủ cũng đồng ý chủ trương xây dựng trung tâm tài chính mang tầm khu vực ở Đà Nẵng. Ý tưởng này đang được hai thành phố và các bên liên quan quyết tâm triển khai thực hiện. Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, TP.HCM cần định hình rõ mô hình trung tâm tài chính quốc tế ngay từ đầu, tránh nguy cơ cạnh tranh nội bộ giữa 2 trung tâm về sau.

    Xác định mô hình đô thị Trung tâm Tài chính Quốc tế tại TP.HCM - Ảnh 1
    Định hình rõ mô hình trung tâm tài chính quốc tế ở TP.HCM.
    Xác định mô hình đô thị Trung tâm Tài chính Quốc tế tại TP.HCM - Ảnh 2
    Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG).

    Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cập nhật về đề án cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến dự án này của Việt Nam. Tập đoàn IPPG cũng vừa ký biên bản ghi nhớ thực hiện nghiên cứu đề án với UBND TP.HCM hôm 8/2.

    Chia sẻ ban đầu cho thấy, các nhà đầu tư Mỹ trước mắt đồng ý rót vốn khoảng 10 tỷ USD vào Việt Nam, bao gồm 6 tỷ USD tại TP.HCM và 4 tỷ USD tại Đà Nẵng để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Ngoài số tiền cam kết bằng văn bản, đơn vị này còn trao đổi nhiều với các nhà đầu tư, đơn vị tư vấn về mô hình hoạt động.

    Xác định mô hình đô thị Trung tâm Tài chính Quốc tế tại TP.HCM - Ảnh 3
    Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư Tài chính TP.HCM (HFIC).

    Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư Tài chính TP.HCM (HFIC) ông Nguyễn Ngọc Hòa – một trong những đơn vị chủ chốt trong việc xây dựng đề án này cho biết: Hiện thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo do Chủ tịch UBND làm Trưởng ban, các thành viên gồm chuyên gia, nhà nghiên cứu và tổ giúp việc do lãnh đạo HFIC làm tổ trưởng. Đồng thời, đề án cũng được Chính phủ, các bộ - ngành quan tâm, đôn đốc tiến độ.

    Trong đề án này, TP.HCM xác định rõ mục tiêu trở thành "hub" (nơi hội tụ) để thu hút các đầu mối, dòng vốn doanh nghiệp, tư nhân, toàn cầu. Tuy nhiên, đó chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là có vốn rồi thì sử dụng như thế nào để kích hoạt phát triển kinh tế. Thành phố đã giao HFIC lấy ý kiến chuyên gia để tổng hợp, trình Chính phủ, báo cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

    Về tiến độ, HFIC đã lấy ý kiến chuyên gia xong và hình thành đề cương đề án. Đề án tập trung nêu rõ được sự cần thiết, vai trò, ý nghĩa tầm quan trọng của trung tâm này với kinh tế Việt Nam nói chung; đúc kết kinh nghiệm các trung tâm tài chính quốc tế của thế giới, so sánh chỗ nào tương đồng với điều kiện của Việt Nam về cả kinh tế, thể chế, chính trị.

    Bên cạnh đó, xác định trụ cột quan trọng của trung tâm tài chính; xác định rõ mô hình trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM. Đồng thời, cũng có kiến nghị cơ chế chính sách đột phát và đặc thù, có những sandbox thử nghiệm; cũng như xây dựng chương trình hành động để cụ thể hóa việc xây dựng trung tâm này.

    Dự kiến, tháng 4/2022, Đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM sẽ được hoàn chỉnh và trình báo cáo đến cơ quan Trung ương.

    Tại tọa đàm "Tạo đột phá để phát triển kinh tế cả nước và TP.HCM" ngày 17/2, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế tài chính cho rằng, để xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM, trước hết cần phải thống nhất “hình hài” sẽ như thế nào?

    Xác định mô hình đô thị Trung tâm Tài chính Quốc tế tại TP.HCM - Ảnh 4
    Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế tài chính. 

    Theo Tiến sỹ Cấn Văn Lực, hiện đang có một số hình dung về trung tâm tài chính nhưng chưa hoàn toàn chính xác. Có người cho rằng đó là một trung tâm tài chính có trụ sở, tòa nhà của khối ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm…

    Cũng có người tưởng tượng đây là một trung tâm về đầu tư, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn. Hoặc có quan điểm đây là trung tâm giải trí gắn với casino, du lịch… hay trung tâm tài chính quốc tế là tổ hợp của tất cả những thành phần trên.

    “Tuy nhiên, đó vẫn là cách tư duy truyền thống, vì hiện thế giới tài chính đang thay đổi rất nhanh chóng. Vấn đề giao dịch số, điện tử, tiền kỹ thuật số, tiền mã hóa… sẽ là xu hướng tài chính tiền tệ thế giới từ 5-10 năm tới, thậm chí là lâu dài. Trong bối cảnh đó, Việt Nam nên định vị như thế nào trong thế giới tài chính tiền tệ có nhiều thay đổi?”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực nói.

    Trên cơ sở đó, Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM phải xác định trụ cột chính, nên tập trung phát triển các công ty công nghệ tài chính (Fintech) hay ưu tiên lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, đầu tư… Nếu không xác định ngay từ đầu, có thể dẫn đến sự cạnh tranh nội bộ với Trung tâm tài chính mang tầm khu vực đặt ở Đà Nẵng.

    Cũng theo vị chuyên gia này, Đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế phải được gắn với quy hoạch của TP.HCM, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời cần có được sự đồng thuận về mặt chính trị.

    Xác định mô hình đô thị Trung tâm Tài chính Quốc tế tại TP.HCM - Ảnh 5
    TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh.

    Cùng quan điểm, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cũng cho rằng, thành phố nên lựa chọn mô hình trung tâm tài chính mới chứ không phải theo cách truyền thống, tiếp cận ngay mô hình tài chính tích hợp gắn với đô thị hoá, các dịch vụ chất lượng cao.

    Đồng thời, cần có một văn bản pháp lý triển khai ngay đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế ở TP.HCM để hiện thực hóa ý tưởng đã có từ lâu.

    “Một thực tế đáng buồn là một trong những đặc khu của Việt Nam từ những năm 1990 là Hải Phòng, nhưng đến nay nhìn lại chưa đến đâu, một số đề án khác cũng rất ì ạch. Ý tưởng về trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM đã có cách đây hơn 20 năm, đến nay vẫn đang chỉnh sửa. Hy vọng chúng ta 'dám chơi, biết chơi và nhanh,' vì nếu quá 3 năm thì 5 năm này không còn đột phá, khát vọng 2025-2030 khó thành công,” ông Võ Trí Thành nói.

    Xác định mô hình đô thị Trung tâm Tài chính Quốc tế tại TP.HCM - Ảnh 6
    PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

    Còn đối với PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế như ở TP.HCM là cần thiết. Tuy nhiên, theo vị Phó giáo sư, nếu nhìn ở góc độ xin cơ chế đặc thù cho riêng thành phố là rất khó.

    PGS.TS Trần Đình Thiên nói: "Nhiều khi các Đại biểu Quốc hội cũng chưa nắm rõ nên cần nhấn mạnh ở đây là trung tâm tài chính quốc tế tầm quốc gia. Cần truyền thông, thông tin cụ thể để làm rõ và cùng phát triển vì tương lai của cả nước, bởi đề án tốt nhưng nhìn xa hơn thì ít người hiểu được xu thế phát triển của quốc tế".

    Mô hình trung tâm tài chính quốc tế cũng cần phải cạnh tranh không chỉ vượt trội mà còn phải khác biệt, làm sao cạnh tranh được với khu vực và quốc tế, vài chục năm nữa cũng vẫn hiệu quả, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

    Ông Thiên cho hay: "Đây là điểm then chốt trong câu chuyện cạnh tranh của Việt Nam và quốc tế".

    TP.HCM phải làm đề xuất với tinh thần là đề án quốc gia, làm sao đồng thuận, nhìn về tương lai. Bên cạnh đó, ông cho biết, ý tưởng về trung tâm tài chính quốc tế của TP.HCM thời điểm này có thể được xem là một ý tưởng mang tính đột phá mạnh mẽ nhất và nên được ủng hộ, PGS.TS Trần Đình Thiên phân tích.

    Bùi Hằng (T/h)

    Bạn đang đọc bài viết Xác định mô hình đô thị Trung tâm Tài chính Quốc tế tại TP.HCM. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới